Tài liệu Tập Huấn Ban Công Lý và Hòa Bình Giáo phận Vinh tháng 8/2017
05.09.2017
Nhận thấy được những tác động tích cực và cụ thể trong đời sống xã hội, đó là tạo cho người dân có được ý thức và trách nhiệm đấu tranh trước bất công và bạo lực, do các đợt tập huấn của Ban Công lý & Hòa bình Giáo phận tổ chức trong dịp tháng 8 vừa qua mang lại, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ tập TÀI LIỆU TẬP HUẤN BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH GIÁO PHẬN VINH Tháng 8/2017 như những hướng dẫn cụ thể để mọi người tham khảo.
Download TÀI LIỆU TẬP HUẤN
Hiện trạng xã hội Việt Nam về
lĩnh vực công lý và hoà bình giống như một bức tranh có nhiều điểm sáng tối,
nói lên cả những bất công và bất hoà trong chính lòng người Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử đất nước khoảng
60-70 năm gần đây, dân tộc Việt Nam chịu nhiều sự bất ổn do 2 cuộc chiến tranh,
do sự phân hoá về ý thức hệ, do sự đấu tranh gay gắt cho cuộc sinh tồn. Lòng
người Việt Nam không được ổn định và an bình.
Người Việt Nam chịu nhiều nỗi bất
công trong 11 thế kỷ nô thuộc Trung Hoa và Pháp, trong 10 thế kỷ sống dưới chế
độ quân chủ chuyên chế độc tài (938-1945) nên đã hình thành thái độ sống khép
kín, giả dối, cầu tài, cầu lợi, cầu an. Sau khi đất nước thống nhất thái độ sống
ấy vẫn tồn tại gây nên nhiều bất công và bất ổn cho xã hội. Nghiên cứu về cấu
trúc tâm lý xã hội người Việt Nam người ta sẽ thấy rõ bản sắc văn hoá người Việt
với nhiều đức tính cần phát triển và tật xấu cần điều chỉnh.
Do tác động của đời sống hưởng
thụ ích kỷ, của nền văn hoá thực dụng, của nền giáo dục còn nhiều bất cập mà
nhiều người trẻ đã bị tha hoá, buông theo tham vọng và dục vọng. Những con số
sau đây như chứng tỏ hiện trạng xã hội đó: 2 triệu ca phá thai hàng năm, 5 triệu
“game thủ” chơi trò chơi trực tuyến mỗi ngày, 5 triệu người xem phim ảnh đồi
truỵ hàng đêm trong số hơn 24 triệu người sử dụng internet. Họ đã bất công và bất
an đối với chính sự sống của mình và của người khác, chưa kể hàng triệu người
nghiện rượu và thuốc lá.
Sự bất công và bất ổn trong đời
sống kinh tế còn trầm trọng hơn nữa. Dù tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Việt
Nam là 7,2% trong 10 năm qua nhưng phần lớn nguồn lợi kinh tế lại lọt vào tay một
thiểu số người làm giàu bất chính hoặc quản lý kém cỏi. Ngày 30-3-2011, Thủ Tướng
ra quyết định chi khoảng 2.000 tỷ đồng để trợ cấp đột xuất hàng tháng cho khoảng
21 triệu người có thu nhập thấp. Số hộ nghèo trong cả nước là 3,3 triệu hộ. Sự
bất công diễn tả dưới nhiều hình thức như sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng độc
hại bán ra thị trường, bóc lột sức lao động vì đồng lương không đủ bù đắp cho sức
lực bỏ ra. Nhiều trẻ em phải lao động mà không được học hành, nhiều phụ nữ bị
xâm hại tình dục, nhiều thiếu nữ bị chà đạp nhân phẩm khi phải làm những việc tủi
nhục để nuôi sống gia đình. Việt Nam còn khoảng 4 triệu người trên 15 tuổi
không được đi học.
Sự bất công và bất an còn biểu
lộ trong lĩnh vực giao thông khi người ta không biết nhường nhau tại những giao
lộ, không giữ luật giao thông gây nên những tai nạn thảm khốc. Năm 2010 có
14.442 tai nạn làm 11.449 người chết và 10.633 người bị thương. Trong lĩnh vực
pháp lý còn nhiều oan sai với hơn 500.000 đơn khiếu nại trong năm 2009.
Sự tàn phá môi trường sống ở Việt
Nam thật khủng khiếp gây nên sự bất công đối với thiên nhiên và bất an đối với
con người. Người dân xả rác ở khắp nơi, làm ô nhiễm môi trường đất với những
thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hoá học bón quá nhiều. Nhiều xí nghiệp làm ô
nhiễm môi trường nước do không xử lý chất thải và đổ thẳng xuống sông, xuống biển.
Môi trường không khí bị ô nhiễm do hàng triệu xe máy nhập ồ ạt, xả khói đen bẩn
mỗi ngày. Chưa kể những hành động làm ô nhiễm môi trường sống do tiếng ồn với
những kiểu bóp còi vô tội vạ, mở nhạc inh ỏi về đêm, do sóng điện từ đủ loại của
các công ty, xí nghiệp thuộc ngành truyền thông, truyền hình mà nhiều chương
trình chỉ cóp nhặt, trình chiếu những phim ảnh nước ngoài thiếu tính cách giáo
dục, làm nguy hại tâm hồn thanh thiếu niên.
Như thế, việc cổ vũ và xây dựng
công lý và hoà bình phải là phần đóng góp tích cực của mỗi người tín hữu và từng
người dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (Trích trong Bài I tập Tài Liệu).
Đó là cách mỗi người kitô hữu làm “bừng sáng lên” tư cách người “kitô hữu đúng nghĩa và là những công dân có
trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc” như Thư gửi Sinh viên, Học sinh đầu năm học 2017 – 2018 của Đức cha
Phaolô đã nhấn mạnh.
Nhận thấy được những tác động
tích cực và cụ thể trong quảng đại quần chúng nhân dân, đó là tạo được ý thức
và trách nhiệm đấu tranh trước bất công và bạo lực, do các đợt tập huấn của Ban
Công lý & Hòa bình Giáo phận tổ chức trong dịp tháng 8 vừa qua mang lại,
chúng tôi xin đăng tải toàn bộ tập TÀI
LIỆU TẬP HUẤN gồm 5 bài của BAN CÔNG LÝ & HÒA BÌNH GIÁO PHẬN VINH như những
hướng dẫn cụ thể để mọi người tham khảo. ***
BÀI I: GIỚI THIỆU ỦY BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
BÀI II: KHÁI QUÁT CHUNG: NHÂN VỊ NHÂN PHẨM –
NHÂN QUYỀN
BÀI III: TÌNH TRẠNG LẠM THU TRONG CÁC CƠ SỞ
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO CÔNG LẬP
BÀI IV: VẤN ĐỀ LẠM THU THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ TẠI
NÔNG THÔN
BÀI V: VẤN ĐỀ PHẠT SINH CON THỨ BA TRỞ LÊN VÀ
CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN KHÁC
Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh
|