GPVO (22/2/2023) – Câu chuyện đức cha này, đức cha kia, linh mục nọ và nữ tu kìa bán thuốc trên mạng không phải là câu chuyện mới. Tiếc thay! Nó vẫn cứ tiếp diễn và bành trướng trên mạng xã hội.
Một số người thân của tôi khi mua thuốc rồi mới hỏi: “Đức cha X có phải bán thuốc không cha?”. Rồi: “Cha ơi! Cha Y có phải bán thuốc không cha?”. Và mới đây, một người đưa hình ảnh nguyên trang của nữ tu Z quảng cáo thuốc hỏi tôi: “Cha ơi! Có phải nữ tu Z bán thuốc không Cha ?”.
Cha biết trả lời sao để người hỏi tin. Tôi nói luôn: “Cô ơi! Cô chịu khó tìm số điện thoại của nữ tu Z đó và hỏi trực tiếp để biết rõ sự thật nhé cô! Con chả biết phải trả lời sao với cô. Theo con thì không có bao giờ nữ tu Z đi bán thuốc trên mạng cả!”
Tiếc thay là có một vị “khúc ruột ngàn dặm” mua thuốc theo lời quảng cáo trên mạng từ cha Y. Thấy tin tưởng quá nên vị đó cho tôi toa thuốc và địa chỉ cha Y đó. Tôi hỏi người đó là mua chưa thì người đó trả lời: “Dạ con mua rồi và họ đã chuyển thuốc tới nhà rồi cha ơi !”
Biết nói gì bây giờ ngay khi người quen cả tin đến như thế.
Thật ra cũng khó nói. Cứ theo suy nghĩ bình thường của người tín hữu. Cứ hễ sơ, hay cha hay hơn nữa là đức cha nói điều gì thì họ tin có thể nói như Kinh Tin Kính vậy. Cứ hễ người tu phán là họ tin là thật. Khó có ai cản họ khi họ nghe lời nào từ người tu và nhất là khi ai nào đó đau bệnh. Ai nào đó rơi vào tình trạng sức khỏe có vấn đề sẽ hiểu. Họ rất lo lắng và một mực đi tìm thầy thuốc giỏi. Vớ trên mạng nghe tin cha, đức cha và sơ bán là họ an tâm. Cứ thế mà mua chứ không hề suy nghĩ.
Lựa vào niềm tin đơn thành ấy mà nhiều người đã bị lừa một cách ngoạn mục. Tiền thuốc trả có khi đến chục triệu chứ không phải là chuyện đùa.
Tôi nhớ chuyện này tôi cũng đã đôi lần cảnh báo nhưng dường như người ta cũng chả chịu nghe lời cảnh báo đó. Chỉ mới hôm qua, một người kia bị giả danh nữ tu lừa bán thuốc. Khi mua rồi mới đi hỏi tôi xem là thật hay giả thì tôi đành chịu. Cơ bản là họ mù quáng và cả tin. Khi họ đã tin rồi thì nghe đức cha bán thuốc thì cỡ gì họ cũng mua vì từ lâu nay đức cha nói là thật.
Cũng chả phải chuyện bán thuốc mà còn nhiều chuyện trên mạng về chuyện mua bán online. Có người cả tin để đặt hàng online nhưng khi mua về thì hàng không như thế.
Một cô thân quen chia sẻ kinh nghiệm mà cô gặp phải. Cô nhìn hàng trên mạng thật đẹp và muốn mua. Kỹ tính một chút thì cô tìm đến cửa hàng. Khi đến cửa hàng thì cô chưng hửng vì cái gọi là cửa hàng chỉ là một cái kios thật nhỏ và lem luốc cùng với mặt hàng đăng trên mạng nó hoàn toàn không giống như những gì khi đến nhìn thực tế.
Chả phải người ta lừa nhau về quần áo, thực phẩm … nhưng người ta có thể lừa nhau được bất cứ chuyện gì có thể lừa được.
Trước một xã hội ảo và giả nhiều hơn thật nên chăng ta phải hết sức thận trọng. Đừng vội tin cũng như đừng cả tin. Với câu nói “lóng lánh không phải là vàng” thì thật là đúng cho mọi thời đại. Ngay cả trong tương quan bạn bè hay cả vợ chồng, có những lời ngon ngọt và xem ra thích nghe và dễ lọt tai nhưng tất cả đều giả nên người ta vẫn hay nói “ngọt ngào và man trá” là như vậy.
Trước những sự giả trá cũng như lừa bịp nhau, chúng ta nên nhắc nhớ nhau để người thân quen của chúng ta hết sức cẩn thận khi mua hàng online. Những nhãn hàng và nhà cung cấp uy tín họ đều nói: “Nhận hàng rồi mới thanh toán” thì ta nên tin nhận. Tránh những rủi ro đáng tiếc khi cả tin khi mua thực phẩm, quần áo và nhất là thuốc chữa bệnh.
Chuyện mà mọi người cần nhớ là không bao giờ có giám mục, linh mục hay nữ tu nào đi bán thuốc ở trên mạng cả. Nên chăng phải thông báo cho nhau để nhất là những người nhẹ dạ không phải sập bẫy những người lừa đảo. Hãy nhắc nhớ với nhau rằng hết sức cẩn thận khi mua hàng.
Lm. Anmai, CSsR