Kỹ sư Vito Alfieri Fontana, từ một nhà sản xuất trở thành người rà phá bom mìn

Vatican News Tiếng Việt (16/1/2024) – Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Quan sát viên Roma, kỹ sư Vito Alfieri Fontana, năm nay 72 tuổi, đến từ thành phố Bari của Ý đã chia sẻ cuộc đời ông với lời khẳng định ông đã có hai cuộc đời: một cuộc đời chuyên nghiên cứu sản xuất bom mìn và một cuộc đời sau đó tìm cách rà phá bom mìn, cố gắng vô hiệu hoá những công cụ gây chết người. Ông cho biết chính nhờ những người trẻ – con trai và một tình nguyện viên của phong trào hoà bình Công giáo Pax Christi – mà cuộc đời ông đã được biến đổi.

Vittorio Alfieri Fontana

Con trai ông lên 8 tuổi và bắt đầu tìm hiểu thế giới xung quanh bằng những câu hỏi đặt ra cho ông, và khi biết ông là người chế tạo vũ khí, cậu bé đã hỏi ông: “Nếu cha là người chế tạo vũ khí, thì đúng cha là một kẻ giết người. Tại sao cha lại làm điều này?”

Thêm vào đó, vào năm 1993, khi chiến dịch quốc tế chống mìn sát thương bắt đầu, ông được mời tham dự buổi gặp gỡ từ Pax Christi mặc dù không muốn. Nhiều câu hỏi được đặt ra cho ông nhưng không làm cho ông lay động. Cuối hội thảo, một tình nguyện viên trẻ của Pax Christi hỏi ông: “Thưa kỹ sư, khi đi ngủ ông mơ thấy gì? Chẳng lẽ ông mơ thấy một cuộc chiến tranh đẹp ưchẳng lẽ ông mơ thấy một chiến tranh để bán nhiều mìn ư?”

Công ty Tecnovar chuyên sản xuất vũ khí của ông có doanh thu rất lớn. Với quyết định thay đổi cuộc đời, ông đã gặp nhiều khó khăn và hiểu lầm nhưng ông vẫn kiên định trên con đường mới này. Ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn rằng khi lương tâm day dứt, người ta không thể tiếp tục đưa ra những thiết kế hoặc điều gì đó có thể làm hại người khác, mặc dù điều này dẫn đến những hiểu lầm, cả từ phía gia đình, nhưng bù lại ông tìm được chính mình.

Sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh vũ khí, ông lãnh đạo tổ chức Intersos hoạt động phá bom mìn, đặc biệt ở Nam Tư cũ. Kỹ sư thú nhận khi bắt đầu công việc này ông cảm thấy rất tồi tệ và xấu hổ bởi vì cảm thấy một phần của mình ở dưới lòng đất, cảm thấy bị chất vấn “hãy nhìn những gì bạn đã làm”.

Khi so sánh về hai cuộc sống, một cuộc sống với việc sản xuất khoảng hai triệu rưỡi mìn và cuộc sống hiện nay với vài ngàn quả mìn được tháo ngòi, ông cảm thấy cay đắng về những gì đã làm và những gì phải nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên ông hy vọng công việc của ông được 10.000 người trên thế giới ủng hộ tham gia, những người hàng ngày kiên nhẫn còng lưng để tìm mìn sẽ là một phép màu cho những năm tới. Ông nhắc lại trong Tin Mừng, những người kiến tạo hoà bình là những người được Chúa xác nhận là “con Thiên Chúa”. Đó là trách nhiệm lớn của mỗi người.

Không chỉ là người dẫn đầu trong hoạt động phá bom mìn, ông còn hợp tác với người được trao giải Nobel hoà bình Jody Williams ủng hộ Chiến dịch toàn cầu, để từ đó đưa đến Hiệp ước Ottawa, cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao các loại mìn sát thương và về sự huỷ diệt của chúng.

Về những lời của Đức Thánh Cha trong Giáng sinh vừa qua “Để nói ‘không’ với chiến tranh cần phải nói ‘không’ với vũ khí. Bởi vì nếu con người có tâm hồn bất an và bị tổn thương thì sớm hay muộn họ sẽ tìm những công cụ giết người trong tay và sẽ sử dụng chúng”, ông khẳng định: “Tôi muốn nói thêm rằng tiến hành chiến tranh thì giống như chặt một cây. Hoạt động cho hoà bình tương tự trồng một cây. Để có hoà bình chúng ta phải trồng cây, chúng ta phải gieo hạt giống, phải chăm sóc. Do đó, theo sau đau khổ của chiến tranh là sự mệt mỏi trong việc tái thiết. Sử dụng vũ khí là một sự điên rồ”.

Khi được hỏi năm nay đã 72 tuổi, và đang tiếp tục dấn thân cho một hoạt động nghĩa, kỹ sư sẽ nói gì với những người giống ông trong quá khứ, nghĩa là đang sản xuất và buôn bán vũ khí, ông cho biết ông đã thảo luận với nhiều người về vấn đề này. Ông nói: “Nếu bạn có đức tin, bạn phải ý thức về hậu quả. Đặc biệt chúng ta, những người tin vào Lời Chúa, vào Kinh Thánh, làm sao chúng ta có thể ghét chính mình đến mức phá huỷ niềm hy vọng của người khác, niềm hy vọng của anh chị em chúng ta? Đó là tất cả những gì tôi muốn nói”.

Vatican News