Hôm 20/5/2020 vừa qua, Giáo Hội Công giáo tại Campuchia đã tưởng niệm các nạn nhân và cả các vị tử đạo bị chế độ Khmer Đỏ sát hại cách đây 45 năm.
Người Campuchia gọi đó là “Ngày phẫn nộ”, và thường tổ chức những hoạt cảnh, trong đó các học sinh mặc áo đen diễn lại những cảnh sách nhiễu của những người Khmer Đỏ tại những cánh đồng thảm sát.
Tuy nhiên, Đức cha Olivier Schmitthaeusler, thuộc Hội Thừa sai Paris, Đại diện Tông tòa Phnom Penh, nói với hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo, hôm 20/5 vừa qua rằng: “Hôm nay, chúng tôi tưởng niệm các nạn nhân và những đau khổ xảy ra dưới chế độ Khmer Đỏ diệt chủng. Chúng tôi cũng tưởng niệm các vị tử đạo của chúng tôi, và chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình, đối thoại và hòa giải tại Campuchia và trên thế giới”.
Đức cha Olivier giải thích rằng: “Năm nay, chúng tôi kỷ niệm 45 năm truyền chức cho vị giám mục đầu tiên người Campuchia, là Đức cha Joseph Chhmar Salas, được Đức cha Yves Ramousse truyền chức giám mục, ngày 14/4/1975, trong lúc nhà thờ Đức Bà ở Phom Penh bị pháo kích. Ba ngày sau đó, quân Khmer Đỏ tràn vào thủ đô và toàn thể dân chúng phải chạy trốn hoặc bị di tản. Đức cha Salas bị đày tới Tangkauk, ở miền đông bắc và ngài chết tại đây năm 1977. Ngài là vị đầu tiên trong danh sách 14 vị tử đạo, đang được Giáo Hội cứu xét án phong chân phước, từ ngày 15/5/2015”.
Đức cha đại diện Tông tòa Giáo phận Phnom Penh nói thêm rằng: “Năm nay, chúng tôi cũng kỷ niệm 30 năm Giáo Hội tại Campuchia hồi sinh: Hôm đó là ngày 14/4 năm 1990, khi Đức cha Emile Destombes cử hành Lễ Phục sinh tại một rạp xinê ở Phnom Penh. Đó thực là một biến cố lịch sử, có giá trị biểu tượng và tinh thần: trong đêm đen, giữa những năm đen tối của chế độ, ánh sáng đức tin đã không bị tắt lịm và ngọn lửa của cây nến phục sinh sưởi ấm và soi sáng hội trường tối đen ấy”.
Đức cha Olivier Schmitthaeuser nói thêm rằng: “Chúng tôi muốn nhắc lại những lời cuối cùng của Đức cha Salas, nói với Đức cha Ramousse ngày 17/4 năm 1975, trước khi ra đi trên những con đường đất bụi của Campuchia: “Xin Đức cha hãy nói với thế giới về chúng con”. Với tinh thần ấy, chúng tôi muốn giữ cho ký ức về các vị tử đạo được sinh động và chúng tôi đang sống Tin Mừng hòa bình và hòa giải tại Campuchia ngày nay”.
Dưới thời Khmer Đỏ, từ 1975 đến 1979, khoảng hai triệu người Campuchia đã chết vì các cuộc hành quyết, đói khát và bệnh tật. Các trại tàn sát mọc lên tại nhiều nơi trong nước, với hơn 20.000 mộ tập thể, chôn hơn 1.380.000 tử thi, theo Trung tâm tài liệu của Campuchia. Trại thảm sát lớn nhất là Choeung Ek, ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, ngày nay là đài tưởng niệm tất cả những người đã chết và sống sót, và để nhắc nhớ cho hậu thế thảm trạng đau khổ khôn lường thời Khmer Đỏ. (Fides 20-5-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.