GPVO (13/5/2022) – Công đồng Vaticanô II đã đưa ra lời khẳng định rằng: “Không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể” (LM 6, đ.5). Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch sống và là trung tâm điểm của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Nơi Bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu được kín múc nguồn ân sủng qua việc đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu. Nhờ việc đón nhận Chúa Kitô vào tâm hồn, mỗi người được Chúa gia tăng sức mạnh để lướt thắng mọi cám dỗ trên cuộc lữ hành trần gian…
Hòa trong tâm tình thánh thiêng của những ngày đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, vào lúc 15g30’ thứ Sáu ngày 13/5/2022, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ khai mạc tuần chầu tại giáo xứ Làng Anh. Hiệp dâng thánh lễ với ngài có cha quản xứ Giuse Nguyễn Duy Phương, quý cha trong và ngoài giáo hạt, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giáo xứ Làng Anh được biết đến là một trong những giáo xứ kỳ cựu nhất của Giáo phận Vinh. Đây là xứ mẹ của các giáo xứ: Tân Lộc, Lập Thạch, Trang Cảnh, Làng Nam, Cầu Rầm, Yên Đại và một số giáo xứ khác nữa. Theo dòng lịch sử, vào năm 1829 – 1832, đã có các thừa sai rảo bước trên những vùng đất rộng lớn này đến để truyền giáo. Đến năm 1853, vào dịp lễ Phục Sinh, giáo xứ Cả Anh được chính thức thành lập. Tên gọi Cả Anh sau này được các cố Tây cắt nghĩa là Anh Cả. Thời gian sau này, các vị coi sóc giáo xứ còn tu chính, sửa đổi tên gọi cho đúng với Việt ngữ nên được gọi là Làng Anh.
Trải qua dòng chảy của thời gian với bao nhiêu thăng trầm trong việc sống, giữ và lan tỏa đức tin, bà con giáo xứ Làng Anh luôn kiên vững trong đức tin, bền bỉ trong đức mến và vui tươi trong đức cậy. Hiện nay, giáo xứ Làng Anh do cha Giuse Nguyễn Duy Phương quản nhiệm với hơn 2.113 giáo dân.
Trước giờ khai lễ, Đức cha Phaolô Maria đã mời gọi cộng đoàn cùng hướng lòng về Chúa để nài xin ơn mọi ơn lành giúp cho mỗi người thu lượm được nhiều hồng ân của trong tuần chầu của giáo xứ. Hơn nữa, mỗi người cũng phải ý thức cầu nguyện không chỉ cho giáo xứ nhưng còn cho toàn thể mọi người trong gia đình Giáo phận.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế đã mời gọi cộng đoàn cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc, vai trò và ý nghĩa của tuần chầu lượt trong đời sống Kitô hữu. Việc Chầu Thánh Thể này bắt nguồn từ Milano, một thành phố ở phía bắc nước Italia vào năm 1534, do một linh mục dòng Phanxicô tên là Giuse Piantanida da Fermo khởi xướng. Năm 1900, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, Thánh bộ Lễ nghi đã ban bố Sắc lệnh chấp thuận hình thức chầu lượt này. Nội dung chính của Sắc lệnh này dạy phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong 40 giờ liên tiếp. Việc thực hành ấy (Chầu lượt bốn mươi giờ) còn tồn tại cho tới ngày nay trong khắp Giáo Hội. Tại Giáo phận Vinh, năm 1918, Đức cha Eloy Bắc đã thiết lập tuần chầu trong Giáo phận, lần lượt các giáo xứ thay nhau để cử hành tuần chầu đền tạ. Cho đến ngày nay, tuần chầu đã khắc sâu vào trong đời sống đạo đức của mỗi người trong Giáo phận, và người ta thường nói với nhau rằng: “Dù ai đi đâu về đâu, nhớ ngày chầu lượt đưa nhau mà về”.
Ngoài ra, ngài cũng đưa ra cho cộng đoàn ba điểm mà mỗi người cần phải đạt được trong tuần chầu lượt: thứ nhất, tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể; thứ hai, đền bù những xúc phạm nặng nề của con người đối với Thiên Chúa; thứ ba, nài xin lòng thương xót và tình yêu của Chúa đổ tràn trên mỗi người. Để đạt được ba điểm đó, mỗi người phải mạnh dạn, can đảm và liều mình để bước đến bên Chúa để Người giúp chúng ta làm mới lại cuộc đời, qua đó trở nên chứng nhân sống động cho Chúa ngay giữa dòng đời.
Cuối cùng, Đức cha mời gọi mỗi người năng tham dự thánh lễ, đón rước Chúa vào lòng và tham dự các giờ chầu Thánh Thể. Với ba việc làm đó, mỗi người sẽ luôn được Chúa cư ngụ trong tâm hồn và được Ngài bảo vệ trước những cám dỗ của ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Qua thánh lễ hôm nay, hy vọng rằng mỗi người con trong đại gia đình giáo xứ Làng Nam biết năng đến với Bí tích Thánh Thể mỗi ngày trong suốt hành trình sống, nhờ đó, được Chúa gia tăng sức mạnh để lướt thắng mọi cạm bẫy của ma quỷ trong cuộc đời và trở nên dấu chỉ của tình yêu, lòng thương xót và niềm hy vọng của Chúa đến cho mọi người.
Gioan Nguyễn