Quý thầy khóa 14 tham dự kỳ thường huấn năm thực hành mục vụ

GPVO (3/8/2022) – Sau giai đoạn đào tạo căn bản tại Chủng viện, người chủng sinh coi như đã tạm đủ hành trang cần thiết để được sai đi. Thế nhưng, việc đào tạo không phải đã chấm dứt. Một giai đoạn đào tạo mới bắt đầu, được gọi là “đào tạo sau Chủng viện”. Các kỳ thường huấn năm mục vụ là cơ hội “để tạo dễ dàng cho việc chuyển đổi từ đời sống chủng sinh sang việc thực hành thừa tác vụ thánh theo từng giai đoạn giúp linh mục trưởng thành nhân bản và đặc biệt trưởng thành linh mục, sự trưởng thành đó phải tuần tự và hài hòa”.

Chính vì thế, trong hai ngày 2-3/8/2022, quý thầy thuộc khóa 14 của Giáo phận Vinh đã tham dự kỳ thường huấn năm thực hành mục vụ tổ chức tại Tiền Chủng viện Xã Đoài. Có 21 thầy tham dự kỳ thường huấn. Chủ đề kỳ thường huấn lần này (Quý 1) là “Đức vâng phục”. Các vị giảng phòng là cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Đại Chủng viện, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, quản hạt Xã Đoài, Đại diện Tư pháp. Ngoài ra, trong dịp này, quý thầy còn nhận được sự đồng hành của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Phó Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài là linh mục đặc trách và cha Phêrô Nguyễn Văn Quang, Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục linh hướng và giải tội.

Ngày thứ nhất, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu đã cùng với quý thầy suy gẫm những mẫu gương vâng phục trong Kinh Thánh. Khi suy gẫm các mẫu gương, người thánh hiến có cơ hội nhìn lại đức vâng phục của mình. Có đôi lúc cần vâng phục như Abraham hay như Môsê, thánh cả Giuse nhưng cũng có lúc nói lời xin vâng như Mẹ Maria và trong đời thánh hiến sẽ có những lúc vâng phục như Đức Giêsu. Không một hình thức vâng phục nào đem lại sự dễ chịu, nó luôn canh cánh bên lòng những nỗi lo lắng, ưu tư và phiền muộn. Thế nhưng, đó là điều người thánh hiến đã chọn cách tự nguyện để theo sát Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài cũng đã “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8) thì những môn sinh của Thầy cũng phải kinh qua con đường ấy.

Trong giờ huấn đức vào buổi tối, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã hiện diện và chia sẻ với quý thầy tham dự. Đức cha nhắn nhủ về tầm quan trọng của việc đào tạo sau Đại Chủng viện chẳng những là một điều kiện cần thiết nhưng còn là phương thế tất yếu khơi thắm lại cảm thức truyền giáo. Sau cùng, Đức cha nhấn mạnh đến đức vâng phục trong thừa tác. Vâng phục là thái độ sẵn sàng lắng nghe và thực hành thánh ý Thiên Chúa dù thuận lợi hay khó khăn. Thánh ý Chúa có thể được thể hiện cách trực tiếp qua những tình huống của cuộc sống hay qua trung gian những vị hữu trách. Sau giờ huấn đức, quý thầy đã cùng nhau tham dự giờ chầu Thánh Thể.

Ngày thứ hai của khóa thường huấn, quý thầy được lắng nghe bài chia sẻ tĩnh tâm của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh với chủ đề: “Đức vâng phục”. Ngài cho thấy những khó khăn, thách đố trong việc sống đức vâng phục và đưa ra mẫu gương tuyệt hảo là Đức Giêsu. Mỗi người theo Chúa được mời gọi sống vâng phục bằng cách biết lắng nghe: lắng nghe bằng đôi tai và cả con tim chân thành, luôn xác tín rằng theo Chúa trong đời sống thánh hiến không phải để tìm kiếm sự an nhàn, thoải mái hay được tự do sống theo ý riêng mình nhưng là để nên giống Chúa.

Kết thúc bài chia sẻ, cha Giám đốc Đại Chủng viện đưa ra năm điểm để quý thầy cùng suy tư trong hành trình sống và mục vụ: Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết, tôi sẽ vâng lời như thế nào; Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết, tôi đã vâng lời đến mức độ nào; Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết, tôi đã vâng lời trong những sự gì và đã thiếu vâng lời trong những sự gì; Chúa Giêsu đã phải trải qua những đau khổ để học đức vâng lời, tôi đã học đức vâng lời chưa; nhờ vâng phục Đức Giêsu đã trở nên nguồn cứu độ cho tất cả mọi người, tôi có xác tín rằng sự vâng phục của tôi có giá trị cho mình và cho người khác, cho hạnh phúc đời này và đời sau không?

Khép lại buổi sáng của ngày thứ hai là thánh lễ do Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long cử hành. Giảng trong thánh lễ, Đức cha đã quảng diễn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Người không bao giờ vắng mặt: Người luôn tìm đến mỗi người qua những con người mà Người soi sáng, qua Lời của Người, trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Người đã yêu chúng ta trước. Tình yêu đó không chỉ dừng lại nơi khuôn mặt của Đức Kitô nhưng còn được đồng hóa với những người khốn cùng: những người đói, những người khát, người xa lạ, người trần truồng, người bệnh và cả những người đang ở trong ngục tù.

Đức Giám mục Giáo phận cũng mời gọi quý thầy hãy ý thức và cố gắng sống cho xứng với sự cao quý của thiên chức và sứ vụ thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Mọi suy nghĩ, cử chỉ của người dâng hiến phải liên tục làm sáng lên họa ảnh của Chúa Giêsu, bí tích của lòng thương xót cứu độ.

Khi đoan hứa sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như đã “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Chiến thắng để từ bỏ chính mình là sự chiến thắng và từ bỏ sâu xa nhất. Tin tưởng rằng, với ơn Chúa cùng những trợ lực và cố gắng từ bản thân, quý thầy sẽ luôn biết soi đời mình nơi Đức Kitô để biết tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, vâng phục trong yêu thương và trách nhiệm hầu có thể ngày một trưởng thành và triển nở hơn trong ơn gọi của mình.

Tâm Quảng