Nghe hai chữ “linh thao” là lạ hay hay nhưng chẳng hiểu gì hai chữ ấy cả. Quái lạ! Mình là con người đạo gốc, gia đình có đạo cả mấy đời rồi mà chưa hề nghe hai chữ linh thao, mà lại là một phương pháp cấm phòng: Linh thao? Từ sự thắc mắc này khi biết có khóa linh thao được tổ chức tại Betzdorf, tôi tìm hỏi và ghi danh tham dự.
Nhà Concordia là một địa điểm kỳ lạ, không có số nhà, không có tên đường lại nằm hun hút giữa rừng thông, nhưng lạ thay, tôi chỉ hỏi thăm vài người dân sống ngoài làng, rồi tôi, trên con đường nhưa nho nhỏ, lái xe bon bon đến đúng chóc căn nhà có tấm bảng “Haus Concordia“ ở ngay cổng vào, tấm bảng thật xinh với kiểu chữ “phăng-tê-di”, ngạo nghễ đứng trên cây cột cao, tấm bảng cũng nho nhỏ dễ thương như căn nhà vậy.
Bước chân vào nhà tôi được tiếp đón bằng chầu cà phê bánh ngọt, được gặp vài người đã quen, những người sắp quen, người nào cũng cười chào vui vẻ thoải mái, vì đây là dịp nghỉ ngơi cuối tuần trong Chúa?
Chỉ có mình tôi lo lắng không biết linh thao là làm những gì? Tại sao nó cũng là một phương pháp tĩnh tâm mà mình chưa hề biết đến. Thật mình đúng là một thằng ngố, mặc dầu ở Việt Nam tôi đã từng dự nào là hội họp trong giáo xứ, nào là tĩnh tâm mùa vọng, mùa Phục Sinh, v.v.. Tuy vậy, khi tiếp xúc với mọi người tôi tiếp nhận được ngay sự thoải mái vui vẻ nơi họ nhất là khá đông những khuôn mặt trẻ.
Đúng 18 giờ là giờ ăn chiều. Nhìn thức ăn chiều của người Đức là tôi muốn dội rồi, chỉ có bánh mì đen cắt lát sẵn ăn với bơ, Käse, Schinken, Salamie, v.v.. nhưng nghĩ lại, mình đến đây để tĩnh tâm thì phải hãm mình lo cho cái phần hồn, thì phần xác phải chay tịnh vậy. Thế là tôi vào bàn với mọi người vui vẻ… nhâm nhi bánh mì đen… Ô! Mà sao bánh ngon quá đi chứ! Có lẽ vì cái không khí mới mẻ vui vẻ trong tôi mà bánh trở thành ngon chăng!? Cám ơn Chúa.
Sau khi được người tổ chức giới thiệu linh mục giảng phòng và tất cả tham dự viên với những lời dí dỏm. Chúng tôi lại được cười thoải mái với những lời mở đầu dí dỏm hơn của vị linh mục giảng phòng, thật phút đầu gặp gỡ sao mà ân tình vui vẻ quá sức!
Bây giờ là giờ của linh thao, giờ của thao luyện linh hồn, ừ nhỉ, tại sao lâu nay ta chỉ thao luyện thể xác mà không bao giờ thao luyện linh hồn. Hồn ơi, từ giờ này trở đi là giờ của mi nghe… Làm linh thao là phải thi hành đúng bốn cái phải này: “Phải thinh lặng để lắng nghe, phải cầu nguyện để gặp Chúa, phải nỗ lực để cộng tác, phải bàn hỏi để nhận định“. Có như thế thì thao luyện cái linh hồn mới có kết quả.
Nhiều cái phải quá đi mất, luyện cái hồn mà cái xác phải chịu toàn những “phải” là “phải”. Chứ gì nữa, khi tập thể thao ta cũng phải chịu bao nhiêu là cái “phải”, kể cả phải kiêng khem nhiều thứ, phải ăn uống điều độ, phải tập tành đều đều, phải từ chối nhiều thức ăn, không được đụng tới nữa ấy chứ. Thế thì cả hồn lẫn xác phải chấp nhận nhé.
Đêm đầu tiên giữ những cái phải ấy với tôi thật dễ ợt, cái thằng tôi chả thấy cái gì là phải cố gắng cả. Sau bữa ăn chiều ngày đầu tiên, chúng tôi được cha giới thiệu về Thánh I-nhã, người sáng lập ra phương pháp tĩnh tâm này và giảng giải về những điều kiện phải có là thinh lặng, cầu nguyện, nỗ lực, bàn hỏi. Đó là những điều kiện cần và đủ để làm linh thao cách hữu hiệu trong hai ngày cấm phòng. Cha còn cẩn thận dặn dò, các anh chị mà giữ được nghiêm ngặt những điều kiện đó thì kết quả thâu lượm được cho linh hồn sẽ rất dồi dào và tốt đẹp.
Sau đó chúng tôi dự Thánh lễ khai mạc, cầu xin Chúa Thánh Thần hiện diện ban ơn cho tất cả khóa được sốt sắng thao luyện linh hồn, nghỉ ngơi thể xác. Chúng tôi vào phòng họp giới thiệu nhau và chia sẻ về những tâm tình mình đến đây để làm gì, vì lý do hay vì sự thúc đẩy nào, v.v.. và v.v.. rồi đi ngủ. Tôi đánh một giấc ngon lành cho đến khi nghe chuông của người phụ trách đánh thức tôi mới choàng tỉnh.
Thánh lễ đầu ngày thật sốt sắng, tâm hồn lâng lâng sung sướng kỳ lạ, chúng tôi dự của ăn thiêng liêng rồi mới dự của ăn trần thế. Trong giờ ăn mọi người vẫn quen miệng bô bô thăm hỏi nhau, nhìn lại cha giảng phòng, thấy ngài đang im lặng an nhiên tự tại, ngồi ăn như chìm đắm vào trong cõi tiên giữa thế trần, thế là mấy cái miệng chúng tôi tự nhiên phải im bặt, cái mắt thì liếc liếc xem mọi người ra sao!. Gì chứ ngồi ăn mà phải giữ im lặng bên bao nhiêu người đẹp, muốn mở miệng làm quen mà không dám, cái miệng tôi ngứa ngáy quá sức, lời nói sắp vọt ra thì cái lưỡi lại phải rụt lại.
Chao ơi, linh thao chi mà khổ như ri hỉ, nhưng mà thôi, cái xác phàm này phải nhường nhịn cho cái hồn nhé. Thế là trong tinh thần phải nhượng bộ, tôi giữ thinh lặng được dễ dàng. À thì ra mình tập được khiêm nhường nhượng bộ rồi.. hà hà.. một thành công đáng kể của cái xác phải nhường cái hồn chứ chưa khiêm nhường với ai cả.
Cứ thế với tinh thần nhường nhịn, tôi làm linh thao một cách vui vẻ, thoải mái mà thú vị nữa chứ, vì cái hồn và cái xác của tôi nó cứ đối chọi, í quên, đối thoại, cãi nhau chí chóe.
Qua hai ngày được nghe bao nhiêu lời súc tích của linh mục diễn giải về Thánh Kinh, và tập cho chúng tôi cầu nguyện với Phúc Âm, tôi thấy có một cái gì lạ lạ xâm chiếm tâm hồn mình mà không giải thích được. Cái cảm giác này nó lạ lắm. Ô! sao mà linh thao tuyệt diệu như vậy mà phải ra tới hải ngoại mình mới biết đến. Từ trước tới giờ, theo truyền thống cầu nguyện trong gia đình, tôi chỉ đọc kinh lần hạt chuỗi Mân Côi thôi, chứ chưa khi nào cầu nguyện với Phúc Âm cả.
Tâm hồn tôi biến đổi cách lạ thường, thanh thản nhẹ nhàng, nhìn thấy ai cũng dễ thương, cảnh vật chung quanh trở nên đẹp đẽ sống động vô cùng, nhìn đâu cũng thấy nhiệm mầu của Thiên Chúa hiện diện, một niềm vui chan chứa trong hồn, tuỵệt diệu vô cùng… Tôi thấy mình gần Chúa vô cùng hay đúng hơn Chúa cận kề tôi cách thắm thiết.
Trong Thánh lễ Hòa giải, cha đã hướng dẫn chúng tôi xét mình theo Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Răn của Hội Thánh bằng tình yêu thương. Nhờ có ánh sáng Chúa Thánh Thần chiếu rọi vào tâm hồn, tôi đã nhìn thấy cái tôi thật xấu xa, bần tiện, thô bỉ, khô khan và đầy tội lỗi, ấy thế mà tôi luôn luôn tự đắc là mình giỏi, mình đạo đức, đọc kinh sáng tối, mình thánh thiện hơn bao nhiêu người, tôi còn có chút địa vị trong xã hội Đức chứ bộ ít sao, có nhà đẹp, có xe sang, có con cái khôn ngoan học giỏi.
Chúa nhật nào gia đình cũng cùng nhau đi dự Thánh lễ, tổ chức từ thiện nào tôi cũng đóng góp, báo chí Công giáo tôi cũng ủng hộ để gián tiếp rao truyền Lời Chúa. Tôi cứ đinh ninh rằng mình sống đạo như thế là chu toàn, đâu ngờ bây giờ trong những giây phút thinh lặng để xét sâu vào tâm hồn, mình mới thấy được cái thiếu sót quá nhiều của một Kitô hữu vì không có một chút yêu thương nào trong những việc mình làm.
Tôi can đảm xưng thú hết những tội trọng mà lâu nay dấu nhẹm, không dám xưng ra. Trong Thánh lễ Hòa giải, tôi không cầm giữ được nước mắt, những giọt nước mắt ăn năn, những giọt nước mắt cảm động vì được tha thứ, những giọt nước mắt được Chúa thương yêu âu yếm ôm vào lòng. Đến phút giây chúc bình an cho nhau, chúng tôi ôm chúc nhau từng người thật cảm động rơi nước mắt vì sung sướng, vì hạnh phúc… rung động một tình yêu thương anh chị em trong đáy con tim.
Trở về cuộc sống thường ngày, những giây phút, những trải nghiệm trong mấy ngày qua như một cuốn phim quay chậm lại trong tôi. Tôi ngây ngất và nhớ mãi những giây phút thinh lặng thiêng liêng, nó vương vất mãi trong tôi, và nhớ đến những chia sẻ chân tình đầy nước mắt từ trong sâu thẳm trái tim của từng người, trong đêm cuối cùng của anh chị em tham dự… tôi lại mỉm cười lâng lâng sung sướng… Tôi trở nên dễ thương (vợ tôi nói thế, vì không còn để ý những chuyện nhỏ nhen lẩm cẩm, không còn quát mắng các con, không còn gia trưởng với bà xã trưởng mỗi khi đi làm về).
Cám ơn Chúa. Cám ơn cha giảng phòng, cám ơn ban tổ chức, cám ơn linh thao.
Elisabeth Nguyễn
(Theo lời kể một TDV)