Về ba linh mục Rú Đất ra đi những ngày cuối năm

GPVO (1/1/2023) – Chỉ trong vòng ba tháng cuối năm (2023), Rú Đất mất ba linh mục lớn tuổi: Cha Phêrô Nguyễn Sỹ Nho (sinh năm 1933, mất ngày 12/10), Cha Gioan Baotixita Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1933, mất ngày 21/12) và Cha Gioan Bosco Nguyễn Văn Đình (sinh năm 1937, mất ngày 29/12).

  • 1
  • 2
  • 3

Vẫn biết rằng Sinh- Lão-Bệnh-Tử phận người ai chẳng qua và hơn nữa “sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi …” nhưng sự ra đi nối tiếp nhau của các ngài trong vòng ba tháng để lại nhiều luyến tiếc, thương nhớ nơi con cái Rú Đất vì các ngài được coi là những vị cao niên, trưởng bối, bậc đáng kính và là những cây đại thụ của giáo xứ.

Sống trên dưới 90 năm, trong đó có đến gần 60 năm linh mục, các ngài cũng được coi là những chứng nhân lịch sử và đức tin vì cả ba đều sống, tu và mục vụ trong một giai đoạn mà đất nước và Giáo hội Việt Nam nói riêng nói có nhiều sóng gió, biến động.

Cha Nho và Cha Hoàng vào Trường Tập, Tiểu/Đại Chủng viện, được truyền chức linh mục và rồi phục vụ ở Giáo phận Vinh. Trong những năm 1940, khi hai người vào Trường Tập, cũng như nhiều thập niên sau khi cả hai vào Đại Chủng viện, được truyền chức linh mục (Cha Hoàng năm 1965, Cha Nho năm 1966) và sai đi quản xứ, cũng như nhiều giáo phận khác ở Miền Bắc, Giáo phận Vinh gặp muôn vàn khó khăn. Mọi sinh hoạt của Giáo phận, của các cha, của các thầy trong Giáo phận đều bị giới hạn, cản trở hay ngăn cấm. Dù vậy, hai cha vẫn kiên trì, trung thành với ơn gọi, sứ vụ linh mục của mình.

Được biết, Cha Đình vào Dòng Thánh Phanxicô (Dòng Anh Em Hèn Mọn hay Dòng Phan Sinh) tại Vinh – cộng đoàn Phan Sinh đầu tiên (được thành lập năm 1929/30) tại Việt Nam. Giai đoạn 1945-54, Dòng Phan Sinh cũng gặp nhiều khó khăn – phải lánh cư, tản cư, rồi di cư vào Nam sau năm 1954. Cha Đình theo Nhà Dòng vào Nam và sau đó được gửi đi tu học tại châu Âu. Ngài sang Phàp năm 1957. Ba năm sau đó vào Nhà Tập và khấn lần đầu năm 1961). Rồi ngài được gửi qua Đức và khấn trọn năm 1964 và truyền chức linh mục tại Đức năm 1967. Mấy năm sau đó ngài quay về Việt Nam và phục vụ tại nhiều nơi khác nhau ở Miền Nam.

Sống, tu và phục vụ vào một giai đoạn mà Giáo hội (ở Miền Bắc sau 1945 và ở Miền Nam sau 1975), bị xáo trộn, gặp nhiều khó khăn, giới hạn – như Chủng viện/Dòng tu bị đóng cửa hay giải tán – cùng với một số linh mục cùng thời khác, như Cha Đaminh Lãng, Cha Giuse Danh, Cha Phêrô Thiện, các ngài được coi là chỗ dựa tinh thần, chứng nhân đức tin cho giáo xứ và là gương sáng để nhiều thế hệ sau noi gương, tiếp nối.

Khi Đại Chủng viện Vinh-Thanh được mở lại năm 1988 (sau khi bị đóng cửa năm 1981), nhiều người trong giáo xứ thi vào Chủng viện. Những năm cuối 1980 và đầu 1990, khi Việt Nam mở cửa, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, Cha Bosco Đình cũng về thăm quê. Biết rõ hoàn cảnh của Giáo phận, giáo xứ lúc đó, ngài đã giúp đưa một số tu sinh, sinh viên, nữ tu vào Sài Gòn học. Cũng nhờ ngài, mà nhiều người trong giáo xứ lần lượt được đi tu, du học và sau này phục vụ tại nhiều nơi khác nhau trong và ngoài nước.

Đến đầu những năm 1990, số linh mục trong Giáo phận Vinh còn rất ít. Nhiều linh mục phải phụ trách hai, ba hay bốn giáo xứ. Dù vẫn rất may mắn so với nhiều giáo xứ khác, số linh mục người/gốc Rú Đất chỉ đếm đầu ngón tay. Giờ đây, có hơn 40 linh mục triều và dòng và trên dưới 100 tu sỹ phục vụ tại nhiều nơi khác nhau trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trước đây Rú Đất chỉ là một vùng trũng, làng quê nghèo và người dân sống chủ yếu bằng ruộng đồng, chăn nuôi, giờ nhiều con em trong giáo xứ có chỗ đứng và phục vụ ở những lĩnh vực khác nhau ngoài xã hội, như giáo dục, y tế, văn hoá, kinh doanh … Được như vậy là nhờ những linh mục như Cha Đình, Cha Nho, Cha Hoàng – những người luôn khuyến khích con em học hỏi, dấn thân.

Ngày cuối năm, nhớ đến các ngài và viết mấy dòng này. Xin Chúa trả công bội hậu cho các ngài và cho ngài được hưởng Nhan Thánh Chúa.

TS. Đoàn Xuân Lộc