Trong lần xuất hiện đầu tiên, Đức giáo hoàng Leo đưa ra ba dấu hiệu lớn về triều giáo hoàng của ngài

VATICAN 08/5/2025 (Reuters) – Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trên ban công của Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Đức giáo hoàng Leo XIV đã đưa ra ba dấu hiệu quan trọng về việc ngài sẽ là một vị lãnh đạo như thế nào đối với Giáo hội Công giáo với 1,4 tỷ tín hữu.

Đức Leo, trước đây là Đức hồng y Robert Prevost, người Mỹ, đã được các hồng y trên toàn thế giới bầu chọn làm giáo hoàng mới ngày thứ Năm vừa qua, trong ngày thứ hai của mật nghị hồng y để chọn người kế vị Đức giáo hoàng Phanxicô, người đã qua đời vào tháng trước.

Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến từ Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng mang quốc tịch Peru – nơi ngài từng là nhà truyền giáo trong nhiều thập kỷ trước khi trở thành Hồng y.

Dấu hiệu đầu tiên mà Đức Leo đưa ra là việc chọn tên hiệu. Các giáo hoàng thường sử dụng việc chọn tên để gửi đi tín hiệu lớn đầu tiên về các ưu tiên trong triều đại của họ.
Đức Phanxicô đã lấy tên theo thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh thế kỷ 13 nổi tiếng vì từ bỏ của cải và chăm lo cho người nghèo.

Giáo hoàng cuối cùng lấy tên Leo là Đức Leo XIII, người đã dành phần lớn triều đại giáo hoàng từ năm 1878 đến 1903 để vận động cho quyền lợi của người lao động, kêu gọi trả lương công bằng, điều kiện làm việc công bằng, và quyền được gia nhập công đoàn. Một nhà bình luận dòng Tên theo sát giáo triều, linh mục Thomas Reese cho biết: “Việc chọn tên Leo XIV cho thấy ngài cam kết với giáo huấn xã hội của Giáo hội”.

Dấu hiệu thứ hai là ngôn ngữ và những lời ngài nói ra, thể hiện rõ sự nhấn mạnh đến nhu cầu về hòa bình – điều mà Đức Phanxicô cũng thường xuyên đề cập đến.

Không có phần nào trong bài phát biểu của ngài với đám đông tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô được nói bằng tiếng Anh; thay vào đó là tiếng Ý – ngôn ngữ chính thức của giáo triều – và một đoạn ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha để chào cộng đồng cũ của ngài tại Peru. Ngài không nhắc đến Hoa Kỳ.

“La pace sia con tutti voi!” – Bình an cho anh chị em! – những lời đầu tiên công khai của Đức Leo, vang vọng câu chào trong các nghi thức phụng vụ Công giáo nhưng đồng thời cũng là một thông điệp hòa bình ngay lập tức giữa một thế giới đầy xung đột.

Trước khi bước vào mật nghị ngày 7 tháng 5, các hồng y trên thế giới đã ra một tuyên bố bày tỏ đau buồn trước các cuộc xung đột “tại Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”, đồng thời đưa ra “lời kêu gọi chân thành” cho hòa bình.

Đức tân giáo hoàng nói rằng ngài muốn chia sẻ bình an của Thiên Chúa, gọi đó là “một sự bình an không vũ trang và làm người khác buông vũ khí,” là “sự bình an khiêm nhường và kiên trì.”

Ngài cũng nhắc đến Đức Phanxicô, người đã ban phép lành cuối cùng cho dân chúng tại Rôma vào Chúa nhật Phục sinh – một ngày trước khi ngài qua đời vì đột quỵ sau nhiều tuần chống chọi với viêm phổi nặng.

Đức Leo nói: “Chúng ta vẫn còn vang vọng bên tai giọng nói yếu ớt nhưng luôn can đảm của Đức giáo hoàng Phanxicô”.

Ngài xin phép được lặp lại phép lành mà Đức Phanxicô đã sử dụng cách đây vài tuần: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa yêu thương mọi người, và sự dữ sẽ không chiến thắng. Chúng ta ở trong tay Thiên Chúa.”

Dấu hiệu thứ ba của Đức Leo nằm ở cách lựa chọn trang phục.

Không giống như Đức Phanxicô, người đã từ chối mọi hình thức xa hoa ngay từ ngày đầu được bầu chọn năm 2013, Đức Leo mặc áo choàng đỏ truyền thống của giáo hoàng bên ngoài áo dòng trắng.

Mặc dù đi theo truyền thống của Đức Phanxicô, Đức Leo vẫn phát đi tín hiệu rằng ngài là một giáo hoàng mới, và khác biệt.

Ban Truyền thông GP Vinh dịch