VATICAN CITY 18/5/2025 (AP) — Thánh lễ nhậm chức của Đức giáo hoàng Leo XIV vào sáng Chủ nhật tại quảng trường và vương cung thánh đường thánh Peter là một nghi thức đầy tính biểu tượng, kết nối ngược về tông đồ cả của Chúa Giêsu là thánh Peter và sứ mạng đặc biệt của ngài với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo.
Không có vai trò mới nào được trao, Đức giáo hoàng đã là người đứng đầu Tòa thánh Vatican với khoảng 1,4 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới, hàng chục ngàn người trong số họ đã tập trung tại quảng trường để tham dự thánh lễ cùng với đại diện chính phủ các nước.
Đức Leo sẽ nhận được hai dấu hiệu quan trọng của triều giáo hoàng của mình: dây pallium và chiếc nhẫn ngư phủ, đánh dấu vai trò là người kế vị thánh Peter.
Đây là những điều cần biết về chúng và nhiều nghi thức khác trong phụng vụ trang trọng chứa đầy ngôn ngữ cổ và các tham chiếu Kinh Thánh – tất cả nghi thức diễn ra sau khi đức Leo đi một vòng quanh quảng trường trên chiếc xe giáo hoàng.
Lễ nhậm chức là gì?
Về cơ bản, đó là một buổi cử hành Thánh Thể giống như bất kỳ thánh lễ Chúa nhật nào được tổ chức tại các nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới.
Sẽ có các lời cầu nguyện, bài thánh ca, các bài đọc từ Tân ước và Cựu ước, một bài giảng và rước Lễ, tất cả theo thứ tự thông thường. Tuy nhiên, biểu tượng được lồng ghép ngay cả trong một số khía cạnh điển hình.
Ví dụ, đoạn Tin mừng sẽ tập trung vào việc Chúa Giêsu giao trách nhiệm cho Phêrô làm người chăn dắt Hội thánh – một tham chiếu mà đức Leo đã đưa ra trong những lời công khai đầu tiên của ngài vào ngày ngài được bầu chọn.
Đoạn Tin mừng sẽ được công bố đầu tiên bằng tiếng Latinh và sau đó bằng tiếng Hy Lạp. Cha Giuseppe Midili, một giáo sư và cố vấn của văn phòng phụng vụ Vatican, cho biết là những ngôn ngữ chính của Giáo hội sơ khai cách đây 2.000 năm, ngày nay chúng biểu thị “nỗ lực của Giáo hội để tiếp cận mọi người” và mang tính phổ quát.
Với một nét cá nhân hơn, Vatican cho biết rằng bên cạnh bàn thờ ngoài trời sẽ có một hình ảnh Đức Mẹ ban ơn – một biểu tượng của Đức Mẹ từ một thánh địa ở một ngôi làng nhỏ bên ngoài Roma do dòng Augustino phục vụ, dòng tu của đức Leo.
Dấu hiệu của thánh Peter — Pallium và nhẫn ngư phủ
Hai khoảnh khắc quan trọng nhất sẽ diễn ra ngay trước bài giảng, khi các hồng y trao cho đức Leo dây pallium và chiếc nhẫn ngư phủ.
Pallium là một loại dây choàng hẹp giống như khăn choàng với hai dải rủ xuống ngang vai, được trang trí bằng các thánh giá tượng trưng cho vết thương của Chúa Giêsu. Nó được làm bằng len trắng theo một quy trình phức tạp, trong đó những con chiên theo truyền thống được ban phước trước khi xén lông, giống như những chiếc tương tự được trao cho các tổng giám mục khi thụ phong.
“Đó là biểu tượng của người chăn chiên tốt lành, người vác chiên trên vai,” cha Midili nói.
“Pastor” có nghĩa là người chăn chiên trong tiếng Latinh và Kinh thánh thường đề cập đến người chăn chiên tốt lành, người hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên, một sự ám chỉ đến việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Peter, người đã chịu tử đạo. Đức Leo sẽ nhận nó từ đức hồng y Dominique Mamberti, người đã công bố với thế giới tên của vị giáo hoàng mới vào ngày 8 tháng Năm.
Chiếc nhẫn ngư phủ gợi nhớ đến đoạn Phúc Âm nơi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi phục sinh khi họ đã trải qua một đêm đánh cá mà không bắt được gì. Ngài bảo Peter thả lưới vào một chỗ cụ thể — và kết quả lưới là chùng xuống vì rất nhiều cá lớn, một số con trong đó các tông đồ đã chia sẻ với Chúa Giêsu trong bữa ăn sáng bên bờ hồ.
Hình ảnh Peter với tấm lưới, tượng trưng cho sứ mệnh truyền giáo và sự hiệp nhất của Giáo hội, được khắc trên nhẫn cùng với tên của giáo hoàng. Khi một vị giáo hoàng qua đời, chiếc nhẫn sẽ bị gạch bỏ để nó không còn được sử dụng làm con dấu cho các văn bản của ngài nữa. Đức hồng y Luis Tagle của Philippines, người được coi là một ứng cử viên nặng ký cho chức giáo hoàng, sẽ trao nhẫn cho đức Leo.
Vào đầu buổi lễ, cả nhẫn và pallium đều được lấy từ nhà nguyện mộ thánh Peter, bên dưới vương cung thánh đường — nơi tân giáo hoàng cầu nguyện cùng với các thượng phụ của các giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương — rồi được rước ra bàn thờ được dựng lên ở quảng trường thánh Peter.
Gặp gỡ và chào hỏi từ tín đồ đến các nhà lãnh đạo thế giới
Ngay sau khi trao hai biểu tượng đó, một phái đoàn đại diện cho các vai trò khác nhau trong Giáo hội, từ các hồng y đến tín đồ, bao gồm một cặp vợ chồng, sẽ chào đón đức Leo trong “nghi thức tuân phục” tượng trưng cho việc Giáo hội hướng về vị giáo hoàng mới để làm theo sự hướng dẫn của ngài.
Sau thánh lễ, đức Leo sẽ chào đón các đại diện chính phủ, hoàng gia và các phái đoàn tôn giáo.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, cả hai đều là người Công giáo đại diện cho một chính quyền thường xuyên tranh cãi với Đức giáo hoàng Francis, dự kiến sẽ tham dự thánh lễ do vị giáo hoàng người Mỹ đầu tiên cử hành.
Theo Vatican, cũng tham dự thánh lễ dự kiến có hơn 20 nguyên thủ quốc gia, bao gồm Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Giorgia Meloni, cũng như Dina Boluarte, Tổng thống Peru, nơi đức Leo có quốc tịch và đã dành nhiều năm làm nhà truyền giáo và giám mục.
Tổng thống của hai quốc gia liên quan đến các cuộc chiến mà đức Leo đã đề cập trong phép lành Chúa nhật đầu tiên của ngài cũng có trong danh sách – Isaac Herzog của Israel và Volodymyr Zelenskyy của Ukraine.
Vua và hoàng hậu Tây Ban Nha dự định tham dự cùng với các thành viên hoàng gia khác từ châu Âu cũng như các vương quốc vùng Vịnh, bao gồm Sheikh Saud bin Saqr Al Qasimi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tác giả: Giovanna DELL’ORTO
Người dịch: John Pham