Có nguồn gốc từ tiếng Phạn, từ “Dalit” có nghĩa là “bị vỡ” hoặc “bị áp bức” và dùng để chỉ những người có địa vị xã hội thấp đến mức bị coi là bị ruồng bỏ hoặc nằm ngoài hệ thống đẳng cấp bốn cấp của xã hội Ấn Độ giáo. Thường được gọi là “những người không thể chạm tới”, những người này đã bị bóc lột rất nhiều và phải chịu những hành động tàn bạo.
Đức Hồng y tân cử Anthony Poola 60 tuổi. Ngài cho biết khi Đức Thánh Cha thông báo tên ngài được chọn làm Hồng y thì ngài đang ở bang Kerala, Ấn Độ, để tham dự lễ kỷ niệm 50 năm của phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo. Một số bạn bè của ngài từ đảo Sardegna và miền Catania của Ý đã gửi tin nhắn cho ngài. “Xin chúc mừng bạn đã được bổ nhiệm làm Hồng y.” Ngài nói rằng ngài chỉ là Tổng Giám mục của Hyderabad, và không phải là Hồng y và đã phục vụ ở đây được 14 tháng. Sau đó, những người bạn đã gửi cho ngài đường link về việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố tên của ngài làm Hồng y.
Bất ngờ nhưng là ơn Chúa để phục vụ
Và ngài chia sẻ: “Tôi đã bị sốc. Đó là một tin bất ngờ đối với tôi, điều tôi không bao giờ ngờ tới. Tôi chưa từng mơ. Nhưng đối với tôi, tôi cảm thấy đó là Ân sủng của Thiên Chúa và ý muốn của Người là thông qua Đức Giáo hoàng Phanxicô mà tôi nhận được lời kêu gọi. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Thánh Cha của chúng ta. Tôi coi đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi phục vụ mọi người, phục vụ người dân ở Nam Ấn Độ và mọi thành phần của người dân, đặc biệt là các bang ở Telugu như Telangana và Andhra Pradesh.
Tình yêu thương, sự cảm thông và vươn tới những vùng ngoại biên
Nhận định về việc Đức Thánh Cha chọn một Hồng y đầu tiên xuất thân từ giới “Dalit” cũng như thông điệp mà ngài muốn gửi qua quyết định này, Đức tổng giám mục của Hyderabad nói: “Tôi đã hiểu từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhậm chức Giáo hoàng. Ngài là, điều mà cá nhân tôi hiểu: tình yêu thương, sự cảm thông và vươn tới những vùng ngoại biên, những người nghèo nhất trong những người nghèo. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn ưu tiên cho những người nghèo và bị thiệt thòi, chúng ta có một thông điệp mạnh mẽ về ‘một Giáo hội nghèo cho người nghèo.’ Tôi có thể nói rằng bất cứ khi nào có một sự tàn phá, qua một cơn lốc xoáy hoặc các thảm họa thiên nhiên khác, hoặc gần đây là sự bùng nổ chiến tranh giữa Nga và Ucraina, tôi thấy sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với tất cả mọi người trên hoàn vũ. Cách đặc biệt, tôi nghĩ, có thể đây là một tình huống mà Đức Giáo hoàng đang mong đợi tôi giải quyết những vấn đề của người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và có thể cả những người Dalit nữa. Điều này không có nghĩa là chúng ta phớt lờ những người khác đang được các mục tử chúng ta chăm sóc. Tôi có trách nhiệm chăm sóc tất cả những người được giao phó theo nhu cầu của họ.”
Cố gắng mang lại sự bình đẳng giữa tất cả mọi người
Hệ thống phân cấp ở Ấn Độ, dù đã bị bãi bỏ về mặt kỹ thuật, nhưng trên thực tế nó vẫn còn. Đức Hồng y tân cử Poola giải thích: “Có thể nói, hệ thống đẳng cấp đã bị xóa bỏ, nhưng có một số yếu tố xã hội. Chúng ta không thể hoàn toàn nói rằng chúng đã bị bãi bỏ. Nguyên tắc và tình hình thực tế có một số khác biệt. Có một số người đang thực sự đấu tranh để được công nhận tài năng và những hoạt động khác nhau mà họ đang làm. Từ lâu, không có cơ hội cho người Dalit, ‘những người không thể chạm tới’, được đến trường hoặc học hành. Nhưng giờ đây, chính phủ ở Ấn Độ, đặc biệt là ở các bang của chúng tôi, Telangana và Andhra Pradesh nơi tôi đến, có nhiều cơ hội hơn dành cho những người nghèo và người Dalit bị thiệt thòi này; họ cũng tôn trọng và khuyến khích những người nghèo đến trường và theo đuổi việc học. Một số được giáo dục tốt và đang tìm kiếm một cuộc sống. Nhưng họ được đối xử khác nhau vì họ không phải là ‘người dân địa phương.’ Có một chút ghen tị trong bản chất của con người. Tôi nghĩ điều tôi mong đợi từ mọi người và những gì chúng tôi cố gắng thực hành, là nâng cao nhận thức về con người và hoàn cảnh, cũng như những hoàn cảnh tốt đẹp này, và cố gắng mang lại sự bình đẳng giữa tất cả mọi người.”
Được giúp đỡ và làm linh mục để có thể giúp đỡ
Đức Tổng giám mục của Hyderabad cũng chia sẻ về ấn tượng cho ngài khi làm mục vụ cho người Dalit hay những người nghèo nhất của Ấn Độ. “Giáo phận Kurnool, nơi tôi sinh ra, là giáo phận quê hương của tôi. Nhưng tôi đã học cho Giáo phận Kadapa, một giáo phận lân cận với Giáo phận Kurnool. Sau khi tốt nghiệp tôi gia nhập chủng sinh và rồi làm linh mục; mối quan tâm của tôi là phục vụ mọi người, dù ở cấp giáo xứ và cấp giáo hạt hay trong cơ sở giáo dục và tôi từng là người phụ trách chương trình trợ giúp, v.v … Nhưng có những ngôi làng xa xôi ở mỗi giáo xứ. Những nơi này là những vùng đất rất nghèo và dễ bị khô hạn. Khi chúng tôi phải đi đến các ngôi làng, chúng tôi chỉ có thể đi vào buổi tối vì mọi người đi làm vào ban ngày. Chúng tôi rung chuông ở nhà thờ và chúng tôi tập hợp trẻ em lại và dạy giáo lý. Và mọi người đôi khi phải nấu ăn rồi đến nhà thờ. Điều đó khiến tôi cảm động với lòng trắc ẩn và tình yêu thương, và đặc biệt là trách nhiệm lớn lao mà tôi cảm thấy đối với các em là mang đến cho các em một món quà giáo dục vì các em không có tiền hay tài sản để bán. Nhưng nếu bạn dành sự giáo dục cho các em, đó sẽ là một món quà tuyệt vời. Tôi đang nhìn vào câu chuyện cuộc đời của chính mình.
Kinh nghiệm cá nhân
Học hết lớp bảy tôi phải nghỉ học vì nghèo. Tôi nghĩ rằng việc học của tôi đã kết thúc. Nhưng chính các nhà truyền giáo đã quan tâm và đưa tôi đến Kadapa và giúp tôi đi học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tôi cảm thấy rằng tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với các nhà truyền giáo này. Nhưng họ đã giúp tôi đi học và giúp tôi trở thành một người có ích. Đó là lý do tại sao tôi muốn gia nhập chủng viện. Tôi đã đến Kadapa.
Tôi đã học hành và ý định của tôi là giúp đỡ càng nhiều trẻ em nghèo càng tốt. Vì vậy, tôi đã làm việc này sau đó, khi là một linh mục, khi tôi đi thăm các làng mạc và bất cứ nơi nào tôi làm việc với tư cách là một linh mục quản xứ. Đây là một khoảnh khắc đẹp đối với tôi, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy những đứa trẻ tội nghiệp. Vì vậy, chính tôi đã mang chúng lên xe của mình và đưa chúng vào nhà trọ. Các nhà truyền giáo giáo dân cũng có một chiếc xe jeep. Vào những ngày đó, có những chiếc rương đựng đồ, những người đến ký túc xá sử dụng những chiếc rương này để đựng đồng phục của họ, và mọi thứ họ mang theo. Và họ chở những đứa trẻ và giao phó cho ban nội trú trong giáo xứ hoặc trong trường học. Điều đó làm tôi ấn tượng. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng thực hiện nhiều mục vụ tại các làng mạc.
Sự phân biệt đối xử đối với người thuộc giới Dalit
Đức Hồng y đầu tiên thuộc giới Dalit cũng đã chịu những phân biệt đối xử trong cuộc sống cá nhân và thời thơ ấu. Ngài chia sẻ: “Có một hệ thống trong làng. Có một sự kỳ thị xã hội. Nhà của chúng tôi ngày xưa ở đầu phía bắc của làng, ở góc làng. Khi chúng tôi khát, chúng tôi đến với những người đẳng cấp cao hơn, nơi thường có một giếng nước. Khi chúng tôi khát, họ sẽ đổ nước vào tay chúng tôi, và chúng tôi phải uống nước bằng tay. Nhưng điều đó không khiến tôi mệt mỏi và không cảm thấy đau khổ. Chúng tôi đã chấp nhận sự kỳ thị của xã hội. Nhưng kiểu phân biệt đối xử này không được thấy ở thị trấn hay các thành phố lớn nhất, mà ở những ngôi làng hẻo lánh. Bây giờ thông lệ đó, việc bạn uống nước từ tay bạn hoặc sử dụng những chiếc đĩa và ly riêng cho người Dalit, không còn. Đây là một chút phân biệt đối xử.”
Lòng sùng kính Mẹ Maria và thánh Antôn
Cuối cùng, Đức Hồng y tân cử Poola chia sẻ về lòng sùng kính đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria. “Trong làng của chúng tôi có một nhà nguyện. Có một tượng Đức Mẹ, đặc biệt là Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ, và khi gặp khó khăn, tôi cầu nguyện, dù tôi ở bất cứ nơi nào trong văn phòng của mình. Ngoài ra, ở cả hai phía của tôi, có Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Velankanni. Tôi có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Mẹ. Từ thời thơ ấu, tôi đã thực hành điều này.
“Bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn hoạn nạn, tôi đều cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Mẹ Maria, nơi Mẹ tôi cảm nghiệm được niềm an ủi. Khi dâng tất cả công việc của tôi, và với tất cả các vấn đề công việc hoặc các vấn đề khác trong lời cầu nguyện, tôi đã cảm nghiệm được sự thành công.”
Đức Hồng y cho biết vì tên ngài là Antôn, ngài cũng rất sùng kính Thánh Antôn thành Padova. “Bất cứ khi nào tôi cầu nguyện, tôi có thể nói cách chắc chắn rằng tôi đã được giúp đỡ nhờ lời cầu bầu mạnh mẽ của Mẹ Maria và cũng là lời cầu khẩn của Thánh Antôn thành Padova.”
Hồng Thủy