PHẦN KẾT: MỞ RA VỚI CHÂN TRỜI HY VỌNG
Câu 157. Khi nào Năm Thánh 2025 bế mạc?
Đáp: Tại các Giáo Hội địa phương, “Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa nhật 28 tháng 12 năm 2025”. Tại Vatican, “Năm Thánh thường lệ sẽ kết thúc bằng việc đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường thánh Phêrô vào ngày 06 tháng 01 năm 2026, lễ Chúa Hiển Linh” (SCNT, 6).
Câu 158. Vì sao ba nhân đức tin, cậy, mến được coi là có vai trò diễn tả điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu?
Đáp: Vì ba “nhân đức đối thần” này định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ (x. GLHTCG, 1834. 1841; SCNT,18).
Câu 159. Niềm hy vọng của Kitô giáo dựa trên nền tảng nào?
Đáp: Niềm hy vọng của Kitô giáo đặt nền tảng nơi những lời sau đây: “Tôi tin sự sống đời đời” (SCNT,19; Kinh Tin Kính các Tông đồ).
Câu 160. Trung tâm đức tin của chúng ta là gì?
Đáp: Chúa Giêsu chết và sống lại hiển vinh chính là trung tâm đức tin của chúng ta (x. SCNT, 20)
Câu 161. Chúng ta có những chứng tá sống động nào cho niềm hy vọng?
Đáp: “Các vị tử đạo cho chúng ta chứng từ thuyết phục nhất về niềm hy vọng này. Nhờ lòng tin kiên vững vào Chúa Kitô phục sinh, các ngài sẵn sàng từ bỏ cuộc sống trần thế chứ không phản bội Chúa của mình. Thời nào cũng có các vị tuyên xưng rằng sự sống không hề chấm dứt, và có nhiều vị sống trong thời đại chúng ta, có lẽ còn nhiều hơn bao giờ hết. Chúng ta cần lưu giữ chứng tá của các ngài để làm cho niềm hy vọng của chúng ta sinh hoa kết quả” (SCNT, 20).
Câu 162. Điều gì sẽ xảy ra với mỗi chúng ta sau khi chết?
Đáp: Chúng ta sẽ phải đối diện với “việc Thiên Chúa phán xét, khi chúng ta qua đời cũng như lúc thời gian kết thúc” (SCNT, 21).
Câu 163. Sự phán xét của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta dựa trên điều gì?
Đáp: Sự phán xét của Thiên Chúa tình yêu (x. 1Ga 4,8.16) chỉ có thể dựa trên tình yêu, đặc biệt dựa trên cách chúng ta đã hoặc không thực thi tình yêu đối với những người khốn khó nhất mà Chúa Kitô, chính là Đấng Thẩm phán, đang hiện diện nơi họ (x. Mt 25,31-46; SCNT, 22).
Câu 164. Với Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa tình yêu (x. 1Ga 4,8.16), chúng ta hy vọng điều gì nhất?
Đáp: “Với Chúa Giêsu, bên kia ngưỡng cửa sự chết, có sự sống vĩnh cửu, đó là hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, chiêm ngưỡng và tham dự vào tình yêu vô biên của Người. Những gì ngày nay chúng ta hy vọng, ngày đó chúng ta sẽ thấy trong thực tại” (SCNT, 21).
Câu 165. Là Kitô hữu đang lữ hành nơi trần thế, chúng ta chờ đợi và mong muốn hạnh phúc nào?
Đáp: “Chúng ta chờ đợi và mong muốn được sống trong niềm vui và hạnh phúc. Đó không phải là niềm vui mau qua, là sự thỏa mãn nhất thời mà một khi đã đạt được thì lại luôn đòi hỏi nhiều hơn nữa trong vòng xoáy dục vọng; nơi đó tâm hồn con người chẳng bao giờ được thỏa mãn mà ngày càng thêm trống rỗng. Chúng ta cần một thứ hạnh phúc đạt được một lần và mãi mãi trong điều làm chúng ta tăng triển, nghĩa là trong tình yêu, để từ nay trở đi chúng ta có thể nói: Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu; và tôi sẽ luôn hiện hữu trong Tình yêu không làm tôi thất vọng. Không có gì và cũng chẳng có ai có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu ấy” (SCNT, 21).
Câu 166. Danh xưng nào mà con cái Giáo Hội kêu cầu Mẹ Maria, Mẹ của hy vọng?
Đáp: Lòng đạo đức bình dân của Dân Thiên Chúa “vẫn cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris (Sao Biển), một tước hiệu diễn tả niềm hy vọng chắc chắn rằng, trong những thăng trầm giông bão của cuộc đời”, Mẹ Thiên Chúa hằng trợ giúp, nâng đỡ và mời gọi chúng ta tin tưởng và tiếp tục hy vọng”. Quả thực, “trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng” (SCNT, 24).
Câu 167. Nơi Mẹ Thiên Chúa, chúng ta học biết gì về niềm hy vọng?
Đáp: Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy:
- Niềm hy vọng là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống. Đó chính là Đức Giêsu, Quả Phúc bởi lòng Mẹ;
- Kiên vững đáp lại với thánh ý Chúa, nhất là dưới chân thập giá, khi Mẹ nhìn Chúa Giêsu vô tội phải đau đớn và phải chết, mặc dù đang khổ đau tột cùng, Mẹ vẫn lặp lại tiếng “xin vâng” mà không đánh mất niềm hy vọng cũng như niềm tin tưởng vào Chúa”;
- Được sự gần gũi của Mẹ Maria, người Mẹ trìu mến nhất trong các người mẹ. Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Mẹ là “dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi” cho Dân thánh của Thiên Chúa (SCNT, 24)
Câu 168. Qua Năm Thánh 2025, Giáo Hội mong đợi là gì?
Đáp: Qua Năm Thánh, Giáo Hội ước mong:
- “Ánh sáng hy vọng Kitô giáo đến với mọi người như sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa gửi đến tất cả mọi người! […] Giáo Hội là chứng nhân trung thành cho lời loan báo này ở mọi nơi trên thế giới” (SCNT, 6);
- “Năm Thánh này cũng giúp chúng ta lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo Hội và vào xã hội, vào các mối tương quan liên vị, vào các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng thiên nhiên” (SCNT, 25);
- “Chứng tá đức tin của chúng ta trở thành men hy vọng đích thực cho thế giới, trở thành lời loan báo trời mới đất mới (x. 2 Pr 3,13), nơi chúng ta sẽ sống trong công lý và hòa hợp giữa các dân tộc, chờ ngày lời Chúa hứa nên thành tựu” (SCNT, 25);
- “Sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi” (SCNT, 25).
Câu 169. “Cái neo” mà niềm hy vọng của chúng ta được cắm chặt vào là gì?
Đáp: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Ðó là nơi Ðức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,18-20). Ðó là một lời mời gọi mạnh mẽ đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta, và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa (SCNT, 25).
Câu 170. Cắm chặt vào Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi sống và lan toả niềm hy vọng như thế nào?
Đáp: “Nương tựa vào Chúa Giêsu, giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời”. “Từ hôm nay chúng ta hãy để cho niềm hy vọng này thu hút chúng ta, và qua chúng ta lan toả đến những ai khao khát niềm hy vọng ấy” (SCNT, 25).
Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xavie
———————–