Zenit, Roma 13/5/2025 — Sự trỗi dậy toàn cầu của sự tò mò tâm linh: Đức tin Công giáo chứng kiến sự tăng vọt chưa từng có sau lễ Phục sinh cuối cùng của đức giáo hoàng Francisco.
Trong một thế giới kỹ thuật số, nơi sự tò mò thường được đo bằng số lượt nhấp chuột và các thanh tìm kiếm, một điều phi thường đã diễn ra trong những ngày xung quanh lễ Phục sinh năm nay. Số lượng tìm kiếm trực tuyến trên toàn cầu cho cụm từ “làm thế nào để trở thành người Công giáo” đã tăng vọt 373% từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 4, đánh dấu một hiện tượng tinh thần mà các nhà quan sát cho là được khơi nguồn từ những khoảnh khắc cuối cùng trước công chúng, và sự ra đi đột ngột, của đức giáo hoàng Francisco.
Tuy yếu ớt nhưng rạng rỡ ở tuổi 88, cố giáo hoàng đã có buổi xuất hiện trước công chúng cuối cùng vào ngày Chủ nhật Phục sinh, 20 tháng 4, ban phép lành cho biển người hành hương thành kính tập trung tại quảng trường thánh Peter. Chưa đầy 24 giờ sau, ngài đã ra đi.
Những gì xảy ra sau đó không chỉ là tang thương, mà còn là sự chuyển động. Vốn thường là tấm gương phản chiếu các xu hướng văn hóa, Internet bừng sáng với những câu hỏi không chỉ về việc kế vị giáo hoàng, mà còn về chính đức tin.
“Điều này không giống bất cứ điều khác chúng tôi từng theo dõi trước đây,” Magdalena Petrusic, nhà phân tích du lịch cấp cao tại Vatican Tickets & Tours, cơ quan đã tổng hợp dữ liệu Google Trends cho biết. “Chúng tôi đã quen với việc thấy sự tăng đột biến trong các yêu cầu về du lịch hoặc sự kiện khi một nhân vật tôn giáo lớn qua đời. Nhưng lần này thì khác. Mọi người không lên kế hoạch cho các chuyến đi — họ đang tìm kiếm sự cải đạo.”
Thời điểm của sự tăng vọt này rất có ý nghĩa. Theo Petrusic, nó bắt đầu gần như ngay sau khi giáo hoàng Francis xuất hiện vào Chủ nhật Phục sinh và tăng vọt đáng kể vào ngày ngài qua đời. “Cứ như thể thế giới dừng lại, quan sát, và sau đó đáp lại không phải bằng sự thờ ơ hoặc xao nhãng, mà bằng một khao khát hiểu điều gì đã lay động người đàn ông này,” bà nói.
Đức giáo hoàng Francisco được yêu mến rộng rãi vì sự khiêm nhường, lời kêu gọi công bằng sinh thái và sự nhấn mạnh vào lòng thương xót hơn là phán xét của ngài. Triều đại giáo hoàng của ngài, được đánh dấu bằng những cử chỉ đơn giản như tự trả tiền hóa đơn khách sạn hoặc rửa chân cho người tị nạn, đã gây được tiếng vang vượt ra ngoài những bức tường truyền thống của Giáo hội.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy một xu hướng sâu sắc hơn, một xu hướng đã âm thầm hình thành dưới bề mặt: sự thay đổi thế hệ trong sự gắn kết tôn giáo.
Một báo cáo gần đây từ hội Kinh thánh mang tên «Sự phục hưng thầm lặng» nhấn mạnh sự gia tăng đáng chú ý trong mối quan tâm đến Kito giáo — đặc biệt là trong giới Gen Z, gen Y, tuổi từ 18 đến 34. Mặc dù các hội thánh Anh giáo ở vương quốc Anh đã suy giảm trong những năm gần đây, nhưng sự tham gia của người Công giáo trong cùng nhóm tuổi này đã tăng lên đáng kể — từ 23% năm 2018 lên 41% năm 2024. Phong trào Ngũ tuần cũng đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng sự trỗi dậy của Công giáo nổi bật hơn cả về quy mô và chiều sâu.
Nhà xã hội học về tôn giáo tại Đại học Oxford tiến sĩ Alina Meredith cho biết: “Mọi người từng cho rằng thế hệ trẻ đang rời xa đức tin. Điều đó chỉ đúng một nửa. Những gì chúng ta đang thấy bây giờ không phải là sự từ chối niềm tin, mà là sự từ chối những nghi lễ trống rỗng. Những người trẻ đang hướng tới những biểu hiện của đức tin dựa trên mục đích, quan tâm đến người nghèo, bảo vệ môi trường và sự hòa nhập triệt để. Giáo hoàng Francisco đã làm gương cho điều đó.”
Trong một thế giới mà các tiêu đề ngày càng chóng vánh, Giáo hội Công giáo một lần nữa thu hút sự chú ý toàn cầu, không phải bằng scandal hay những cảnh tượng ồn ào, mà bằng một câu hỏi thầm lặng vang vọng trong hàng triệu tâm trí: Ý nghĩa của việc thuộc về một điều gì đó lớn hơn bản thân là gì?
Với nhiều người, câu trả lời bắt đầu không phải trong một nhà thờ lớn, mà là trong một công cụ tìm kiếm.
Ban Truyền thông GP Vinh dịch