Bài giảng của Đức thánh cha Leo XIV trong thánh lễ khai mạc sứ vụ

VATICAN 18/5/2025 – Anh em hồng y kính mến. Anh em thân mến trong hàng giám mục và linh mục. Kính thưa quý vị đại diện chính quyền và thành viên đoàn ngoại giao! Xin gửi lời chào thân mến đến những người hành hương đến nhân dịp Năm Thánh của các hội đoàn!

Thưa anh chị em, tôi xin chào tất cả anh chị em, với tấm lòng tràn đầy biết ơn, khi bắt đầu sứ vụ đã được giao phó cho tôi. Thánh Augustinô đã viết: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con sẽ khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” (Tự thuật, 1,1).

Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã trải qua một thời gian đặc biệt căng thẳng. Sự ra đi của Đức giáo hoàng Phanxicô đã lấp đầy trái tim chúng ta bằng nỗi buồn, và trong những giờ phút khó khăn đó, chúng ta cảm thấy như những đám đông mà Tin mừng nói rằng họ “như chiên không người chăn” (Mt 9,36). Tuy nhiên, chính vào ngày lễ Phục sinh, chúng ta đã nhận được lời chúc lành cuối cùng của ngài, và trong ánh sáng phục sinh, chúng ta đã đối diện với khoảnh khắc này với sự chắc chắn rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, Người tập hợp họ lại khi họ tản mác và “giữ gìn họ như người chăn giữ gìn đoàn chiên của mình” (Gr 31,10).

Trong tinh thần đức tin này, hồng y đoàn đã họp để bầu giáo hoàng. Đến từ những câu chuyện và con đường khác nhau, chúng tôi đã đặt vào tay Chúa ước muốn bầu ra người kế vị thánh Phêrô, Giám mục của Rôma, một vị mục tử có khả năng bảo vệ di sản phong phú của đức tin Kitô giáo và đồng thời hướng cái nhìn về phía xa, để đáp ứng những câu hỏi, những lo lắng và những thách thức của thời đại này. Được đồng hành bởi lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi đã cảm nhận được công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã biết cách hòa hợp các nhạc cụ khác nhau, làm rung động những sợi dây trong trái tim chúng tôi thành một giai điệu duy nhất.

Tôi đã được chọn mà không có bất kỳ công trạng nào, cùng với sự kính sợ và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, cùng anh chị em bước đi trên con đường tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả chúng ta hiệp nhất trong một gia đình duy nhất.

Tình yêu và sự hiệp nhất: đây là hai chiều kích của sứ vụ mà Chúa Giêsu đã giao phó cho ông Phêrô.

Đoạn Tin mừng kể cho chúng ta điều này, đưa chúng ta đến hồ Tiberia, nơi Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ nhận được từ Chúa Cha: “đánh lưới người” để cứu họ khỏi vũng nước của sự dữ và sự chết. Đi ngang qua bờ hồ đó, Người đã kêu gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên trở nên giống như Người, “những kẻ đánh lưới người”; và giờ đây chính họ phải tiếp tục sứ vụ này sau khi phục sinh, luôn luôn thả lưới để dìm hy vọng của Tin mừng vào dòng nước của thế giới, đi thuyền trên biển đời để tất cả mọi người có thể tìm thấy nhau trong vòng tay của Thiên Chúa.

Ông Phêrô làm cách nào có thể thực hiện nhiệm vụ này? Tin mừng cho chúng ta biết rằng điều đó chỉ có thể khi ông đã trải nghiệm tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, ngay cả trong giờ phút thất bại và chối bỏ. Vì lý do này, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô, Tin mừng sử dụng động từ Hy Lạp ‘agapao’, đề cập đến tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, sự hiến thân của Ngài mà không có bất kỳ sự dè dặt hay tính toán nào, khác với tình yêu được nói đến trong câu trả lời của ông Phêrô, liên quan đến tình bạn.

Vì vậy, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Simon, con của Gioan, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16), Người đề cập đến tình yêu của Chúa Cha. Như thể Chúa Giêsu đang nói với ông: chỉ khi con đã biết và trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất bại, con mới có thể chăn dắt đàn chiên của Thầy; chỉ trong tình yêu của Chúa Cha, con mới có thể yêu anh em của con bằng một tình yêu “nhiều hơn”, nghĩa là hiến dâng mạng sống cho anh em của con.

Do đó, Phêrô được giao nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và hiến dâng cuộc đời mình cho đàn chiên. Sứ vụ của Phêrô được đánh dấu chính xác bởi tình yêu tha nhân này, bởi vì Giáo hội Rôma chủ trì trong đức ái và quyền bính thực sự của Giáo hội là đức ái của Chúa Kitô. Không bao giờ có chuyện bắt giữ người khác bằng sự áp bức, bằng tuyên truyền tôn giáo hoặc bằng các phương tiện quyền lực, nhưng luôn luôn và chỉ có chuyện yêu thương như Chúa Giêsu đã làm.

Chính Ngài – thánh tông đồ Phêrô khẳng định – “là viên đá đã bị những người xây nhà loại bỏ, và đã trở thành viên đá góc” (Cv 4,11). Và nếu viên đá là Chúa Kitô, thì Phêrô phải chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước sự cám dỗ trở thành một nhà lãnh đạo đơn độc hoặc một người đứng đầu đặt lên trên những người khác, trở thành chủ nhân của những người được giao phó cho ông (x. 1Pr 5,3); ngược lại, ông được yêu cầu củng cố đức tin của anh em, cùng bước đi với họ: trên thực tế, tất cả chúng ta đều được cấu thành “những viên đá sống động” (1 Pr 2,5), được kêu gọi bằng Phép Rửa để chúng ta xây dựng tòa nhà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Thần Khí, trong sự chung sống của sự đa dạng. Như thánh Augustinô khẳng định: “Giáo hội bao gồm tất cả những người hòa hợp với anh em và yêu thương tha nhân” (Bài giảng 359, 9).

Thưa anh chị em, đây là điều tôi muốn là ước muốn lớn đầu tiên của chúng ta: một Giáo hội hiệp nhất, là dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới được hòa giải.

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta vẫn thấy quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do hận thù, bạo lực, định kiến, sợ hãi người khác, một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của trái đất và gạt những người nghèo nhất ra ngoài lề. Và trong khối bột này, chúng ta muốn trở thành một chút men của sự hiệp nhất, của sự hiệp thông, của tình huynh đệ. Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm nhường và niềm vui: hãy nhìn vào Chúa Kitô! Hãy đến gần Ngài! Hãy đón nhận lời Ngài soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời đề nghị yêu thương của Ngài để trở thành gia đình duy nhất của Ngài: trong một Chúa Kitô duy nhất, chúng ta là một. Và đây là con đường cùng nhau thực hiện, giữa chúng ta nhưng cũng với các giáo hội Kitô chị em[1], với những người đi theo những con đường tôn giáo khác, với những người đang trăn trở trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam và người nữ có thiện chí, để xây dựng một thế giới mới nơi hòa bình ngự trị.

Đây là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta, mà không đóng cửa trong nhóm nhỏ của mình hoặc cảm thấy mình vượt trội hơn thế giới; chúng ta được kêu gọi trao cho mọi người tình yêu của Thiên Chúa, để sự hiệp nhất đó có thể được thực hiện, sự hiệp nhất không xóa bỏ sự khác biệt, mà đánh giá cao lịch sử cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội và tôn giáo của mỗi dân tộc.

Anh chị em thân mến, đây là giờ của tình yêu! Đức ái của Thiên Chúa khiến chúng ta trở thành anh em với nhau là trọng tâm của Tin Mừng, và cùng với người tiền nhiệm của tôi là đức Leo XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chí này “thắng thế trên thế giới, thì mọi bất đồng có chấm dứt ngay lập tức và hòa bình có trở lại không?” (Rerum novarum, 21).

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội được kiến tạo dựa trên tình yêu của Thiên Chúa và là dấu chỉ của sự hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, rao giảng Lời Chúa, để cho lịch sử làm cho mình trăn trở và trở thành men của sự hòa hợp cho nhân loại.

Cùng nhau, như một dân tộc duy nhất, như tất cả anh em, chúng ta hãy cùng nhau bước đi gặp gỡ Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau.

John Pham dịch

[1] Trong một số ngôn ngữ, giáo hội là từ giống cái, cho nên đức giáo hoàng gọi là “các giáo hội Kitô chị em (chú thích của người dịch).