Lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu Tuần thánh, 10/4/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức tại Đền thờ thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.
Cũng như những ngày trước đây, vì đại dịch Covid-19, nghi thức được cử hành đơn sơ bên trong Đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 30 người, gồm các chức sắc của Đền thờ, và sáu Đức ông trong ban nghi lễ, ban giúp lễ và ca đoàn Sistina thu hẹp chỉ có sáu người. Và buổi tưởng niệm được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông.
Khi tiến vào đền thờ, trong phẩm phục màu đỏ, Đức Thánh Cha nằm phủ phục trên nền trước bàn thờ Ngai tòa, cạnh đó có đặt tượng thánh giá làm phép lạ, đưa từ Đền thánh thánh Marcello Giáo hoàng đến đây và bên phải đền thờ có ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma.
Bài giảng của cha Cantalamessa
Sau bài Thương khó, trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan (18,1-19,42), Đức Thánh Cha không giảng, nhưng cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng từ 40 năm nay, đã giảng và nêu bật những mặt tích cực và tiêu cực, kể cả từ thảm trạng đại dịch hiện nay.
Cha bắt đầu từ nhận xét: Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô có thể nhìn dưới khía cạnh nguyên nhân và khía cạnh hậu quả, cũng như thánh giá có thể nhìn từ mặt trước hoặc mặt sau. “Nếu chúng ta chỉ nhìn những nguyên nhân lịch sử gây ra cái chết của Chúa Kitô, chúng ta sẽ hoang mang và mỗi người có thể nói như Philatô: “Tôi vô tội về máu của người này” (Mt 27,24). Nhưng nhìn khía cạnh hậu quả, chúng ta sẽ thấy Thập giá làm cho con người được nên công chính nhờ tin nơi Chúa, được hòa giải và an bình với Thiên Chúa, được đầy tràn hy vọng đời sống vĩnh cửu! (Rm 53,1-5).
Có một hậu quả của tình trạng hiện nay có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Đó là Thập giá đã thay đổi ý nghĩa đau đớn và khổ đau của con người, mọi thứ đau khổ thể lý và tinh thần. Nó không còn là hình phạt hay nguyền rủa nữa. Nó đã được cứu độ tận gốc, khi Con Thiên Chúa đón nhận đau khổ trên mình.
Thử hỏi, đâu là bằng chứng chắc chắn nhất chứng tỏ một đồ uống người ta cho bạn không phải là thuốc độc? Thưa là, nếu chính người ấy uống cùng ly đồ uống ấy trước khi bạn uống. Đó là điều Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Ngài đã uống trước mặt toàn thế giới chén cay đắng cho đến cùng. Đó là cách thức Chúa chứng tỏ đau khổ ấy không phải là thuốc độc, nhưng có một hạt ngọc ở dưới đáy chén ấy”.
Cha Cantalamessa kể ra một số nét tích cực mà đại dịch Covid-19 tạo nên: Chẳng hạn nó làm cho con người không còn nuôi ảo tưởng mình quyền năng. Chỉ cần một virus bé nhỏ cũng có thể đánh bại chúng ta, cho thấy quyền lực quân sự và kỹ thuật không đủ để cứu chúng ta.
Vị giảng thuyết cũng minh định rằng trong thảm trạng hiện nay, Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, chứ không phải là người gây thảm họa cho con người. Chúa cùng khóc thương với con người, như đã khóc Lazaro đã chết. Điều chắc chắn là Thiên Chúa không để cho sự ác xảy ra, trừ khi trong lượng từ nhân và toàn năng Ngài có thể mang rút ra được điều tốt từ tai ương.
Ngoài ra, cha Cantalamessa cũng ghi nhận có sự liên đới nhiều hơn trong nhân loại giữa đại dịch này. Virus không biết biên cương, trong khoảnh khắc nó phá đổ mọi hàng rào phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, giàu nghèo, quyền lực. Và, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội này để đừng phí phạm tài nguyên vào việc võ trang, nhưng hãy thực thi lời ngôn sứ Isaia, biến gươm thành lưỡi cày, biến giáo thành lưỡi liềm, không còn tập luyện để giao chiến với nhau nữa (Is 2,4).
Các lời nguyện phổ quát
Lễ nghi tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa được tiếp nối với 10 lời nguyện phổ quát theo truyền thống, cho các nhu cầu của Công giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Đặc biệt năm nay có thêm lời nguyện thứ 11 cho những người đau khổ giữa cơn đại dịch: “Cầu xin Thiên Chúa là Cha Toàn Năng giải thoát thế giới khỏi mọi xáo trộn, đẩy xa các bệnh tật, xua đuổi đói kém, trả tự do cho các tù nhân, ban công lý cho những người bị áp bức, ban an ninh cho người du hành, cho những người xa nhà được trở về, sức khỏe cho các bệnh nhân, ơn cứu độ vĩnh cửu cho người sinh thì”.
Và Đức Thánh cha nguyện rằng: “Xin Thiên Chúa toàn năng và vĩnh cửu, là an ủi cho những người sầu muộn, là nâng đỡ cho những người khổ tâm, xin lắng nghe tiếng kêu của nhân loại đang đau khổ, để tất cả được hân hoan vì nhận được sự cứu giúp của lòng thương xót Chúa trong cảnh khốn cùng của họ. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.
Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh giá. Chỉ có Đức Thánh Cha hôn kính Thánh giá rồi ngài nâng cao cho tất cả mọi người thinh lặng quỳ gối thờ lạy.
Sau cùng phần hiệp lễ và phép lành kết thúc của Đức Thánh Cha.
G. Trần Đức Anh, O.P.