Sống phải có chí hướng. Đó là ý muốn bền bỉ với quyết tâm đạt tới một mục tiêu cao đẹp. Đối với tín nhân, đó là chí hướng hoàn thiện theo ý muốn tốt lành của Chúa Giêsu. Chí hướng cần cho cuộc đời riêng của mỗi người, càng cần hơn nữa về chí hướng giữa hai hoặc nhiều người. Có những cái xuôi mà lại ngược, có những cái ngược mà vẫn xuôi – tảng đá và lưỡi gươm, có những thứ khác nhau mà không dị biệt – nước mắt và té nhào.
Một Simon nói mạnh mà rồi hèn nhát đã trở thành một Phêrô can đảm, thậm chí có lần còn bị Chúa Giêsu nguyền rủa là Satan. (Mt 16,23) Một Saolê hăng hái bách hại, thậm chí còn chủ trì trong cuộc sát hại Phó tế Stêphanô. (Cv 7,58) Hai con người khác nhau như hai con đường ngược chiều, nhưng họ đã đồng quy về một hướng: Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Một đá tảng kiên cố giữ vững Giáo Hội và một thanh gươm sắc bén bảo vệ Giáo Hội, đến cả “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi.” (Mt 16,18)
Và rồi Simon Phêrô được Chúa Giêsu trao “chìa khóa Nước Trời” với cương vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội, còn Saolê Phaolô được chọn làm Tông Đồ Dân Ngoại. Hai vị được đặc cách để trở nên hai cột trụ vững chắc chống đỡ Giáo Hội. Với ơn Chúa thì mọi thứ đều biến đổi – xấu xa thành tốt lành.
Chúa Giêsu không nịnh ai, không quảng cáo, không hứa hão như phàm nhân, mà Ngài luôn nói thật rằng ai theo Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ, cách này hoặc cách khác, chứ không được an nhàn, ung dung ăn trên ngồi trước. Kinh Thánh nói: “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do Thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.” (Cv 12,1-5)
Ngày xưa bách hại kiểu khác, không tinh vi như ngày nay. Khi thực sự cần thiết,Thiên Chúa làm phép lạ ngay: “Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo ông đi. Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ bảo ông thắt lưng và xỏ dép. Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông khoác áo choàng vào và đi theo thiên sứ. Ông liền theo ra mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến.” (Cv 12, 6-9) Chuyện xảy ra ngoạn mục tưởng như chỉ có trong phim ảnh, viễn tưởng, nhưng là chuyện thật, lạ đến nỗi chính ông Phêrô cũng không biết mình tỉnh hay mơ.
Khi qua vọng canh thứ nhất và thứ hai, thiên sứ và ông Phêrô tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố thì thiên sứ rời bỏ ông. Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu.” (Cv 12:11)Sự thật hiển nhiên chứ không là giấc mộng. Thật là kỳ diệu,bởi vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37)
Quy luật tất yếu ở đời: “Ăn cây nào rào cây nấy.” Cũng tương tự về phương diện tâm linh. Chúng ta lãnh nhận Ơn Chúa quá nhiều mà có lẽ ít khi biết tạ ơn như Thánh Vịnh gia: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.” (Tv 34,2-5)
Là Đấng đại lượng và giàu lòng thương xót, Thiên Chúa không làm ngơ những ai tin yêu Ngài: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người.” (Tv 34,6-8) Với kinh nghiệm sống tâm linh, Thánh Vịnh gia chia sẻ và mời gọi: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34,9) Cảm nghiệm để xác tín, xác tín để mến yêu, mến yêu để hành động.
Đối với Thánh Phaolô, nhờ kinh nghiệm ngã ngựa, kinh nghiệm độc nhất vô nhị và phép lạ nhãn tiền, đã trưởng thành tâm linh nên ông chia sẻ chân thành: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày Ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2 Tm 4,6-8) Thánh Phaolô biết mình là ai, làm gì và vì ai, nên đã an tâm chờ đợi giây phút bước qua ngưỡng sinh-tử.
Thánh Phaolô nói được bởi vì hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (2 Tm 4,17-18) Các thư của Thánh Phaolô là kho tàng về vô giá về đời sống tâm linh, có thể thấy mọi trường hợp mà hằng ngày chúng ta vẫn gặp. Thánh Phaolô giỏi về kiến thức đời thường, kiến thức tâm linh, và như một tâm lý gia vậy.
Hành trình đức tin là cuộc chiến liên lỉ, nhưng con người lại yếu đuối lắm. Chính Thánh Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm.” (Rm 7,19) Phàm nhân là thế, do đó mà phải nỗ lực từ bỏ chính mình để có thể vác thập giá theo Đức Giêsu Kitô. Vấn đề là muốn hay không, chứ vác thập giá thì…“oải” lắm, hiếm khi ngon trớn, thường thì kéo lê, có lúc còn bị ngã quỵ,…Mệt mỏi lắm! Nhọc nhằn lắm! Nhưng Thiên Chúa biết hết, vì Ngài thấu suốt mọi sự. (1 Ga 3,20) Ngài toàn năng, quan phòng và tiền định mọi thứ, ngay cả từng sợi tóc trên đầu mỗi chúng ta cũng được Ngài đếm cả rồi. (Mt 10,30).
Sướng quá hóa rồ. Chính đau khổ mới làm cho người ta thành nhân – cả đời thường và tâm linh. Đau khổ có giá trị kỳ diệu, vì thế chính Đức Kitô đã chịu đau khổ tới tột cùng để nêu gương và động viên chúng ta. Ngài đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài chết để chúng ta được sống. Hai lão tướng Phêrô và Phaolô được biến đổi nhờ đau khổ. Để có thể chịu đau khổ, người ta phải tin yêu mạnh mẽ. Chính đức tin là “siêu vũ khí” để chúng ta ngoan cường chiến đấu: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian là lòng tin của chúng ta.” (1 Ga 5,4) Đức tin dẫn tới đức ái. Đó là chí hướng của mọi tín nhân.
Qua trình thuật Mt 16,13-19, Chúa Giêsu muốn xác định đức tin của ông để giao trọng trách. Không chỉ vậy, Ngài còn đòi hỏi tình yêu chân thành của ông với ba lần hỏi ông có yêu mến Ngài hay không. (x. Ga 21, 15-19) Tin và Yêu là hai “luật buộc” để làm “cột trụ” trong đời sống tâm linh của mỗi Kitô hữu.
Thánh Mátthêu cho biết rằng, khi Chúa Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ Ngài đã biết hết. Ngài hỏi là muốn chúng ta tự xác định niềm tin của chính mình. Các ông thưa với Thầy Giêsu: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Ai cũng có cách nhận định theo khả năng riêng.
Cuối cùng, Chúa Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Cương trực và dứt khoát, ông Simon Phêrô thưa ngay: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Ngài nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Tất cả là hồng ân, theo Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Và Ngài trao quyền cho ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Khi ông Phêrô nhận chìa khóa Nước Trời thì cũng là lúc ông trở thành Giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội. Chúa Giêsu muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, Ngài không muốn chúng ta chia rẽ hoặc đau khổ.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết bỏ ý riêng để có thể đồng tâm nhất trí trong mọi sự, cùng dìu nhau về Thiên Quốc. Lạy hai thánh Phêrô và Phaolô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con suốt chuyến lữ hành trần gian,giúp chúng con định tín và kiên trung đến cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Trầm Thiên Thu