GPVO (17/1/2023) – Cùng với Giáo hội Úc châu, nhiều tín hữu hoàn vũ sửng sốt tiếc thương Đức Hồng y George Pell, người vừa đột ngột ra đi vào ngày 10/1/2023, chỉ 10 ngày sau cái chết của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Riêng tôi – một chủng sinh thuộc Tổng Giáo phận Washington DC, Hoa Kỳ – không khỏi ngỡ ngàng và tiếc nuối một nhân cách vĩ đại, một chứng nhân đức tin của thời bách hại hiện đại.
Vào mùa hè năm 2021, tôi được cơ may gặp gỡ Đức Hồng y trong khóa tu học “Kinh nghiệm Rôma” dành cho các chủng sinh Hoa Kỳ. Cuộc gặp gỡ đã để lại cho tôi nhiều bài học, lòng kính mến, đồng thời, giúp tôi càng quý mến hơn con người Đức Hồng y, một vị chủ chăn trung thành với đức tin, một con người chính trực, can đảm và dạt dào tình yêu dành cho Giáo hội, cách riêng cho người Việt Nam.
Lúc đó, khi chúng tôi đang tĩnh tâm tại Braccianno, một tu viện dòng Đa Minh, cách Rôma khoảng 2 giờ lái xe, Đức Hồng y đã tự mình lái xe từ chung cư nơi ngài cư trú tại Rôma để đến gặp gỡ và chia sẻ thân tình với 20 anh em chủng sinh và một số linh mục. Nhiều anh em mong chờ để được diện kiến và trò chuyện với ngài sau khi ngài được phóng thích từ chốn lao tù, nhờ một phiên phúc thẩm tuyên bố ngài vô tội trước các cuộc cáo buộc bất công.
Tôi đã thấy gì nơi Đức Hồng y trong cuộc gặp gỡ?
Đức tin và Giáo hội
Tôi nhận thấy Đức Hồng y có một đức tin mạnh mẽ và lòng mến Giáo hội sắt son. Khi vừa đến Bracciano, ngài không chần chừ mà nhanh nhẹn đến gặp gỡ và chào hỏi từng người chúng tôi. Sự ngạc nhiên của tôi là nhìn thấy nơi ngài một sự bình thản, được tỏ lộ qua khuôn mặt, trái ngược với bao sóng gió mà ngài đã trải qua hơn 400 ngày bị giam giữ bất công trong nhà tù, từ tháng 2/2019 đến tháng 4/2020. Trong cuộc chia sẻ, ngài nói chuyện vui vẻ, thân tình, hài hước với một nỗi bình an từ sâu thẳm tâm hồn. Tôi nhận ra rằng, chỉ những người có đức tin mạnh mẽ mới có thể giữ được sự bình thản trước bao sóng gió như vậy. Ngài chia sẻ: “Tôi cảm tạ Chúa trong mọi sự; chính kinh nghiệm lao tù càng giúp tôi củng cố thêm đức tin”.
Các linh mục và chủng sinh hiện diện đã xin Đức Hồng y những điều nhắn nhủ khi đứng trước các trào lưu dị giáo, ly giáo, vô thần, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa Mác-xít và các tư tưởng trái ngược với đức tin và Giáo hội. Đức Hồng y đã chia sẻ và nhấn mạnh với chúng tôi về “Kinh Tin Kính”. Ngài nói: “Đây là điểm mẩu chốt của đức tin”. Ngài đặc biệt nhắn nhở chúng tôi cần sống và suy tư về bốn điểm quan trọng: 1) Chỉ một Thiên Chúa duy nhất, 2) Mười điều răn, 3) Một Giáo hội Công giáo Tông truyền, 4) Một Giáo hoàng duy nhất.
Khi được hỏi về Truyền thống Giáo hội, ngài đã tự đặt câu hỏi: “Chúng ta là ông chủ (master) hay đầy tớ (servant) của truyền thống?” Đức Hồng y nhắn nhủ rằng: “Chúng ta phải là những tôi tớ của truyền thống”. Thực tế, trong suốt cuộc đời của ngài, khi là linh mục, giám mục và hồng y, với các vai trò khác nhau, ngài không chỉ là người luôn biểu lộ mình là người tôi tớ của truyền thống mà chính ngài cũng đã không mệt mỏi bảo vệ truyền thống đức tin mà Chúa ban cho Giáo hội mặc dù phải trả giá với nhiều đau khổ.
Nhắn nhủ các chủng sinh và linh mục của Giáo hội hôm nay và tương lai, ngài khuyên 3 điểm quan trọng: 1) Cầu nguyện, 2) Tình bạn (Fraternity), 3) Nghỉ ngơi. Đức Hồng y nói: “Cần phải có đời sống cầu nguyện mật thiết với Chúa, tình bạn giữa anh em trong đời sống ơn gọi để nâng đỡ nhau và cần đi ra ngoài một chút để nghỉ ngơi và học hỏi”. Ngài nhắc rằng: “Chính Chúa Giêsu cũng cần những điều này”.
Sự quý mến dành cho người Việt Nam.
Dịp nầy, tôi cũng có cơ hội nói lên lòng kính trọng với Đức Hồng y trước tấm gương chứng nhân đức tin của ngài. Đức Hồng y vui vẻ nhắc lại kỷ niệm tiếp đón và gặp Đức Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận lúc vừa ra khỏi lao tù đến Úc Châu và nhiều lần khác. Đức Hồng y vui mừng chia sẻ chứng nhân của Đức Hồng y Thuận và kinh nghiệm tù đày của chính mình cho anh em linh mục và chủng sinh. Ngài bày tỏ sự trân quí với người Viêt Nam trước các biến cố lịch sử và sự trung thành trong đức tin.
Đức Hồng y cũng bày tỏ lòng cảm kích của ngài khi nhiều người Việt Nam đã đến ủng hộ và cầu nguyện cho ngài trước Tòa án Tối cao Úc: “Tôi rất xúc động, khi nhóm người Việt Nam đến cầu nguyện cho tôi bên ngoài tòa án.”
Vì trung thành và quyết liệt bảo vệ đức tin Công giáo và luân lý trong suốt cuộc đời, Đức Hồng y Pell đã trở thành nạn nhận của các cuộc tấn công trào lưu thế tục từ nhiều phía và ngài cũng đã trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô trong thời bách hại hiện đại. Giờ đây, có thể nói như lời thánh Phaolô: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7), Đức Hồng y Pell đã đi hết chặng đường, đã chia sẻ tận cùng đau khổ và thập giá của Đức Kitô, đã giữ vững niềm tin, chúng ta cầu xin Thầy Chí Thánh mở cửa Thiên Đàng, đón rước Đức Hồng y, người tôi trung, vào nơi vinh phúc muôn đời. Amen.
Giuse Nguyễn Văn Thống, Washington DC, 15/1/2023