Người ta phải trải qua một quá trình học và đào luyện lâu dài để có thể trở thành một linh mục, hay rộng hơn là người tông đồ của Chúa. Ấy là bởi vì trở thành “người tông đồ” thách đố người ta rất nhiều. Làm dâu trăm họ chưa bao giờ là điều dễ dàng – như người ta vẫn nói. Song song với những kiến thức triết thần đủ để phục vụ, những kỹ năng về mục vụ cùng nhiều lĩnh vực khác, người tông đồ cũng phải trưởng thành trong cách sống và làm việc của mình. Từ suy nghĩ cá nhân (chắc sẽ có thiếu sót), tôi nghĩ rằng nếu không có “đủ” những điều sau, sẽ rất khó để là một người tông đồ đúng nghĩa.
1. Đủ yêu và đủ ghét
Người tông đồ chắc chắn phải là người có trái tim rộng lớn. Nếu không, họ sẽ chẳng mang “yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Họ phải yêu và yêu nhiều lắm. Tình yêu ấy trải rộng cho mọi người, lan toả ở bất cứ nơi đâu họ đặt chân đến. Tình yêu đó là động lực để họ hăng say làm việc, phục vụ người khác một cách vô vị lợi, không đòi đền đáp; dù có khi gặp chống đối hay khó khăn, họ vẫn can trường đối diện và vượt qua. Nói nôm na, họ là người rất tình cảm, hay xúc động, dễ cảm thương. Một người tông đồ không biết yêu thì không xứng với danh xưng “tông đồ”.
Nhưng họ cũng phải là người biết ghét. Ghét những điều đối nghịch với Thiên Chúa, những điều làm hại đối tượng phục vụ của mình. Họ khinh chê những thứ phù phiếm, chóng qua của thế giới này. Ghét kiểu sống bầy đàn, giả tạo. Ghét những vinh hoa hư ảo, những lời khen bóng bẩy chót lưỡi đầu môi. Họ chà đạp nó dưới chân như một thứ gì thật ghê tởm. Đủ ghét những điều này thúc đẩy họ đến một cuộc sống hoàn toàn thanh thoát, tự do tự tại, không hề dính bén gì đến những ảo tưởng đó của thế gian.
2. Đủ nóng và đủ lạnh
Đủ nóng, hay đủ nhiệt [nhiệt thành], là cái làm cho người tông đồ hăng say trên hành trình sứ mạng, luôn nghĩ ra sáng kiến để giúp đỡ người khác, “làm việc không tìm nghỉ ngơi”. Một người nhiệt thành chẳng bao giờ có thời gian rảnh, bởi họ luôn thấy trước mắt là những nhu cầu rộng lớn. Ngọn lửa bên trong trái tim thôi thúc bàn chân họ luôn cất bước lên đường. Sức nóng ấy cũng giúp làm ấm áp những nơi lạnh lẽo thiếu tình thương. Ai ở gần họ cũng thấy như thể được lòng nhiệt thành ấy của họ đốt cháy, khơi nguồn mọi hứng khởi và dấn thân tông đồ.
Nhưng họ cũng phải là người đủ lạnh, để có thể làm chủ mọi cảm xúc dính bén, vốn là cái hằng có nơi bất cứ con người nào. Không phải là một kiểu lạnh lùng không cảm xúc, nhưng là một khả năng làm chủ mọi xung động trong mình. Người có lòng nhiệt thành thì luôn được quý mến. Phục vụ ở đâu đó trong một khoảng thời gian, có thể họ sẽ được nhiều người thương yêu. Nếu họ không đủ “lạnh” (nếu không muốn nói là đủ lạnh lùng) để dứt bỏ, thì đôi bàn chân sẽ trở nên rất nặng nề, khó có thể tiếp tục đến phục vụ nơi khác, đôi bàn tay sẽ khó có thể buông ra để vươn rộng vươn dài. Đủ lạnh để biết thiêng liêng hoá mọi tương quan và gắn bó, để lòng được trải rộng hơn.
3. Đủ nhớ và đủ quên
Họ phải biết và phải nhớ “mùi chiên”. Nhớ không chỉ bằng trí óc, nhưng còn khắc sâu vào trong tâm khảm. Nhớ từng người và từng vấn đề để có thể giúp đỡ cách hiệu quả hơn, để con chiên biết là mình được yêu thương, được quan tâm. Nhớ đến chiên chính là điều nối kết họ với chiên, sẽ làm cho chiên tin tưởng họ nhiều hơn. Họ nhớ mọi điều tốt đẹp, dù là nhỏ nhặt, mà con chiên đã làm. Một người lơ đễnh, chẳng quan tâm và ghi khắc trong trái tim và trí óc mình một ký ức hay kiến thức nào về con chiên, thì chẳng thể làm được gì cho họ.
Nhưng họ cũng phải biết quên. Quên những gì không giúp ích cho họ và cho đàn chiên. Quên những sai lỗi của con chiên, đặc biệt là những lỗi họ gây ra, làm tổn hại đến mình. Phải quên mọi hận thù, mọi cảm xúc tiêu cực, mọi ký ức buồn. Quên theo nghĩa này cũng là tha thứ. Không phải là một kiểu giả vờ chẳng nhớ gì, chẳng biết gì; nhưng là không để những điều không tốt chế ngự khối óc và con tim. Họ nhìn những biến cố không vui bằng một cái nhìn khác, rộng lượng và khoan dung, cùng với một niềm hy vọng mọi sự sẽ nên tốt vào một lúc không xa. Đã hy sinh phục vụ người khác mà cứ khư khư giữ mãi những níu kéo hay những điều tiêu cực thì làm sao có thể phục vụ tốt được? Trong cái nhìn sứ mạng, cái quên này cũng là một sự dứt khoát với quá khứ, “để lao mình về phía trước” như Phaolo. Nói chung, đó là một sự thanh thoát hoàn toàn với cái gì không tốt cho sứ mạng hiện tại.
4. Đủ cứng và đủ mềm
Có biết bao khó khăn và thử thách đang chờ đợi người tông đồ phía trước. Không đủ cứng, người ấy sẽ rất dễ gục ngã khi bão táp kéo về. Đó là một sự vững vàng trong lập trường, học thức, kinh nghiệm, tâm lý và rất nhiều điều khác. Khi một kế hoạch đã vạch ra (và xác quyết rằng đó là ý Chúa), phải đủ kiên cường để thực thi nó, không nhụt chí hay nản lòng khi gặp chống đối hay cản trở. Nếu không, họ sẽ chẳng làm được chuyện gì cho ra hồn, không thể nào đưa các dự phóng về đến đích mong đợi. Kẻ bàn ra, người bàn vô, kẻ ủng hộ, người nói xấu… đủ sức để chịu đựng được những điều đó cũng đòi hỏi một sự mạnh mẽ to lớn. Sự cứng cáp nơi họ làm cho những người hợp tác hay bề dưới dành cho họ sự nể trọng. Nếu không có điều này, cộng đoàn hay công việc ắt sẽ loạn và không đi vào khuôn phép.
Tuy nhiên, họ cũng phải là người biết mềm mỏng, linh hoạt. Cứng như đá thì dễ vỡ, còn nhẹ như lông thì có rơi từ độ cao bao nhiêu cũng chẳng sợ. Mềm không phải là yếu ớt, nhưng là khả năng mở ra với những cái mới. Có thể “mềm” là cả một nghệ thuật lớn lao. Người đó phải nhận định rất tốt, nắm bắt hoàn cảnh rất rõ, suy nghĩ rất thấu đáo. Trong tương quan với người khác, đặc biệt là người dưới, mềm là một kỹ năng đòi hỏi sự khiêm nhường và khéo léo, để vừa biết nương theo khả năng của người kia, vừa biết điều chỉnh cho phù hợp nhằm đạt đến một kết quả tốt hơn. Mềm như dòng nước chảy, có thể thích ứng với mọi vật chứa nó, nhưng lại có sức mạnh kinh hoàng đục khoét được cả đá núi. Mềm như gió, chẳng gì thấy hay làm hại được nó, nhưng nó có thể làm bật tung mọi thứ. Khả năng “mềm” giúp cho người tông đồ thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh và có thể tiếp cận với mọi hạng người mà không gặp quá nhiều khó khăn. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao?
5. Đủ nắm và đủ buông
Nắm để có sự gắn bó, gần gũi. Nắm để gìn giữ và làm thăng hoa. Không có một cái gì trong tay thì cũng chẳng thể làm gì được để giúp người khác. Hơn nữa, trong quá trình phục vụ, chắc chắn sẽ có những cái tự dưng đến với người tông đồ. Họ sẽ tích trữ nhiều hơn, sẽ trở nên “giàu” hơn, từ những tương quan có được, cho đến những thành công, sự thừa nhận, chỗ đứng, tiếng tăm. Tất cả những điều này đều cần thiết, người ta cần nó để có thể làm việc hiệu quả. Người nào biết nắm giữ và sử dụng nó đúng cách thì việc tông đồ của mình sẽ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
Tuy nhiên, những cái đó chỉ là phương tiện, chứ không phải cùng đích. Phương tiện là cái mà nếu nó giúp ích thì ta dùng, không giúp ích thì buông. Nhưng “buông” lại không phải là chuyện dễ làm. Có nhiều người, dù đã lên đường thực thi sứ vụ khác, vẫn chẳng thể nào buông được những gì tại nơi cũ. Họ cho rằng công trạng của mình thật lớn, nên có quyền can thiệp vào chuyện người ta, dù chẳng có quyền gì. Họ luôn tỏ vẻ như thể mình là người giỏi giang, tất cả mọi công trình đều có mồ hôi nước mắt của mình, để rồi tự hào về nó. Đôi khi họ không cắt đứt được với những tương quan cũ, vẫn muốn mình “sống mãi” tại nơi mình đã từng phục vụ, muốn mình trở thành tượng đài. Suy nghĩ và thái độ sống này rõ ràng không làm nên người tông đồ đúng nghĩa.
Cả năm điều “đủ…đủ…” này dường như có tương quan với nhau, nếu không muốn nói là chúng chỉ diễn tả một ý qua năm ngôn từ. Đủ yêu thì cũng đủ nóng, đủ nhớ, đủ cứng, đủ nắm; đủ ghét thì cũng đủ lạnh, đủ quên, đủ mềm, đủ buông. Ắt hẳn sẽ còn nhiều cái “đủ… đủ” như vậy nữa. Nhưng tựu trung, nó muốn nhắm đến một thái độ quân bình và thanh thoát. Muốn trở thành một người tông đồ của Chúa, người ấy trước hết phải là người của Chúa, thuộc về Chúa. Mong sao tôi và tất cả những ai tự xưng là “tông đồ” có thể có được điều này.
Còn bạn, bạn nghĩ là người tông đồ cần phải có cái “đủ… đủ…” nào nữa?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ