Thánh lễ nhận sắc phong Đức ông của cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết

Vào lúc 16h30’, ngày 12-12-2019 tại nguyện đường Bát Phúc, thuộc Tu đoàn nữ Bác ái Xã hội, Thánh lễ nhận sắc phong Đức ông của cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết đã được diễn ra với sự chủ tế của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh. Chính Đức cha Anphong đã trao sắc phong, làm phép và trao phẩm phục Đức ông cho cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, Giáo phận Phan Thiết.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Anphong đã nói lên tâm tình của Giáo Hội dành cho Đức ông Phêrô. Đức Giáo hoàng Phanxicô, đại diện Giáo Hội, ban sắc phong tước vị Đức ông cho cha Phêrô (ngày 28/10/2019) như là một ân sủng Thiên Chúa muốn dành cho những hy sinh, đóng góp không ngừng nghỉ của Đức ông đối Chúa và Giáo Hội.

Đáp lại tất cả những tâm tình quý mến đó, trong bài giảng lễ, Đức ông đã chia sẻ về những hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa dành cho mình. Các bài đọc trong thánh lễ đều diễn tả ý nghĩa này: Bài đọc I, vua Salomon không xin gì ngoài ơn khôn ngoan. Đức ông cũng cảm nhận được Chúa ban cho nhiều ơn mà chính ngài không ngờ tới. Bài đọc II, “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước.” Tình yêu đó thể hiện trong cuộc sống của Đức ông qua những biến cố, từ khi sinh ra, hành trình dâng hiến với biết bao khó khăn hiểu lầm. Với trích đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan đã cho ta thấy Thiên Chúa đã gạt bỏ thân phận mỏng dòn của con người để nâng con người lên làm con Chúa. Đức ông nói: “Hàm vị mà Giáo Hội ban cho con hôm nay như cảnh tỉnh con phải ăn năn hối cải, phải yêu Chúa, phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội hơn nữa và phải nên Thánh mỗi ngày.” (xem: Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội – Gp.Phan Thiết)

Tiểu sử Đức ông Phêrô Nguyễn Chí Thiết

Đức ông Phêrô Nguyễn Chí Thiết sinh ngày 31 tháng 12 năm 1938, tại Bảo Nham, Yên Thành, Nghệ Tĩnh (nay là Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An), thuộc giáo xứ Bảo Nham, Giáo hạt Bảo Nham, Giáo phận Vinh. Mới lên 2 tuổi, lúc vừa chập chững tập bước những bước chân đầu đời, cậu Thiết đã phải mồ côi mẹ. Từ năm 1940 đến năm 1946, cậu sống với ông bà ngoại tại Mỹ Dụ (thuộc Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An). Từ 1946 đến 1949, cậu sống với bố tại Vạn Lộc (thuộc Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An). Ba năm sau đó, tức là từ 1949 đến 1951, cậu Thiết lại trở về đất Yên Thành sống với bà nội và chú Nguyễn Khắc Nhường tại giáo xứ Rú Đất.

Dù tuổi thơ bôn ba đây đó nhưng như một lời mời gọi “từ trong lòng thân mẫu”, Chúa đã chọn gọi cậu Thiết đi theo tiếng gọi làm môn đệ của ngài. Năm 1951, cậu thi đậu vào Trường Tập Xuân Phong (Diễn Châu, Nghệ An). Và từ 1951, cậu Thiết tu học tại đây cho đến năm 1954.

Năm 1954, với nhiều biến chuyển về tình hình chính trị tại Đông Dương, tuyên bố chung của Hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954 cho phép dân chúng đi lại giữa các miền lãnh thổ tạm thời được phân chia. Cùng với phong trào di cư của rất đông cư dân miền Bắc, năm 1954, cậu Thiết đã theo cha Quyền và thầy Hoan (Đức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan) trên con thuyền buồm vào Nam. Trong hành trình Nam tiến đầy gian khổ và mạo hiểm, thầy Hoan như là người anh đã dìu dắt và hướng dẫn cậu Thiết để anh em cùng tiếp tục lý tưởng đời tu và “an cư” trong môi trường mới.

Từ năm 1954 đến 1960, thầy Thiết học tại Tiểu Chủng viện của các giáo phận di cư: Vinh, Thanh Hóa, Bùi Chu và Hà Nội tại Sài Gòn và tốt nghiệp với văn bằng tú tài toàn phần. 

Từ năm 1960 đến 1962, thầy Thiết vừa là sinh viên ban triết học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, vừa dạy học tại Tiểu Chủng viện Tam Hà (Thủ Đức) của Giáo phận Vinh di cư. 

Năm 1963, thầy Thiết tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn với văn bằng cử nhân giáo khoa Triết Đông và Tây. Sau đó, thầy gia nhập Giáo phận Cần Thơ theo chỉ thị của Tòa Thánh đối với các chủng sinh và linh mục của các giáo phận di cư ở Việt Nam. Năm 1962 đến 1964, thầy học chương trình Triết học (triết 1 và năm triết 2) tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Năm 1964, Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, gửi thầy Thiết đi du học Tại Roma, nước Ý. Trong thời gian du học tại nước ngoài, con đường ơn gọi của thầy như đã chín mùi. Và hồng phúc lớn lao đến với thầy, ngày 29 tháng 6 năm 1968, Đức Hồng y Agagianian, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, nay gọi là Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, đã đặt tay phong chức linh mục cho thầy Phêrô Nguyễn Chí Thiết.

Năm 1970, cha Phêrô tốt nghiệp với văn bằng Tiến sĩ thần học tại Trường Truyền giáo Roma. Sau khi tốt nghiệp chương trình du học tại Roma, cha Phêrô hồi hương và được bổ nhiệm làm giáo sư Triết Đông tại Đại Chủng viện Vĩnh Long từ 1970–1974. 

Sau 4 năm làm giáo sư Đại Chủng viện, năm 1974, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, lúc bấy giờ là Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, lại gửi cha Phêrô du học chương trình Triết Đông tại Đài Loan.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tình hình chính trị tại Việt Nam phức tạp và nhiều chuyển biến. Cha Phêrô không thể về nước phục vụ được. Và từ năm 1976, sau khi xong chương trình Triết tại Đài Loan, cha Phêrô qua Pháp định cư và phục vụ tại đây.

Từ năm 1976 đến năm 2007, cha làm tuyên úy cho dòng kín Saint Germain en Laye, đồng thời sáng lập và lo mục vụ cho cộng đoàn giáo dân Đông Nam Á tại Giáo phận Versailles, Pháp. Trong thời gian này, cùng với chương trình mục vụ tại Pháp, cha Phêrô đã qua Israel học tiếng Do thái tại Jerusalem từ 1976 -1977. Và từ đây, với lòng yêu mến Chúa nồng nàn và say mê những di tích cổ thời trong lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, cùng với khả năng thông thạo tiếng Do thái và nhiều ngoại ngữ khác, cha Phêrô thường xuyên tổ chức và chuyên hướng dẫn các đoàn hành hương Thánh Địa. Tính đến nay, với ở tuổi bát tuần, cha Phêrô cũng đã tham gia hướng dẫn 81 đoàn hành hương Thánh Địa. 

Năm 1976 – 1978, cha Phêrô theo học cổ ngữ Do thái, Hy Lạp, Aramen, tại Institut Catholique de Paris và tốt nghiệp văn bằng Cao đẳng cổ ngữ Thánh Kinh tại đây. Cùng thời gian này, năm 1977, ngài học tiếng Đức tại Freiburg en Breigau, nước Đức.

Từ năm 2002 đến năm 2007, cha Phêrô theo học tiếng Trung tại Đài Loan, đồng thời làm giáo sư dạy Hy Lạp Tân Ước tại Đại học Fujen, Taiwan. Ngoài ra, cha cũng là giáo sư Thần học căn bản và Linh hứng tại các học viện và đại chủng viện tại Trung Hoa lục địa.

Cũng từ năm 2002, cha Phêrô thường xuyên về quê hương và tham gia giảng dạy Triết Đông tại nhiều đại chủng viện Việt Nam. 

Từ năm 2007 đến 2016, cha được Hội đồng Giám mục Việt Nam tín nhiệm giao trọng trách Trưởng Ban biên soạn Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục. Từ năm 2015, theo lời mời của Tu đoàn Bác Ái Xã Hội và được sự chấp thuận của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết, cũng như Đấng Bản quyền sở tại Giáo phận Versailles – Pháp, cha Phêrô về làm cố vấn và giảng dạy cho Tu đoàn Bác Ái Xã Hội – Phan Thiết. 

Và từ 2017 đến nay, cùng với sứ vụ giáo sư tại nhiều đại chủng viện, làm việc trong ban từ điển, hướng dẫn đoàn hành hương Thánh Địa, cha được Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết, bổ nhiệm làm linh giám cho Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.

Văn Việt