Cẩm nang học hỏi Năm Thánh 2025 – Phần II: Năm Thánh thường lệ 2025

PHẦN II: NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ 2025

I. SẮC CHỈ NĂM THÁNH 2025

Câu 27. Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 có tựa đề là gì?

Đáp:  Sắc chỉ có tựa đề bằng tiếng Latinh là “Spes non confundit”, có nghĩa là “Niềm hy vọng không làm thất vọng”.

Câu 28. Sắc chỉ đó được ban hành ngày nào?

Đáp:  Sắc chỉ được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 09/5/2024, nhằm ngày lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Lên Trời.

Câu 29. Sắc chỉ Năm Thánh 2025 được gợi hứng từ đâu?

Đáp:  Được gợi hứng từ Thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma, tựa đề của Sắc chỉ được trích từ câu số 5 chương 5: “Niềm hy vọng không làm thất vọng” (x. SCNT, 1).

Câu 30. “Niềm hy vọng không làm thất vọng” có ý nghĩa gì?

Đáp: Đó là “niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. […]. Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (SCNT, 2).

Câu 31. Sắc chỉ Năm Thánh 2025 gồm mấy phần?

Đáp:  Sắc chỉ Năm Thánh 2025 bao gồm hai mươi lăm số, được đánh số thứ tự từ 1 đến 25. Số 1 là số đặc biệt nhằm giới thiệu tựa đề và nội dung tổng quát của Sắc chỉ, hai mươi bốn số còn lại được phân bố theo năm đề mục khác nhau:

–           một lời hy vọng (số 2-4);

–           một con đường hy vọng (số 5-6);

–           những dấu chỉ của hy vọng (số 7-15);

–           lời kêu gọi hy vọng (số 16-17);

–           hy vọng vững vàng (số 18-25).

Câu 32. Điều gì mới mẻ trong Năm Thánh 2025 so với các Năm Thánh trước đây?

Đáp: Đó là việc Đức Thánh Cha loan báo sẽ mở Cửa Thánh trong một nhà tù, như là “một biểu tượng mời gọi họ (các tù nhân) nhìn về tương lai với niềm hy vọng và với quyết tâm đổi mới cuộc đời” (SCNT, 10).

Câu 33. Nội dung của Sắc chỉ bao gồm những gì?

Đáp: Sắc chỉ chứa đựng những lời thỉnh cầu và đề nghị của Đức Thánh Cha, với ước mong Năm Thánh sẽ là “cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng” (SCNT,1).

Câu 34. Trong Sắc chỉ Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha đưa ra những thỉnh cầu nào để khơi dậy niềm hy vọng?

Đáp:  Đức Thánh Cha kêu gọi:

–           tái lập hoà bình trên thế giới (số 8);

–           ủng hộ việc sinh con để đảm bảo cho niềm hy vọng của thế giới tương lai (số 9);

–           tôn trọng các tù nhân, cải thiện điều kiện sống xứng đáng cho họ, bãi bỏ án tử hình (số 10);

–           quan tâm và chăm sóc các bệnh nhân, tôn trọng nhân phẩm (số 11);

–           tạo nhiệt huyết cho giới trẻ (số 12);

–           quan tâm đến người di cư (số 13);

–           quan tâm người cao tuổi, giúp đỡ người nghèo và xoá nạn đói trên thế giới, xoá nợ cho các nước nghèo (số 14-16).

Câu 35. Đức Thánh Cha nhắc đến những điều gì giúp ta có niềm hy vọng vững vàng?

Đáp:  Những điều giúp ta có niềm hy vọng vững vàng là:

–           “Hy vọng (đức cậy) cùng với đức tin và đức mến kết thành bộ ba “nhân đức đối thần”, diễn tả điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu (số 18);

–           “Tôi tin sự sống đời đời” (số 19);

–           “Chúa Giêsu đã chết và sống lại là trung tâm đức tin của chúng ta (số 20);

–           “hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa” (số 21);

–           “Thiên Chúa phán xét” dựa trên tình yêu (số 22);

–           “Ân xá”, biểu lộ lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa (số 23).

Câu 36. Trong Sắc chỉ Năm Thánh, Đức Thánh Cha cổ vũ điều gì cho đời sống của Giáo Hội?

Đáp:  Đức Thánh Cha mời gọi:

–           noi gương các thánh tử đạo đã làm chứng cho đức tin cách triệt để và diễn tả sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô bằng máu của họ (số 20);

–           năng đến với Bí tích Giải tội (số 23);

–           gửi các Thừa sai Lòng Thương Xót đến những nơi mà “sự hy vọng bị thử thách mạnh mẽ”, hoặc ở nơi “phẩm giá con người bị chà đạp” (số 23);

–           hành hương trong Năm Thánh (số 5);

–           dừng lại cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ (số 24);

–           cuối cùng, Đức Thánh Cha mong muốn rằng Năm Thánh 2025 sẽ giúp mọi ngời “tái khám phá niềm tin tưởng cần thiết vào Giáo Hội cũng như vào xã hội, vào các mối quan hệ giữa các cá nhân, trong các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người và tôn trọng thụ tạo” (số 25).

Câu 37. Trong Sắc chỉ Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha nhắc đến một sự kiện trọng đại vào năm 2033, đó là sự kiện gì?

Đáp: Đó là sự kiện mừng kỷ niệm 2000 năm ơn cứu chuộc được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (SCNT, 6).

Câu 38. Bối cảnh thế giới được Đức Thánh Cha nhắc đến trước hết trong Sắc chỉ là gì?

Đáp:  Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến bối cảnh thế giới đang “chìm trong thảm kịch chiến tranh” và “phải đối mặt với một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị bạo lực đàn áp dã man” (SCNT, 8; Sắc lệnh của Toà Ân giải Tối cao, §1).

Câu 39. Ngoài thảm kịch chiến tranh, Đức Thánh Cha còn đề cập đến những vấn đề gì?

Đáp:  Đức Thánh Cha còn lưu tâm mạnh mẽ và kêu gọi hành động để giải quyết nạn nghèo đói trên thế giới (số 15), sự tàn phá môi trường (số 16) và các tệ nạn xã hội khác.

Câu 40. Tình trạng bất an của con người ngày nay được Đức Thánh Cha mô tả như thế nào trong Sắc chỉ?

Đáp: Đức Thánh Cha nghĩ đến tình trạng “nhiều người lưu vong, di tản và tị nạn buộc phải chạy trốn do các sự kiện quốc tế gây tranh cãi nhằm tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt đối xử” (SCNT, 13).

Câu 41: Đức Thánh Cha nói gì về tình trạng thiếu hy vọng và mất phương hướng nơi giới trẻ ngày nay?

Đáp: Đức Thánh Cha cảm thấy đáng buồn khi thấy người trẻ không có niềm hy vọng, tương lai của họ bấp bênh, họ phải sống hiện tại trong u sầu và buồn chán, đánh mất niềm hy vọng vào tương lai và có nguy cơ rơi vào phạm pháp (x. SCNT, 12).

Câu 42. Bối cảnh đạo đức xã hội ngày nay có những nguy cơ nào đe doạ đến niềm tin và hy vọng của con người?

Đáp:  Ngày nay, sự gian dối trong mọi ngõ ngách của đời sống, tình trạng lừa đảo tràn lan trên mạng xã hội và ngay trong chính những người thân quen với nhau đã khiến con người mất niềm tin tưởng và hy vọng vào nhau và vào xã hội. Chính vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người quay về với sự thật và tái khám phá “niềm hy vọng không gây thất vọng”.

Câu 43. Bối cảnh đời sống kinh tế nhân loại tại thời điểm Sắc chỉ được ban hành có đặc điểm gì?

Đáp:  Sắc chỉ “Spes non confundit” được ban hành trong bối cảnh thế giới vừa trải qua những năm đại dịch Covid 19, thêm vào đó là nạn chiến tranh ở nhiều nơi, khiến cho nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với những khủng hoảng nghiêm trọng, đời sống con người gặp nhiều khó khăn.

Câu 44. Thời đại internet ảnh hưởng gì đến đời sống nội tâm của con người?

Đáp:  Không thể phủ nhận những giá trị lớn lao của khoa học kỹ nghệ, tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhận thấy rằng thời đại internet đã đánh mất giá trị của đức kiên nhẫn, cuộc sống trở nên hối hả và con người quen dần “với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức”. Trong khi đó tính kiên nhẫn là một “nhân đức gắn liền với hy vọng” (số 4); thiếu đức kiên nhẫn thì khó có thể hy vọng.

Câu 45. Khi ban bành Sắc chỉ Năm Thánh 2025, Giáo Hội đang sống sự kiện quan trọng nào?

Đáp:  Sắc chỉ Năm Thánh 2025 được ban hành trong lúc Giáo Hội đang trong tiến trình của Thượng Hội đồng về Hiệp hành nhằm tái khám phá và thực hành sự hiệp thông. Đây cũng là dịp tốt để Đức Thánh Cha mời gọi sống tinh thần “đại kết” một cách cụ thể: sự hiệp nhất quanh một ngày lễ Phục sinh chung (số 17).

Câu 46. Trong Năm Thánh 2025, Giáo Hội đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng nào?

Đáp:  Giáo Hội sẽ kỷ niệm 1700 năm diễn ra công đồng đại kết đầu tiên, Công đồng Nicêa (325).

II. MỤC ĐÍCH CỦA NĂM THÁNH 2025

Câu 47. Giáo Hội mở Năm Thánh Hy vọng nhằm mục đích gì?

Đáp:  “Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng”. Giáo Hội mời gọi các tín hữu ý thức cách sâu xa và tín thác tuyệt đối vào tình yêu thương bao la của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm cho con cái mình thất vọng (x. SCNT, 1).

“Năm Thánh sắp tới sẽ là một Năm Thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Ước mong Năm Thánh này cũng giúp chúng ta lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo Hội và vào xã hội, vào các mối tương quan liên vị, vào các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng thiên nhiên” (SCNT, 25).

Câu 48. Ước mong của Đức Thánh Cha khi mở Năm Thánh là gì?

Đáp: Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh là một thời điểm thuận tiện để mọi Kitô hữu gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị (x. SCNT, 1).

Câu 49. Tại sao mọi Kitô hữu cần gặp gỡ Đức Giêsu cách sống động và cá vị?

Đáp:  Vì Chúa Giêsu là “Cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1Tm 1,1), là Ðấng mà Giáo Hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người (x. SCNT, 1).

Câu 50. Đâu là vấn đề mà con người thời nay phải đối diện?

Đáp: Đó là sự lo sợ, chán chường, mất niềm tin. Quả thực, “tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ” (SCNT, 1).

Câu 51: Năm Thánh 2025 mang lại cho chúng ta điều gì?

Đáp: Năm Thánh là cơ hội giúp mọi người lấy lại niềm hy vọng

Câu 52. Niềm hy vọng có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Đáp:  Niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta vững mạnh trong niềm tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa, từ đó sống thanh thản, bình an cho dù gặp những thử thách và gian truân.

Câu 53. Tại sao hy vọng không bao giờ làm thất vọng?

Đáp:  Hy vọng không bao giờ làm thất vọng vì Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Người. Khi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Người, chúng ta sẽ nhận được sự che chở và tình yêu thương vô biên của Người. Thánh Phaolô quả quyết: “Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Câu 54. Chúng ta có nhiệm vụ nào đối với niềm hy vọng?

Đáp: Chúng ta có bổn phận phải gieo rắc niềm hy vọng cho mọi người.

Câu 55. Chúng ta gieo niềm hy vọng bằng cách nào?

Đáp: Bằng chính thái độ sống của chúng ta qua cử chỉ, lời nói và hành động cách quảng đại, vị tha.

Câu 56. Đâu là những việc làm cụ thể để có thể lan tỏa niềm hy vọng?

Đáp: Đó là việc thực hành chỉn chu đời sống đức tin như tham dự Thánh lễ, cử hành các Bí tích cách sốt mến; sống bình an, khoan hòa, vui vẻ và yêu thương mọi người.

Câu 57. Trong Năm Thánh, người trẻ cần làm gì để trở thành nhân chứng của niềm hy vọng?

Đáp: Người trẻ có thể trở thành nhân chứng của hy vọng bằng cách sống tin tưởng vào Thiên Chúa, chia sẻ niềm vui đức tin với những người xung quanh, và truyền cảm hứng cho người khác qua các hành động bác ái.

Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xavie

———————–

NHỮNG TỪ VIẾT TẮT

LG:     CĐ Vatican II, Hiến chế về Giáo Hội, Lumen gentium

SC:    CĐ Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium

GLHTCG:  Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

KMNT:    Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương

BMNT:   Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức bế mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương

EG:    Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium
FT:     Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti

SCNT:    Đức Phanxicô, Sắc chỉ Năm Thánh 2025: Spes non confundit

QCSL:   Quy chế Sách lễ Rôma 2000

TDCG:   HĐGMVN, Từ điển Công giáo