Bài giảng của Đức Thánh cha Phanxico trong lễ Phục sinh 2025

Khi thấy tảng đá lấp mộ đã bị lăn sang một bên, Maria Mađalêna vội chạy đi báo tin cho Phêrô và Gioan. Hai môn đệ này, sau khi nghe tin chấn động, cũng chạy vội ra khỏi nhà và – như Tin Mừng thuật lại – “cả hai người cùng chạy” (Ga 20,4). Các nhân vật trong trình thuật Phục Sinh đều chạy! Cái “chạy” này một mặt diễn tả nỗi lo sợ rằng thi hài Chúa đã bị đem đi; nhưng mặt khác, cuộc chạy của Maria Mađalêna, Phêrô và Gioan còn cho thấy khát vọng, sự thôi thúc của con tim, thái độ nội tâm của người đi tìm kiếm Chúa Giêsu. Người đã sống lại từ cõi chết, vì thế không còn ở trong mộ nữa. Phải tìm Người ở nơi khác.

Đây chính là sứ điệp Phục Sinh: phải tìm Người ở nơi khác. Đức Kitô đã phục sinh, Người đang sống! Người không còn bị giam hãm trong sự chết, không còn bị khăn liệm bọc kín, và vì thế không thể nhốt Người trong một câu chuyện đẹp để kể lại, không thể biến Người thành một anh hùng của quá khứ hay tưởng tượng Người như một bức tượng đặt trong viện bảo tàng! Trái lại, phải đi tìm Người, và vì thế chúng ta không thể đứng yên. Chúng ta phải lên đường, phải ra khỏi nơi mình đang ở để tìm Người: tìm Người trong cuộc sống, tìm Người nơi khuôn mặt anh chị em, tìm Người trong những điều bình thường hằng ngày, tìm Người khắp nơi trừ ngôi mộ trống đó.

Luôn tìm kiếm Người. Bởi vì, nếu Người đã sống lại từ cõi chết, thì Người hiện diện ở khắp nơi, Người đang ở giữa chúng ta, ẩn mình và tỏ mình ngay hôm nay nơi những người anh chị em chúng ta gặp gỡ trên đường đời, trong những hoàn cảnh bất ngờ và vô danh nhất của cuộc sống. Người đang sống và luôn ở cùng chúng ta, khóc những giọt nước mắt của người đau khổ và nhân lên vẻ đẹp cuộc sống qua những cử chỉ yêu thương nhỏ bé của mỗi chúng ta.

Vì thế, đức tin Phục Sinh – mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh và giúp chúng ta đón nhận Người vào đời mình – không phải là một sự an bài tĩnh tại hay thỏa mãn trong những bảo đảm tôn giáo. Trái lại, Sự Phục Sinh làm cho chúng ta phải chuyển động, thúc giục chúng ta chạy như Maria Mađalêna và các môn đệ; mời gọi chúng ta có đôi mắt biết “nhìn xa hơn”, để nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, như Thiên Chúa vẫn tỏ mình và hiện diện hôm nay, vẫn nói với chúng ta, đi trước chúng ta, làm chúng ta ngỡ ngàng. Như Maria Mađalêna, mỗi ngày chúng ta có thể trải nghiệm cảm giác mất Chúa, nhưng mỗi ngày chúng ta cũng có thể chạy đi tìm Người lần nữa, với xác tín rằng Người sẽ để mình được tìm thấy và chiếu tỏa ánh sáng Phục Sinh của Người trên chúng ta.

Anh chị em thân mến, đây là niềm hy vọng lớn nhất của cuộc đời chúng ta: chúng ta có thể sống kiếp người nghèo nàn, mong manh và đầy thương tích này khi biết bám vào Đức Kitô, bởi vì Người đã chiến thắng sự chết, đang chiến thắng những bóng tối trong chúng ta và sẽ chiến thắng bóng tối của thế giới, để đưa chúng ta vào sống với Người trong niềm vui vĩnh cửu. Hướng về đích điểm này, như Thánh Phaolô nói, chúng ta cũng chạy, quên đi những gì ở đằng sau và hướng về phía trước (x. Pl 3,12-14). Chúng ta hãy nhanh chân lên đường để gặp Đức Kitô, với bước chân hối hả của Maria Mađalêna, của Phêrô và Gioan.

Năm Thánh mời gọi chúng ta canh tân nơi mình hồng ân hy vọng này, đắm mình trong đó cùng với những đau khổ và bất an của mình, lan tỏa nó đến những người chúng ta gặp gỡ trên đường, và trao phó tương lai cuộc đời cũng như vận mệnh nhân loại vào niềm hy vọng ấy. Vì thế, chúng ta không thể neo đậu trái tim mình trong những ảo tưởng của thế gian hay nhốt nó trong nỗi buồn; chúng ta phải chạy, tràn đầy niềm vui. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu, tái khám phá ân sủng vô giá là được làm bạn hữu của Người. Hãy để Lời sự sống và chân lý của Người soi chiếu hành trình chúng ta. Nhà thần học Henri de Lubac đã nói: “Chúng ta chỉ cần hiểu điều này: Kitô giáo chính là Đức Kitô. Không, thực sự, không có gì khác ngoài điều đó. Trong Đức Kitô, chúng ta có tất cả” (Henri de Lubac, Trách nhiệm giáo lý của người Công giáo trong thế giới hôm nay, Paris 2010, 276).

Và “tất cả” đó chính là Đức Kitô Phục Sinh, Đấng mở ra cho cuộc đời chúng ta niềm hy vọng. Người đang sống, Người hôm nay vẫn muốn đổi mới cuộc sống chúng ta. Với Người, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, chúng ta muốn thưa lên:

“Lạy Chúa, trong ngày lễ này, chúng con xin Ngài ban cho chúng con ơn này: được trở nên mới mẻ để sống sự mới mẻ vĩnh cửu này. Xin gột rửa chúng con, lạy Chúa, khỏi lớp bụi buồn tẻ của thói quen, mệt mỏi và vỡ mộng; xin ban cho chúng con niềm vui được thức dậy mỗi sáng với đôi mắt ngỡ ngàng trước những sắc màu mới lạ của buổi bình minh, độc nhất và khác biệt với mọi ngày khác. […] Tất cả đều mới, lạy Chúa, không gì lặp lại, không gì là cũ” (A. Zarri, Như một lời cầu nguyện).

Anh chị em thân mến, trong niềm ngỡ ngàng của đức tin Phục Sinh, mang trong tim mọi khát vọng bình an và giải thoát, chúng ta có thể thưa: Cùng Chúa, lạy Chúa, tất cả đều mới mẻ. Cùng Chúa, tất cả lại bắt đầu.