Hồng y Christophe Pierre giải thích vì sao các giám mục Mỹ gặp khó khăn trong việc kết nối với Đức Phanxicô

Phanxico.vn (4/11/2023) – Hồng y Christophe Pierre đã là sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2016 và, theo yêu cầu của Đức Phanxicô, ngài sẽ tiếp tục giữ vai trò này trong tương lai gần, ngài trả lời với nhà báo Gerard O’Connell của America trong một phỏng vấn độc quyền tại Rôma vào đầu tháng 10.

Sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ mời gọi các bạn trẻ trở thành dấu chỉ sống  động về sự hiện diện của Thiên Chúa - Vatican News

Hồng y Pierre vừa được Đức Phanxicô phong hồng y trong công nghị 30 tháng 9, ngài cho Đức Phanxicô là “người có tầm nhìn, người cầu nguyện và là người được Chúa Thánh Thần chọn” để lãnh đạo Giáo hội vào thời điểm này của lịch sử.

Ngài nói về kinh nghiệm của ngài trong cương vị là sứ thần tại Hoa Kỳ. Ngài cho biết ngài “bị sốc” khi biết nhiều giám mục công giáo Mỹ đã không biết tính đồng nghị đã phát triển ở Nam Mỹ trong vài thập kỷ qua và vẫn đang cố gắng tìm hiểu nó là gì. Ngài nói: “Chúng ta không thể nói có những giám mục cánh tả, những giám mục cánh hữu. Đó là một phân tích sai lầm. Họ là những người tốt nhưng tất cả đều đang gặp khó khăn để tìm cách truyền giáo trong thời điểm mới này của lịch sử, để đối phó với sự suy thoái kinh tế do vụ các vụ bê bối lạm dụng gây ra.

Một đời sống phức tạp

Tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ tại nhà thờ Thánh Lu-i của Pháp ở Rôma ngày 2 tháng 10, tôi hỏi hồng y về cuộc đời và 46 năm phục vụ của ngài trong các cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh trên toàn thế giới.

Ngài nói: “Cuộc sống của tôi hơi phức tạp,” khi đề cập đến việc ngài đã ở 20 năm ở châu Phi và 20 năm ở Nam Mỹ, ngài nói: “Tôi lớn lên ở Madagascar vì khi tôi 3 tuổi, cha tôi đưa gia đình đến ở đó, cha tôi là luật sư và làm việc ở Madagascar. Chúng tôi ở đó khoảng 10 năm rồi về lại Pháp.”

Hồng y Pierre cho biết ngài “bị sốc” khi biết nhiều giám mục Mỹ không biết tính đồng nghị đã phát triển ở Nam Mỹ và vẫn đang cố gắng tìm hiểu nó là gì.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Giáo hoàng Học viện Giáo hội, nơi đào tạo các nhà ngoại giao Vatican, ngài bắt đầu phục vụ trong phái đoàn ngoại giao của Tòa thánh ở New Zealand, sau đó ở Mozambique, Zimbabwe, Cuba, Brazil – nơi ngài nói ngài đã học rất nhiều về thần học giải phóng – và ở Geneva, Thụy Sĩ, với tư cách là quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc. Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài làm sứ thần Tòa thánh tại Haiti năm 1995 và Uganda năm 1999.

Ngày 22 tháng 3 năm 2007, Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm sứ thần tại Mexico. Ngài đến Mexico đúng lúc Hội nghị lần thứ năm của CELAM (Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribe) tại Aparecida, Brazil kết thúc. Ngài được tổng giám mục Carlos Aguiar Retes, bây giờ là hồng y giáo phận Mexico và là một trong những chủ tịch-đại biểu của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị.

“Tôi vẫn nhớ khi đến phi trường, chúng tôi đã nói về Aparecida vì ngài  vừa mới từ đó về ngày hôm trước. Tôi quan tâm vì tôi am tường Nam Mỹ. Tôi đã ở đó vào thời điểm thần học giải phóng, và nhiều điều đã xảy ra kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989 cho đến khi tôi đến Mexico.”

Hồng y Pierre nói, hội nghị Aparecida là “một loại tiến trình đồng nghị của các giám mục Nam Mỹ. Đây là lục địa duy nhất thực hiện một tiến trình đồng nghị như vậy”. “Các giám mục đã phát triển một kiểu năng động làm việc cùng nhau và cùng nhau tìm kiếm giải pháp, để truyền giáo tốt hơn, đó chính là điều mà Thượng hội đồng về tính đồng nghị hướng tới. Không có gì khác: Truyền giáo tốt hơn. Và họ đã đồng hành cùng mọi người trong đau khổ, trong khó khăn và thử thách.”

Tại Aparecida, các giám mục đã quyết định viết một tài liệu để giải quyết “khó khăn trong việc truyền tải đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác” trong bối cảnh văn hóa mới. Đức Phanxicô, lúc đó là hồng y được bầu làm chủ tịch ủy ban soạn thảo với số phiếu 112 trên 130.

Hồng y Pierre nhớ lại: “Năm 2007 khi tôi đến Mexico, tôi đã đọc tài liệu của Aparecida. Sáu năm trước khi Đức Phanxicô được bầu chọn. Tôi đọc nó và nói, ‘Chúa ơi, cái này mới quá! Các giám mục cuối cùng đã phát triển một kế hoạch mục vụ, đó là kết quả cách tiếp cận đồng nghị của họ.”

Ngài nói: “Thành quả của Aparecida là cách tiếp cận mục vụ mới. “Tôi thấy nó có tác dụng ở Mexico. Nó thay đổi Giáo hội.”

Các giám mục Hoa Kỳ và Aparecida

Chín năm sau, năm 2016, hồng y đến Mỹ. Ngài nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều giám mục không biết chuyện gì đã xảy ra ở Aparecida. Họ không biết rằng ‘tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium’, tài liệu đầu tiên của Đức Phanxicô bắt nguồn từ Aparecida.”

Ngài nhận xét: “Họ đã không nhìn thấy những gì đã xảy ra trong chính họ ở lục địa Nam Mỹ. Điều này rất nghiêm trọng vì những gì đã xảy ra không hề tầm thường. Đó là khởi đầu của những gì chúng ta đang sống ngày nay. Họ không biết giáo hoàng là một trong những giám mục ở Aparecida, hay toàn thể giáo hội Nam Mỹ đã thực hiện một nỗ lực to lớn về tính đồng nghị.”

Ngài nói: “Tại Aparecida, các giám mục cho biết Giáo hội và xã hội đã thay đổi, và việc truyền tải đức tin không thực hiện qua văn hóa như trong quá khứ, vì vậy chúng ta phải cung cấp những cơ hội và cách thức mới để mọi người có được cuộc gặp cá nhân với Chúa Kitô, qua một Giáo hội phù hợp với xã hội mới, một cách sống công giáo mới. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại cách tiếp cận mục vụ, một điều rất khó thực hiện vì mọi người, tất cả chúng ta đều có quan điểm, cách thức rao giảng và tổ chức theo cách của mình”.

‘Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều giám mục không biết chuyện gì đã xảy ra ở Aparecida.’

Ngài nói: “Điều này đặc biệt đúng ở Hoa Kỳ, nơi chúng ta có một giáo hội rất có tổ chức, đã hoạt động tốt đẹp trong nhiều năm. Hơn 200 năm, chúng ta đã xây dựng các trường học, bệnh viện, giáo xứ và nhà thờ tuyệt vời. Nhưng hầu như không còn ai đến nhà thờ nữa… nên Đức Phanxicô nói: ‘Hãy đi ra khỏi nhà thờ.’ Nhưng chúng tôi vẫn ở trong nhà thờ. Vì sao?”

Đức Phanxicô nói: “Tôi muốn có một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội của người nghèo cho người nghèo.” Nhưng năm 2016 khi hồng y Pierre đến Hoa Kỳ với tư cách là sứ thần, ngài đã “sốc” khi nghe một số người trong Giáo hội cười nhạo điều đó và bác bỏ “ý tưởng của Bergoglio.” Ngài nhấn mạnh: “Thực tế là đằng sau tầm nhìn của giáo hoàng có Aparecida. Bergoglio không phải là người phát minh ra cách tiếp cận đó. Chúa Thánh Thần đã truyền cảm hứng cho cách tiếp cận mang tính đồng nghị này tại Aparecida.”

Hồng y nói: “Sáu năm sau, Bergoglio được bầu làm giáo hoàng nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là xác tín của tôi. Và tân giáo hoàng đã theo bước Aparecida.”

Cha có thấy sự thay đổi trong giáo hội Hoa Kỳ không?

Tôi hỏi hồng y ngài có thấy sự thay đổi nào đáng kể nào trong Giáo hội Hoa Kỳ kể từ khi ngài đến vào năm 2016 hay không.

Ngài trả lời: “Tôi không chắc. Tôi thấy xã hội có thay đổi đáng kể. Hiện tượng được Aparecida phân tích là có thật với Giáo hội ở Hoa Kỳ theo nghĩa khó khăn trong việc truyền tải đức tin. Dù mọi người đã ý thức được điều này, nhưng tôi không chắc ý thức này có mạnh hay không.”

Ngài nhắc lại, Đức Phanxicô gọi đây là một thách thức lớn cho Giáo hội ngày nay: “Chúng ta phải đáp ứng nó. Chúng ta không thể đi ngủ và cứ nói rằng chúng ta đã có các cấu trúc, bởi vì câu hỏi được đặt ra là: Chúng có hoạt động không?”

Hồng y so sánh giai đoạn truyền giáo trước đó ở Hoa Kỳ với thách thức mà Giáo hội phải đối diện trong thế kỷ 21:

Truyền giáo là khởi đầu cho câu chuyện về Giáo hội ở Mỹ. Người công giáo bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhưng họ đã nỗ lực đấu tranh để đạt được giấc mơ Mỹ và đề cao đức tin của mình. Chẳng hạn, những người nhập cư Ai-len đã đến đây cùng với các giáo sư, nữ tu, linh mục và đã khơi dậy các ơn gọi. Họ đã đầu tư phi thường vào lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, v.v., với đội ngũ nữ tu không giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Việc truyền tải đức tin ở Hoa Kỳ được thực hiện qua sự gắn kết giữa tổ chức Giáo hội và xã hội…. Nhưng các nữ tu đã biến mất. Nước Mỹ đã từng có ơn gọi và chủng viện ở 200 nơi, nhưng ngày nay các chủng viện trống rỗng. Vì vậy, ngày nay Giáo hội phải đối diện với những câu hỏi và thách thức mới, và một trong số đó đến từ làn sóng di cư của những người gốc Tây Ban Nha.

Di cư Tây Ban Nha, một thách thức cho việc truyền giáo

Hồng y  cho biết, ngày nay người nhập cư gốc Tây Ban Nha đến Hoa Kỳ là người công giáo. Tuy nhiên, “không giống như người nhập cư Ai-len thời trước, người công giáo Tây Ban Nha không đến với các linh mục của họ. Họ đến như những người nghèo. Họ gõ cửa và bị từ chối vì nước Mỹ ngày nay không phải là nước Mỹ tiếp nhận người di dân, vì nước Mỹ đang trong khủng hoảng. Một khủng hoảng bản sắc: Chúng ta là ai? Phải chăng chúng ta vẫn là đất nước của người nhập cư có thể mang lại cho họ niềm hy vọng đạt được giấc mơ Mỹ?”

Ngài nói: “Giáo hội Mỹ đang phải đối diện với vấn đề truyền giáo cho người di cư gốc Tây Ban Nha. Rất nhiều việc đang được thực hiện. Giáo hội có thánh lễ cho họ, nhưng sau đó thì sao? Chúng ta với tư cách là Giáo hội có giúp họ thực hiện một quá trình chuyển đổi từ công giáo ở Mexico sang công giáo ở Hoa Kỳ không?”

Hồng y Pierre nói: “Tôi đã sống 20 năm ở Nam Mỹ và tôi thấy cách trở thành người công giáo của người Mexico hoàn toàn khác với cách trở thành người công giáo của người Ai-len ở New York. Cảm giác thật khác biệt.” Hồng y xem vấn đề truyền giáo là vấn đề sâu đậm hơn nhiều so với việc chỉ cử hành thánh lễ, và cho biết ngài hoan nghênh nỗ lực được thực hiện bởi Encuentro, một quá trình tham vấn và xây dựng cộng đồng kéo dài nhiều năm do Giáo hội Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ dẫn đầu.

Các giám mục Hoa Kỳ và Đức Phanxicô

Khi tôi hỏi làm thế nào cha thấy có sự ngắt kết nối rõ ràng giữa nhiều giám mục Hoa Kỳ và Đức Phanxicô, ngài nhận xét: “Đây là điều chúng ta phải đào sâu hơn một chút để hiểu. Tuy nhiên, tôi sẽ không tập trung quá nhiều vào Đức Phanxicô vì ngài hiện bị một số người xem là kẻ có tội lớn. Có một số linh mục, tu sĩ và giám mục cực kỳ chống lại Đức Phanxicô như thể ngài là vật tế thần cho tất cả những thất bại của Giáo hội hoặc của xã hội.”

Hồng y Pierre nói: “Chúng ta đang ở trong Giáo hội của một thời đại thay đổi. Mọi người không hiểu nó. Và đây có thể là lý do vì sao hầu hết các linh mục trẻ ngày nay đều mơ mặc áo chùng và cử hành thánh lễ theo truyền thống trước Công đồng Vatican II. Theo một cách nào đó, họ lạc lối trong một xã hội không an toàn, và tất cả chúng ta khi cảm thấy lạc lõng đều tìm kiếm một nơi an toàn nào đó. Nhưng loại an toàn nào?”

Hồng y nhắc lại Đức Phanxicô đã tuyên bố, “sự an toàn của tôi là Chúa Giêsu. Không phải Giáo hội sẽ bảo vệ tôi. Đó không phải là thói quen.”

“Chúng ta đang ở trong Giáo hội của một thời đại thay đổi. Mọi người không hiểu nó. Và đây có thể là lý do vì sao hầu hết các linh mục trẻ ngày nay đều mơ mặc áo chùng” 

Với những người công giáo chú tâm vào phụng vụ cũ, ngài nói: “Họ nói giáo dân thích, người trẻ thích. Vậy tại sao không?. Tuy nhiên phụng vụ có phải chỉ là điều chúng ta thích không? Đó có phải là nơi trú ẩn không? Giáo hội có phải là nơi ẩn náu không? Nếu chúng ta xem Giáo hội là nơi ẩn náu, thì chúng ta sẽ tự cô lập.” Ngài nhấn mạnh: “Giáo hội là truyền giáo. Đó không phải là nơi dành riêng cho những người cảm thấy thoải mái khi ở bên nhau.”

Trong bối cảnh của một giáo hội truyền giáo, hồng y nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính đồng nghị trong việc đổi mới Giáo hội Hoa Kỳ vào thời điểm lịch sử: “Tính đồng nghị không phải là để thay đổi học thuyết. Đó là một phương pháp. Vấn đề là các nhà báo, ngay cả ở Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục nói về các học thuyết khác nhau, họ chỉ nói về đồng tính và hôn nhân của các linh mục, vì thế duy trì mơ hồ. Nhưng đây không phải là điều chúng ta muốn nói. Tôi đã nói điều này suốt bảy năm với các giám mục. Họ khó tin, ngay cả bây giờ có người còn nói Thượng hội đồng là chiếc hộp Pandora chứa bí mật”.

Hồng y Pierre nói: “Dĩ nhiên có một số người có quan niệm sai lầm về tính đồng nghị, nhưng giáo hoàng thì không”.

Khi được hỏi ngài có thấy có những dấu hiệu hy vọng trong giáo hội Hoa Kỳ ngày nay không, hồng y nói: “Tôi nghĩ chúng ta không thể phân biệt được điều tốt và điều xấu. Tôi nghĩ Giáo hội cũng vậy. Chúng ta không thể nói có giám mục cánh tả, giám mục cánh hữu. Đó là một phân tích sai lầm. Tôi nói điều này vì tôi biết các giám mục. Tất cả họ đều đang đấu tranh. Họ đấu tranh trong góc riêng của họ. Họ đều là những người tốt. Mong muốn của họ là truyền giáo. Một số cảm thấy phải làm cách này, một số cảm thấy phải làm cách khác. Họ bị choáng ngợp bởi những vấn đề lớn. Họ gặp vấn đề lạm dụng, và bây giờ các luật sư đang rút tiền từ các giáo phận của họ. Nhiều tòa giám mục phá sản. Vì thế họ đang gặp khó khăn. Điều này không dễ dàng với họ.”

Ngài nói: “Mặt khác, tôi nghĩ tất cả họ, theo một cách nào đó, đều cảm thấy họ phải truyền giáo, nhưng không phải lúc nào họ cũng tìm ra cách để làm điều đó. Và thường thì xung quanh họ là những người chỉ nói: ‘phải làm cái này, phải làm cái kia.’” Hồng y Pierre nghĩ, “họ cần phải tạm dừng lại và cùng nhau suy ngẫm. Đừng chỉ có các cuộc họp về quản trị. Hãy lắng nghe nhau. Hãy nhìn vào thực tế. Cùng nhau cầu nguyện, phân định và quyết định.”

Tiếp tục làm sứ thần

Hồng y Pierre hiện nay 77 tuổi, khi tôi hỏi, liệu ngài có giữ chức sứ thần lâu như ngài đã làm ở Mexico 9 năm không, ngài trả lời: “Tôi không biết. Giáo hoàng xin tôi tiếp tục. Tôi không còn trẻ, tôi đã già lắm rồi, nhưng ngài xin tôi tiếp tục. Ngài không đặt ra giới hạn thời gian. Vì thế tôi vâng lời. Tôi rất vâng lời giáo hoàng. Trọn đời tôi vâng lời các giáo hoàng.”

Hồng y Christophe Pierre đã gặp Đức Phanxicô nhiều lần trong những năm vừa qua, tôi hỏi ngài ấn tượng sâu sắc nhất mà ngài có được từ những cuộc gặp gỡ này là gì? Câu trả lời của ngài: “Đức Phanxicô là người có tầm nhìn. Tôi ngưỡng mộ tầm nhìn của ngài. Và ngài là người của cầu nguyện. Ngài có một sự thanh thản sâu sắc. Ngài là người mà Chúa Thánh Thần muốn lúc này. Ngài là giáo hoàng mà Chúa Thánh Thần mong muốn lúc này. Tôi tin chắc điều đó. Tôi đã phục vụ bốn giáo hoàng, vì thế tôi không hâm mộ chỉ một giáo hoàng. Tất cả các giáo hoàng tôi đã phục vụ, tôi đã phục vụ tận tình như tôi đã phục vụ Đức Phanxicô.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Gerard O’Connell là ký giả báo America và là tác giả quyển Bầu chọn Đức Phanxicô: câu chuyện bên trong về Mật nghị đã thay đổi lịch sử (The Election of Pope Francis: An Inside Story of the Conclave That Changed History). Ông là nhà Vatican học từ năm 1985.