Tìm hiểu dung mạo Chúa Giêsu

Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã sống trên quả đất này. Chúa là người của lịch sử. Đó là một sự thực mà chỉ có những người hoặc cố tình phủ nhận, hay xuyên tạc lịch sử mới dám nói “Chúa Giêsu chỉ là một huyền thoại”.

Nhưng bao lâu thế giới này còn, Chúa Giêsu luôn là đề tài làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, sách vở, là một cái “tiêu đề” ăn khách của phim ảnh. Như mới đây, báo chí, sách vở Âu Châu đặt ra câu hỏi là có mấy bà Ma-đa-lê-na trong Phúc âm: “một hay ba?”.

Ba bà, đó là:

– Người phụ nữ tội lỗi vô danh rập mình xuống dưới chân Chúa trong bữa tiệc do ông Si-môn, thuộc nhóm biệt phái tổ chức ở Ga-li-lê.

– Người phụ nữ thứ hai là người chị của bà Mac-ta và ông La-za-rô. Họ là bạn của Chúa và tiếp Chúa ngay trong nhà riêng của họ ở Bê-ta-ni, một làng trong vùng Giu-đê, rất gần phía đông Giêrusalem.

– Người thứ ba đó là bà Ma-ri Mac-đa-la, người đã đứng dưới chân Thánh giá lúc Chúa chết, và là người có mặt sáng ngày Chúa sống lại.

Các câu trả lời thường không giống nhau. Giáo Hội Chính thống cho rằng ba người này là ba người khác nhau. Giáo hội La-tinh trái lại cho ba bà ấy chỉ là một người nhưng đây không phải là một tín điều.

Trong lúc cái chuyện “một hay ba”, “ba hay một” còn là đề tài của nhiều giới, nhiều nơi, nhất là trong mùa Phục sinh, thì từ đề tài đó nảy ra một đề tài khác “liều lĩnh” hơn. Đó là câu hỏi: “Chúa Giêsu lúc còn sống có người yêu không? và có phải bà Ma-ri Mac-đa-la là người yêu của Chúa không?”.

Câu hỏi này đối với giới trẻ hôm nay là một câu hỏi hiển nhiên, thiết tưởng nên đưa ra được câu trả lời cho vấn đề “mới mà cũ, cũ mà mới” này.

Nhưng có một vấn đề mà cứ đến mùa Thương khó, Phục sinh, nhiều người đề cập đến đó là: Ngoại hình Chúa như thế nào? Các tượng ảnh thờ có đúng diện mạo Chúa hay không? Chúa Giêsu đẹp hay xấu?

DUNG MẠO CHÚA GIÊSU

Các nhân vật lịch sử càng xưa càng khó phác họa ra được. Lúc Chúa sống không có ai vẽ hình ảnh Chúa, vì thế, Chúa đẹp hay xấu? cao lớn hay bình thường? đôi mắt xem có nhân từ hay không? buồn hay vui? khuôn mặt ra sao?… không khỏi làm đau đầu các họa sĩ. Giáo Hội đã để cho con cái mình tự do, mỗi người có thể tưởng tượng Chúa hay các sinh hoạt của Ngài theo mức độ của lòng tin, theo sự khám phá của từng người, từng trường hợp.

Trước hết, dựa theo Phúc âm, chúng ta thấy có hai cái nhìn về Chúa.

1. Cái nhìn thứ nhất: Chúa là một người bình thường. Chúa chỉ là một người Na-za-rét  thuộc giới hạ lưu, không có gì đáng kính sợ. Khi Ngài về thăm quê ở Na-za-rét, thân thuộc và làng xóm xem thường Ngài, họ thì thầm với nhau “anh ta là con một ông thợ mộc” (thợ mộc thuộc một đẳng cấp xã hội thấp chứ không phải như các kinh sư, luật sĩ). Sau khi nghe Ngài giảng ở Hội đường (thời Chúa Giêsu trong các làng xóm của Palestine chỗ nào cũng có Hội đường, riêng ở Giêrusalem có 5000 Hội đường), một số người không tin và tìm cách hại Ngài. Họ lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi cao – họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực nhưng Ngài đã thoát được. (Lc 4,20-22)

Chúa là người bình thường vì chính Chúa muốn tỏ ra tác phong của người bình dân, của quần chúng chứ Chúa không tỏ ra người có uy lực để làm cho kẻ thù phải ngần ngại. Vì thế, khi bị các kỳ mục nhạo báng, bị người đầy tớ gái của tòa Thượng phẩm tát vào mặt trước mặt bọn tùy tùng phục vụ mà Ngài không nói gì. Dung mạo Chúa, cách ăn mặc của Chúa không có gì khác lạ so với người khác vì Ngài sống hòa đồng với quần chúng, với các môn đệ. Ngài ăn, ngủ cùng các môn đệ, như các môn đệ. Trong đám đông nếu không được chỉ điểm thì khó nhận ra Chúa nên nhờ đó Ngài đã nhiều lần thoát được. Cũng vì thế,  khi binh lính đi bắt Chúa, Judas không dặn họ bắt Chúa là bắt lấy người có vóc dáng to lớn, tác phong uy nghi, đôi mắt sắc sảo, tỏa ánh hào quang hay ăn mặc ra sao… Nhưng phải bắt một người mà chính Giu-đa sẽ hôn vì mặc dù đèn đuốc sáng rực, Giu-đa vẫn sợ họ bắt lầm, có thể không phân biệt được Chúa và 11 môn đệ đứng quây quần xung quanh Ngài.

Vì sao Chúa lại bị bắt?

Người ta thường tự hỏi: Tại sao Chúa là người nhân từ, sống hòa đồng, bình dân, làm phúc cho kẻ câm được nói, cho người mù được sáng mà khi xưng mình là Đấng Cứu Thế lại bị dân Người xem thường và còn bị hắt hủi, bị người ta tìm cách giết chết?

Quả thế, trong cuộc đời hoạt động của Chúa, người ta ghét Ngài vì Ngài xưng mình là Đấng Cứu Thế, mà Đấng Cứu Thế theo sự trình bày của Chúa khác với quan niệm của người Do Thái. Người Do Thái lúc đó tin rằng Đấng cứu thế phải là một người lỗi lạc với khuôn mặt siêu quần bạt chúng. họ tin rằng Chúa cứu thế phải là người ở một nơi bí mật trên cõi trần mà sau những ngày ẩn dật, Ngài sẽ đột ngột xuất hiện oai phong lẫm liệt. Điều người Do Thái tưởng tượng và mong ước thời đó cũng dễ hiểu vì bấy giờ người Do Thái bị người La Mã cai trị, đàn áp, bị Hê-rô-đê xây dựng một chính quyền tàn bạo. Chính trong bối cảnh đó người ta hi vọng đến một Đấng Cứu thế hùng dũng “râu hùm, hàm én, mày ngài. vai năm tấc rộng thân mười thước cao” (Truyện Kiều) và xây dựng một xã hội mới trên nền tảng dân tộc Do Thái. Trong lúc đó, Chúa Giêsu xưng mình là Đấng cứu thế nhưng Ngài sống đời bình thường, diện mạo bình thường, ăn nói bình dân thì quá đối nghịch với sự mong đợi của người Do Thái thì làm sao họ tin được. Trong các hình ảnh của dân Do Thái nói lên sự mong đợi một Đấng cứu thế không có điểm nào đề cập đến một Chúa Cứu thế đau khổ, bị khinh dể rồi bị giết. Ngay những ngày đầu hoạt động, Chúa đã tiên báo Đấng Cứu Thế phải là con người chịu nhiều đau khổ, bị các thượng tế, kỳ mục, kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy (Lu-ca 9,22). Lần thứ hai Ngài cũng nói chuyện đó sau khi chữa cho đứa trẻ bị kinh phong, Ngài nói: “Phần anh em hãy lắng tai nghe những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời (Lu-ca 9,43-45). Lần thứ ba Chúa nói riêng với 12 môn đệ trước khi lên đường đi Giêrusalem “Này chúng ta lên Giêrusalem và tất cả những gì Ngôn sứ viết về Con Người được hoàn tất. Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn họ sẽ giết người và ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Mat-thêu 20, 17-19)

Vì thế, nội dung các bài giảng của Chúa quả là đối nghịch với quan niệm của họ. Họ chấp nhận Đấng cứu thế có thể chết như mọi người nhưng trước tiên Ngài phải thống trị thế giới, mang lại một thời đại phồn thịnh, hiển vinh. Chính vì thế khi Chúa Giêsu loan báo Đấng cứu thế sẽ chịu sỉ nhục, chịu chết để cứu chuộc mọi người thì họ cho đó là một điều điên dại và ngu xuẩn.

Chúng ta không biết có bao nhiêu phần trăm người dân Do Thái tin vào Chúa Kitô nhưng có thể nói đa số là không tin hoặc chưa tin, nhất là nhóm “Biệt phái” (Pha-ri-sêu), Chúa cũng không nể họ. Chúa kết án bệnh giả hình, kiêu căng, ghen tị của họ (Mt 23, 13-31). Vì thế họ rất căm phẫn, họ luôn luôn tìm cách bắt Chúa.

Trong dân Do Thái còn có nhóm người Samari, nhóm Sa-du-kêu, nhóm nịnh thần Hê-rô-đê… Giữa các nhóm này có mâu thuẫn với nhau cả về mặt đạo lý, nhưng trong trường hợp này thì họ đều nhất trí tìm cách giết được Chúa vì các điều Chúa giảng không hợp với lòng tin của họ.

Như thế, có thể nói phe ghét Chúa mà đa số là người Do Thái đã thành công. Họ đã xóa bỏ hình ảnh tốt đẹp của Chúa trong lòng người dân, đã tạo ra dư luận xấu về Người, nói người bị quỷ ám, điên rồ, là người phạm thượng. Khi bắt được Chúa họ dùng đòn tra tấn giáng oan, nhạo báng Chúa, dùng Chúa làm trò cười cho thiên hạ. Diện mạo Chúa chỉ còn là hình ảnh một con người chịu mọi cực hình, máu me đầy đầu, chân tay bị đóng đinh, đầu đội mũ gai, chết một mình trên Thánh giá. Lúc này không còn vấn đề Chúa đẹp hay xấu nữa mà chỉ còn là một con người bị bỏ rơi, một người trần truồng, chết một cách tủi nhục hơn một tên ăn cướp.

Dung mạo Chúa lúc đó là như thế, vậy tại sao trong các Thánh đường, các bức họa lại là một hình ảnh Chúa nhân từ, đẹp đẽ và oai phong? Đó là cái nhìn thứ hai về Chúa.

 2. Cái nhìn thứ hai: Chúa là một vị cứu thế vinh hiển, vẻ vang, là người đẹp nhất trong các Con Người. Nhưng trước đó phải chịu khổ hình, phải chết một cách tủi nhục sau đó mới sống lại khải hoàn, là Đấng Cứu chuộc muôn dân.

Nếu đặt câu hỏi cho một giáo hữu Việt Nam là “Chúa có đẹp không?”. Câu trả lời dứt khoát là “Chúa phải đẹp chứ, không đẹp sao là Chúa”.

Trong các kinh cầu nguyện hằng ngày, Chúa Giêsu được khen ngợi không phải chỉ đẹp bên ngoài thôi mà còn có cái đẹp bên trong với các đức tính: hiền lành, khiêm nhường, khoan dung, nhân hậu…

Ở miền Bắc Việt Nam, trong các gia đình Công giáo thường có thói quen treo tranh ảnh, tượng của Chúa hoặc Đức Maria, Mẹ Chúa. Họ tin rằng treo những tranh ảnh đẹp đó thì trong gia đình khi đứa đứa trẻ sinh ra sẽ rất xinh đẹp và ngoan ngoãn.

Dĩ nhiên đây không phải là hình ảnh nguyên thủy của Chúa. Những hình ảnh chúng ta thường thấy về dung mạo Chúa là do các họa sĩ dựa vào Thánh kinh mà vẽ ra tùy theo sự tưởng tượng và tình cảm, nội tâm cũng như lòng tin của họ đối với Chúa vào thời điểm đó. Trong triển lãm tranh về dung mạo Chúa Kitô ở Nhà thờ Đức Bà(1) trong mùa Thương khó, mùa Phục sinh, chúng ta thấy 32 bức tranh thuộc 6 trường phái: Ý, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha với gần 30 họa sĩ danh tiếng. Họa sĩ Rembrandt, người được xem là vẽ Chúa Kito một cách sâu xa và ý nghĩa nhất, sát với Phúc âm nhất. Chẳng hạn bức tranh trưng bày ở Bảo tàng Louvre, Paris, bức tranh trong đó vẽ Chúa xanh xao và kiệt sức được hai môn đệ nhận ra Chúa khi thấy Ngài bẻ bánh ở quán ăn ở Emmaus. Đây là cái nhìn của những người được Chúa soi sáng. Họa sĩ Leonard de Vinci vẽ hình ảnh Chúa lúc còn là một thanh niên Do Thái với khuôn mặt đẹp đẽ, thánh thiện nhưng hơi buồn. Họa sĩ Valasquez, người Tây Ban Nha vẽ cảnh Chúa bị tra tấn với khuôn mặt đau khổ, ánh mắt khẩn cầu trước khi nói lời cuối cùng. Tranh hiện được trưng bày ở Bảo tàng quốc gia.

Vẽ khuôn mặt đau thương  của một con người không có gì đặc biệt cả. Thế nhưng vẽ khuôn mặt đau thương mà phản chiếu được thứ ánh sáng mà nguồn gốc là từ tình yêu của Đức Chúa Cha, không phải ai cũng vẽ được, đó là trường hợp bức tranh của họa sĩ Valasquez.

Như thế, các khuôn mặt của Chúa đã được các họa sĩ thuộc các Trường phái mô tả một cách đặc biệt. Ai cũng cố gắng phản ánh, không dừng lại ở cái nhìn bên ngoài mà đi sâu vào nội tâm bên trong.

Khăn liệm Turin

Tìm hiểu về dung mạo Chúa không thể nào không nói đến Khăn liệm Turin. Quả thế, thời gian gần đây, có một sự kiện gây xúc động trong dư luận đó là Khăn liệm Turin. Hiện nay, ở thành phố Turin có một di sản quý báu đó là tấm khăn liệm được coi là Khăn liệm Chúa Giesu. Khăn liệm mang lại cho chúng ta nhiều yếu tố mới về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, và giúp chúng ta suy ngắm nỗi khổ đau, cái chết và sự Phục sinh của Người.

Khuôn mặt Chúa Giêsu được tạo hình dựa trên dấu vết của tấm khăn liệm Turin.

Trên khăn liệm Turin ta thấy hiện lên một người có sắc đẹp bên ngoài mặc dù máu và bụi bặm thời gian đã phủ lên đó.

Ngắm khăn liệm Turin, người ta thấy mặc dầu bị đánh đòn, bị tra tấn, bị tát, bị nhổ vào mặt nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến dung mạo của Chúa. Khăn liệm Turin chứng tỏ Chúa có một dung mạo uy nghi làm cho người ta phải yêu mến và muốn quỳ lạy, tôn thờ.

Điều lạ lùng là với một “sợi dây mầu nhiệm” nào đó, tất cả những hình ảnh Chúa khải hoàn được các họa sĩ tưởng tượng ra-từ hình ảnh đầu tiên thời byzantines cho đến những họa ảnh về Chúa của Giotto, Angelico, Raphael, Mesys…đều giống hình ảnh trong khăn liệm mà không một họa sĩ nào trong số các họa sĩ đó hồ nghi tính chất lịch sử của nó. Đó là típ người mà tất cả đều nhất trí và khi thấy giống hình ảnh đó thì người ta thương nói: “Ông ấy có cái đầu của Chúa” nghĩa là có dung mạo của Chúa.

Trong bài nói vè khăn liệm Turin nhân dịp trưng bày khăn liệm trước công chúng năm 1998,2000, Đức Giáo Hoàng Phaolo II đã phát biểu: “Khăn liệm thành Turin không chỉ là một thứ vải khảo cổ, mà còn là thành tích huy hoàng nhất về cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu(2)

Một sự kiện thứ hai không thuộc phạm vi Đức tin đó là ông J.H Mielle đã cho biết Vatican có một tài liệu rất quý giá đó là bức thư được cho là của ông Lentulus, Chủ tịch Nhân dân Giêrusalem, tổng trấn Rôma thời vua Tibère mà tiền nhiệm là Pilate, trong thư tả: “Có một người đặc biệt đạo đức đã xuất hiện và sống với chúng ta, những người theo ông ta thì gọi ông ta là con Thiên Chúa, ông chữa được bệnh tật, làm người chết sống lại. Ông là người cao lớn, thu hút sự chú ý của người khác, khuôn mặt ông gợi lên cùng lúc tình thương và sự sợ hãi, tóc màu đồng, phía trên dài thẳng xuống ngang tai, từ hai tai xuống vai hơi xoăn và cuốn tròn, đường chải ở giữa chia tóc thành hai bên theo truyền thống của người Na-za-rét, má hồng, mũi miệng cân xứng, râu nhiều màu hạt dẻ chín gần giống với màu tóc. cái nhìn của ông ta chứng tỏ sự khôn ngoan và trong sạch. Đôi mắt xanh sáng lên. Người này thường được yêu mến trong cách ăn nói nhưng cũng rất nghiêm khắc khi ông quở phạt. Chưa ai thấy ông cười nhưng đã có người trông thấy ông khóc, giọng nói của ông sang sảng và ông rất khiêm tốn…”(3)

Chỉ còn chờ tuyên bố chính thức của Tòa Thánh nói tài liệu này là tài liệu có thật, có giá trị lịch sử và được Giáo Hội Rôma công nhận thì lúc đó chúng ta sẽ thõa mãn về dung mạo của Chúa.

———————————

 Chú thích:
 

(1): Triển lãm về “Thánh diện Chúa Kitô” tại Nhà thờ Đức Bà từ ngày 28/3/2010 đến ngày 23/5/2010.

(2): Trích từ nguồn Internet-bài viết của tác giả Nghi Phụng

(3): Trích dịch từ cuốn “Le visage du Christ”- PIERRE MORNAND-NXB Bibliothèque Francaise des Arts, Paris, năm 1938.

Lm G.B. Nguyễn Đình Thi