Cẩm nang học hỏi Năm Thánh 2025 – Phần Dẫn nhập

CẨM NANG

HỌC HỎI VỀ NĂM THÁNH 2025

Lời giới thiệu

Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5), Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu Sắc chỉ công bố Năm Thánh thường lệ 2025 với những lời của thánh Phaolô để khẳng định niềm hy vọng của Dân Kitô giáo, nhất là trong bối cảnh thế giới phát triển nhưng cũng đầy bất trắc. Quả thực, tính dễ bị tổn thương được trải nghiệm trong những năm gần đây, cùng với nỗi sợ hãi về bạo lực của chiến tranh, làm cho tình trạng con người trở nên nghịch lý hơn: một đàng, con người cảm thấy sức mạnh vượt trội của công nghệ quyết định thời hiện đại; đàng khác, lại nhận thức sự bấp bênh và lo lắng về tương lai của mình. Trong bối cảnh này, “Những người hành hương trong Hy vọng” đã được chọn làm chủ đề của Năm Thánh 2025.

Niềm hy vọng của chúng ta cắm chặt vào Thiên Chúa, Đấng “đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

“Năm Thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Ước mong Năm Thánh này cũng giúp chúng ta lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo hội và vào xã hội, vào các mối tương quan liên vị, vào các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng thiên nhiên. Ước gì chứng tá đức tin của chúng ta trở thành men hy vọng đích thực cho thế giới, trở thành lời loan báo trời mới đất mới, nơi chúng ta sẽ sống trong công lý và hòa hợp giữa các dân tộc, chờ ngày lời Chúa hứa nên thành tựu” (SCNT, 25)

Tập “Cẩm Nang Học Hỏi Về Năm Thánh 2025” góp phần vào việc tìm hiểu để sống tinh thần Năm Thánh, canh tân và củng cố đời sống đức tin, đồng thời nuôi dưỡng niềm hy vọng của “Những người hành hương trong Hy vọng”, nhằm trả lời cho những ai “chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (1Pr 3,15).

DẪN NHẬP: NĂM THÁNH 2025

Câu 1. Chủ đề của Năm Thánh 2025 là gì?

Đáp: Ngày 03/01/2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn chủ đề Năm Thánh thường lệ 2025 là “Những người lữ hành trong Hy vọng.

Câu 2. Ý nghĩa của Logo Năm Thánh 2025 là gì?

Đáp: Logo diễn tả ý hướng của Năm Thánh, trong đó:

  • Thánh Giá: phía trên hình cong dịch chuyển hướng về phía con người trong cuộc gặp gỡ và ôm lấy họ; phía dưới là neo cắm chặt xuống dưới những con sóng, biểu tượng của niềm hy vọng vững chãi giữa ba đào sóng vỗ trong cuộc lữ hành;
  • bốn hình người với các sắc màu[1] liên kết với nhau, tượng trưng cho tình liên đới nhân loại cùng nhau hướng về và ôm chặt Thánh Giá Chúa Kitô;
  • những con sóng vỗ mạnh bên dưới ám chỉ rằng cuộc hành hương của cuộc sống không phải lúc nào cũng phẳng lặng;
  • dòng chữ Latinh “Peregrinantes in Spem” (Những người hành hương trong Hy vọng), khẩu hiệu của Năm Thánh 2025, được viết bằng màu xanh lá cây biểu chị cho niềm hy vọng.

Câu 3. Ý nghĩa của linh vật Năm Thánh 2025 là gì?

Đáp: Nhân vật có tên Luce –  nghĩa là ánh sáng (tiếng Ý).

  • Luce mặc chiếc áo mưa màu vàng, tay cầm gậy tượng trưng cho sự bảo vệ và dẫn dắt của Thiên Chúa trong suốt lộ trình của Năm Thánh.
  • Thánh Giá và chuỗi hạt trên cổ cho thấy, trong cuộc hành hương, cầu nguyện là sức mạnh thiêng liêng, gia tăng đức tin, cậy, mến, vững vàng hơn trước mọi nghịch cảnh.
  • Logo thuyền buồm màu xanh lá cây trên áo của Luce là logo chính thức của Năm Thánh.
  • Đôi mắt sáng của Luce là biểu tượng của hy vọng, và hành trình của Luce cùng với chú chó Santino nhắc nhở mọi người về tinh thần hành hương và khám phá đức tin.
  • Đôi giày lấm đầy bùn đất của Luce cho thấy lộ trình cuộc đời mà mỗi người phải đi qua.

Câu 4. Ý nghĩa của Cây Thánh Giá Năm Thánh 2025 là gì?

Đáp: Cây Thánh Giá được làm bằng gỗ tốt và được chế tác thủ công cẩn thận:

  • mặt trước có hình ảnh Chúa Kitô vinh quang là dấu hiệu của Hy vọng cho thế giới trong thời đoạn khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu, nơi mà con người kêu lên nhu cầu về niềm hy vọng;
  • mặt sau của Cây Thánh Giá là logo chính thức của Năm Thánh 2025. Thánh Giá sẽ được các tình nguyện viên trao cho các trưởng nhóm khác nhau trước khi mỗi nhóm hành hương bắt đầu hành trình đến Cửa Thánh.

Câu 5. Năm Thánh 2025 được khai mạc khi nào?

Đáp: Năm Thánh thường lệ 2025 sẽ bắt đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngày Lễ Chúa Giáng sinh, với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô ở Vatican. Chúa Nhật sau đó, ngày 29 tháng 12 năm 2024, lễ Thánh Gia Thất, Năm Thánh sẽ được khai mạc tại các Giáo Hội địa phương (x. SCNT, 6; KMNT, 1).

Câu 6. Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 diễn ra ở đâu?

Đáp: Việc khai mạc Năm Thánh 2025 sẽ diễn ra:

  • tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 24 tháng 12 năm 2024;
  • tại các Giáo Hội địa phương, ngày 29 tháng 12 năm 2024, nghi thức khai mạc trọng thể Năm Thánh sẽ được cử hành trong một Thánh lễ do Giám mục giáo phận chủ sự, tại nhà thờ chính toà, mẹ của tất cả các nhà thờ trong giáo phận. Tuy nhiên, nếu trong giáo phận có một nhà thờ đồng chính tòa theo giáo luật, thì cũng có thể cử hành Thánh lễ khai mạc tại đó (x. SCNT, 6; KMNT, 2).
  • tại giáo phận Vinh, nghi thức khải mạc Năm Thánh diễn ra tại nhà thờ Giáo xứ Yên Đại.

Câu 7. Những thành phần nào tham gia khai mạc Năm Thánh 2025?

Đáp: Nghi thức cử hành Thánh Thể theo thể thức Thánh lễ đại triều (x. Cæremoniale Episcoporum, 120). Tất cả các linh mục đồng tế với giám mục; các phó tế, các thừa tác viên giúp lễ, đọc sách và những thừa tác viên khác thi hành phận vụ của mình (x. SC, 26-28; Cæremoniale Episcoporum, 119) cùng với mọi thành phần dân Chúa. Chương trình cử hành phải được thông báo cho toàn thể các tín hữu (x. KMNT, 3).

Câu 8. Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 diễn ra như thế nào?

Đáp:  Trong khung cảnh của Thánh lễ khai mạc trọng thể Năm Thánh, đoàn hành hương theo sau Thánh Giá long trọng tiến vào ngôi thánh đường của giáo phận, vào Nhà thờ Chính tòa nơi vị mục tử của giáo phận thi hành huấn quyền, chủ sự các nhiệm tích thánh, cử hành phụng vụ ca ngợi và cầu nguyện, và hướng dẫn giáo đoàn (x. KMNT, 4).

Câu 9. Các giai đoạn và ý nghĩa của Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 là gì?

Đáp:  Nghi thức khai mạc trọng thể Năm Thánh diễn ra theo ba giai đoạn: tụ họp, khởi sự hành hương và tiến vào thánh đường (x. KMNT, 5-8.1-14).

  • Dân Chúa qui tụ tại một nhà thờ mang một ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đoàn giáo phận, đủ điều kiện để cử hành nghi thức nhập lễ và có khoảng cách thích hợp cho một cuộc hành hương thực sự.
  • Khởi sự hành hương: trong khi tụ họp, hát tiền xướng (ca nhập lễ), lời chào, lời mời gọi chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa, lời hướng ý, lời cầu nguyện, công bố Tin mừng và đọc một số trích đoạn trong Tông sắc ấn định Năm Thánh thường lệ 2025.
  • Hành hương đến thánh đường: đoàn hành hương đến nhà thờ chính tòa (hoặc đồng chính toà) qua cửa chính, dấu chỉ Chúa Kitô, để cử hành Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất và khai mạc Năm Thánh. Cuộc rước này là dấu chỉ của con đường hy vọng, trên đó những người hành hương đang bước theo sau Thánh Giá Chúa Kitô, như được thể hiện trong logo của Năm Thánh. Khi đến ngưỡng cửa, giám mục giơ cao Thánh Giá, hướng về cộng đoàn, xướng lời tung hô tôn kính: “Đây là Cây Thánh Giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian” (Thánh thi Thứ Sáu Tuần Thánh “Ecce lignum Crucis, in quo salus mundi pependit”).

Câu 10. Vì sao chỉ dùng một Cây Thánh Giá trong Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2025?

Đáp:  Trong nghi thức khai mạc Năm Thánh, một Cây Thánh Giá có ý nghĩa đặc biệt đối với giáo phận cho cuộc hành hương. Thánh Giá sẽ được đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh để các tín hữu tôn kính (x. QCSL 122, 308).

Câu 11. Có thể dùng hai Cây Thánh Giá trong nhà thờ trong suốt Năm Thánh không?

Đáp:  Theo chỉ dẫn của Nghi thức khai mạc Năm Thánh (số 9) và Quy chí Sách lễ (x. QCSL 122. 308), chỉ được dùng một Thánh Giá trong nhà thờ. Tuy nhiên, với nhà thờ mà Thánh Giá tại cung thánh đã được treo cao phía trên bàn thờ hay treo trên bức tường đầu cung thánh phía sau bàn thờ khiến cho việc tháo gỡ quá khó khăn hoặc không thể di chuyển thì “được phép sử dụng thêm Thánh Giá thứ hai trong cung thánh và đó chính là Thánh Giá dẫn đầu đoàn hành hương được đặt gần bàn thờ trong suốt Năm Thánh”.[2]

Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xavie

———————–

[1] Màu Đỏ là màu của tình yêu, hành động, và sự chia sẻ; màu Vàng cam biểu trưng sự ấm áp của con người; màu Xanh lá cây gợi lên hòa bình và trạng thái cân bằng; màu Xanh dương diễn tả sự an toàn và che chở.

[2] Uỷ Ban Phụng tự thuộc HĐGMVN, giải đáp về Thánh Giá Năm Thánh, ngày 03/12/2-24 (x. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-phung-tu-giai-dap-ve-cay-thanh-gia-nam-thanh)

NHỮNG TỪ VIẾT TẮT

LG:     CĐ Vatican II, Hiến chế về Giáo Hội, Lumen gentium

SC:    CĐ Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium

GLHTCG:  Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

KMNT:    Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương

BMNT:   Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức bế mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương

EG:    Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium
FT:     Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti

SCNT:    Đức Phanxicô, Sắc chỉ Năm Thánh 2025: Spes non confundit

QCSL:   Quy chế Sách lễ Rôma 2000

TDCG:   HĐGMVN, Từ điển Công giáo