Sáng ngày 03/12/2019, Đức Thánh Cha gửi một sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người khuyết tật.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: Trong Ngày Thế giới Người khuyết tật, chúng ta đổi mới cái nhìn đức tin để nhìn thấy nơi mỗi anh chị em sự hiện diện của chính Chúa Kitô, Đấng đã làm nơi mình mọi cử chỉ yêu thương dành cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất. (x. Mt 25,40).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến quyền tham gia của người khuyết tật vào trong đời sống xã hội. Quyền này có một vai trò trọng yếu để chống phân biệt đối xử và thúc đẩy văn hóa gặp gỡ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dù đã có những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực y tế và phúc lợi dành cho người khuyết tật, nhưng ngày nay với sự phát triển của văn hoá loại bỏ, nhiều người khuyết tật cảm thấy họ không thuộc về và cũng không tham gia vào cuộc sống. Tất cả những điều này kêu gọi chúng ta không chỉ bảo vệ quyền của người khuyết tật và gia đình của họ mà còn thúc giục chúng ta làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn, bằng cách loại bỏ tất cả những gì ngăn cản họ trở thành công dân đầy đủ và thúc đẩy khả năng tiếp cận các nơi chốn và những khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Và đừng quên “nhiều người lưu vong ẩn giấu” sống trong nhà, gia đình và xã hội chúng ta (x. Angelus, 29/12/2013; Diễn văn với Ngoại giao đoàn, 12/01/2015). Đức Thánh Cha đề cập cụ thể: “Tôi nghĩ đến những người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già, và cả những người khuyết tật, đôi khi họ bị xem như một gánh nặng, như ‘sự hiện diện cồng kềnh’, và có nguy cơ bị loại bỏ, khiến họ thấy mình bị từ chối khỏi triển vọng công việc cụ thể để tham gia xây dựng tương lai của chính mình.”
Chúng ta được mời gọi nhận ra ở mỗi người khuyết tật, ngay cả với khuyết tật phức tạp và nghiêm trọng, một đóng góp độc đáo cho lợi ích chung ngang qua tiểu sử nhân thân của họ. Nhận ra phẩm giá của mỗi người khi biết rằng điều đó không phụ thuộc vào chức năng các giác quan (x. Bài nói chuyện với các tham dự viên Hội nghị của HĐGM Ý về khuyết tật). Tin Mừng dạy chúng ta sự hoán cải này.
Cần phải can đảm lên tiếng trước những phân biệt đối xử vì tình trạng khuyết tật. Thật không may tại một số quốc gia, ngay cả ngày nay, vẫn khó nhận ra họ là những người có phẩm giá ngang nhau, như anh chị em trong gia đình nhân loại.
Trong những năm gần đây, các tiến trình cải thiện đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đủ, bởi các định kiến tạo ra không chỉ những rào cản vật lý, mà còn những giới hạn trong việc tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người, việc làm và sự tham gia. Một người khuyết tật, để xây dựng mình, không chỉ cần tồn tại mà còn cần thuộc về một cộng đồng. (CSR_7284_2019)
Văn Yên, SJ