Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trải nghiệm Mùa Chay: Hành trình từ khối óc đến bàn tay

GPVO (20/3/2023) – Đối với khoa học, người ta dùng “thí nghiệm và thực nghiệm” để chứng minh lý thuyết của mình là đúng. Còn với chúng tôi, những sinh viên Thần học, điều quan trọng là phải đi qua “kinh nghiệm và trải nghiệm” để nhận ra những giá trị thánh thiêng mà mình truy tầm tại môi trường Học viện, đồng thời, có thể minh chứng những lẽ sống cao cả cho người khác. Thiết tưởng mục đích của Thần học không phải để làm não chúng tôi phình lên với một mớ kiến thức vô hồn nhưng là để làm cho trái tim giàu có hơn, đôi tay rộng mở hơn. Chính vì thế, Mùa Chay là mùa hồng ân mà Ban Điều hành Học viện đã tạo điều kiện cho chúng tôi mang trái tim mình đến với những vùng ngoại biên, một phần là để cảm thấu lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời và phần quan trọng khác là mang dung mạo của Thiên Chúa quan phòng đến với những kiếp đời bất hạnh. Đó chính là lý do mà Ban Giám đốc và các học viên Học viện tổ chức buổi “giao lưu ngoại biên” với các bệnh nhân tại dãy trọ số 56 đường Lệ Ninh, Quán Bàu, Thành phố Vinh (gần bệnh viện Thành phố – Cơ sở 2). Có nhiều dãy trọ xung quanh khu vực này nhưng chúng tôi chọn một dãy có khuôn viên rộng nhất, đủ để quy tụ các bệnh nhân mà hầu hết họ là các bệnh nhân chạy thận.

Được biết, căn bệnh suy thận đã khiến nhiều người lao đao, khốn đốn vì phải xuống các bệnh viện ăn chực nằm chờ chạy thận. Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng một loại máy nhằm điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp khi thận đã mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng. Nguy hiểm đối với bệnh nhân suy thận cấp là không đi tiểu được, phù, huyết áp tăng. Nếu mắc bệnh thận có thể biến chứng sang nhiều loại bệnh khác. Do đó, thường phải điều trị nội khoa kết hợp với chạy thận nhân tạo. Căn bệnh này gây tốn kém, mệt mỏi cho cả bản thân và gia đình người bệnh. Với tần suất chạy thận trung bình 3 lần/tuần và mức chi phí khoảng từ 100 – 150 triệu đồng mỗi năm thì đây là một gánh nặng cho bất cứ gia đình nào. Dường như căn bệnh suy thận không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp và ai đã mắc phải nó thì “không hẹn ngày khỏe mạnh”. Các bệnh nhân phải tập cách sống chung và gắn chuỗi ngày cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận, với bác sĩ và bệnh viện để duy trì sự sống nên đối với họ “xóm trọ là nhà”.

Thấu hiểu hoàn cảnh éo le của những bệnh nhân chạy thận, đúng 7h30 sáng Chúa nhật IV Mùa Chay ngày 19/3/2023, toàn bộ 68 học viên lớp Học viện II của Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã có mặt tại dãy trọ, nhanh chóng tạo khung cảnh và có những tiết mục văn nghệ mở màn chào đón 50 bệnh nhân. Mở đầu buổi giao lưu, một học viên dẫn chương trình đã mời cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Giám đốc Học viện, có chút tâm tình dành cho quý ông bà và anh chị em hiện diện tại khuôn viên. Cha Phaolô đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với hoàn cảnh của những bệnh nhân đang phải “sống chung” với cơn bạo bệnh, phải xa gia đình để điều trị một căn bệnh hết sức phức tạp. Ước mong của cha là các bệnh nhân giữ được tinh thần lạc quan và cảm nhận được mối tương thân tương ái, tình thương của những người đi tu và sự quan phòng của Đấng Tạo Hóa dành cho họ. Cha còn khẳng định rằng hành trình của các bệnh nhân không bao giờ đơn độc vì vẫn còn đó những tấm lòng muốn tiếp sức. Cha mở ngỏ rằng cuộc hội ngộ thân tình hôm nay là mở đầu tốt đẹp cho những bước tiến mới giữa Học viện và cộng đồng bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện của Thành phố Vinh. Những tâm tình của cha cũng chính là nỗi lòng của 68 con tim học viên Học viện đang khao khát cháy bỏng muốn góp thêm chút lửa tin yêu cho các bệnh nhân. 

Sau phần khai mở của cha Phaolô, các chị em đã có những tiết mục văn nghệ hết sức ý nghĩa, lồng ghép những thông điệp yêu thương và niềm tín thác vào Thiên Chúa để gửi gắm đến các bệnh nhân bất phân lương giáo. Thật cảm động khi vào một ngày Chúa nhật, tại thành phố Vinh, tiếng thánh ca du dương được cất cao giữa đất trời trong một đám đông cực kỳ đặc biệt. Tiếng hát người nữ tu xen lẫn giọng hát của bệnh nhân, một cảnh tượng cao đẹp xưa nay hiếm! Ngoài ra, để cổ vũ tinh thần cho họ, một linh hoạt viên đã có vài tiết mục sinh hoạt vui, tạo ra những tràng cười sảng khoái, xua tan đi nỗi muộn phiền trên các khuôn mặt. Đây thực sự là một khung cảnh truyền giáo ấm áp, nơi tình người lên ngôi, xóa tan mọi rào cản và khác biệt.

Tiếp đến, phần trọng tâm của buổi giao lưu là mời đại diện của các bệnh nhân lên chia sẻ những tâm tình cũng như cảm nghĩ của họ. Bác Quy, một đại diện bệnh nhân đã chia sẻ những khó khăn, thử thách của những người mang lấy căn bệnh này. Bác đã bộc bạch rằng cuộc gặp gỡ thân tình này bao hàm nhiều ý nghĩa, làm cho người nhà bệnh nhân và chính bệnh nhân phấn khởi hơn, tự tin hơn để đối diện với cơn bệnh; đồng thời, giúp  tăng thêm sức mạnh để chiến đấu với bênh tật. Em Vy, một sinh viên năm 2 của Trường Đại học Vinh, quê ở Gia Lai cũng ngậm ngùi chia sẻ hoàn cảnh của em. Từ khi chạy thận, Vy phải bảo lưu việc học, mọi thứ bị ngưng lại, bố mẹ em phải từ Gia Lai ra Vinh để chăm sóc cho em. Em ước mơ một ngày không xa sẽ có thể ghép thận thành công để tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình.

Sau phần chia sẻ của đại diện bệnh nhân, những tiết mục hát đơn ca, song ca tiếp tục được cất cao. Các ca khúc được thể hiện mang một năng lượng rất tích cực, như “Nối vòng tay lớn”, “Và con tim đã vui trở lại” và “Lời ru của mẹ”. Điều này, chứng tỏ rằng các bệnh nhân vẫn đang tràn trề niềm hy vọng và họ cần những ai đó cùng họ gìn giữ ngọn nến đang leo lét cháy giữa cơn bão bệnh tật. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi các bệnh nhân gọi gia đình Học viện với một cái tên rất ý nghĩa, đó là “cộng đồng tình thương”.

Khoảng 9h30 sáng, khi trời hửng nắng. Chúng tôi chia thành từng nhóm nói chuyện, chia sẻ với các bệnh nhân để hiểu hơn câu chuyện cuộc đời của từng người. Trong số 50 bệnh nhân, ai cũng có một gia cảnh rướm lệ nhưng có một vài trường hợp thực sự khiến chúng tôi se thắt tâm can.

  • Chị Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1987, quê tại trị trấn Nam Đàn, Nghệ An, đang điều trị tại bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh. Chị Nga là mẹ của ba đứa con: Nguyễn Đức Anh (lớp 6); Bùi Ngọc Ánh (8 tuổi); Bùi Ánh Nguyệt (7 tuổi). Chị mang 2 bé út xuống thành phố Vinh thuê phòng trọ ở, rửa bát thuê để kiếm thêm chút tiền chữa bệnh và chăm sóc cho con. Hai bé Ánh và Nguyệt chưa một lần được đến trường, chưa một lần được đọc chữ cái vì mẹ không thể lo cho hai em. Chúng tôi thấy bà ngoại em (chăm sóc cho chị Nga và 2 cháu) nghẹn ngào kể lại gia cảnh.
  • Em Phan Thị Thương, Đô Lương, Nghệ An là một trường hợp đặc biệt khác. Em bị tật bẩm sinh với đôi chân không có ngón, còn đôi tay chỉ có hai ngón út, lại mới phát hiện suy thận nặng, phải chạy thận, lọc máu 3 lần/tuần. Gia đình em có 4 người, bố bị tai biến liệt giường và bị tâm thần, mẹ một mình nuôi em và nuôi bố. Vì hoàn cảnh nên em cũng xuống Vinh một mình thuê phòng trọ để chữa chạy. Dù vậy, nhưng em vẫn cố gắng học tập. Em kết hai ngón tay út lại với nhau để tập viết. Trong cái hoàn cảnh éo le, em vẫn vươn lên vượt khó!

Sau hoạt động gặp gỡ, chia sẻ, cha Giám đốc Phaolô đã phát những món quà bé nhỏ nhưng chất nặng tình cảm của gia đình Học viện cho các bệnh nhân. Chúng tôi kết thúc buổi giao lưu bằng hoạt động “Đi sâu vào nơi ở” của họ, để thấy rõ hơn nữa những cận cảnh và tiểu cảnh ẩn khuất phía sau hành trình chạy thận của mỗi bệnh nhân. Chị em chúng tôi chia ra các nhóm đi thăm từng dãy trọ và từng căn phòng. Đúng là mỗi người một hoàn cảnh, có những nỗi lo, nỗi khổ riêng. Mặc dù sức khỏe, kinh tế suy kiệt, sự sống hàng ngày phải duy trì bằng thuốc và máy móc, song trong thời điểm khó khăn nhất, các bệnh nhân ở đây vẫn cố gắng sống, chiến đấu với bệnh tật và không từ bỏ ý định chữa trị đến cùng. Quả thực, những phận người đáng thương này đang cần lắm những sự trợ giúp kịp thời của các tấm lòng hảo tâm để vơi bớt đi những nếp suy tư lo lắng hằn sâu trong tâm hồn họ.

Nhờ vào buổi giao lưu đặc biệt hôm nay, con tim của chúng tôi mới thực sự thấu cảm được với “Hành trình níu kéo sự sống của bệnh nhân chạy thận”. Quả thực, nếu như không đến đây, thì sự hiểu biết của chúng tôi sẽ còn ở mức nông cạn, chưa đủ độ sâu để dấn bước vào những sứ mạng đòi hỏi phía trước. Chúng tôi biết ơn Học viện, mái trường đang cưu mang và sinh dưỡng mỗi người trên hành trình thành nhân và thành tu sĩ của Chúa. Nơi đây, dù các nẻo đường linh đạo khác nhau nhưng tất cả các hội dòng làm nên “một cuộc hạnh ngộ tuyệt vời trong hai chữ PHỤC VỤ”. Những màu cờ sắc áo khác nhau của các nữ tu giữa trời Vinh hôm nay đã làm rực sáng lên vẻ đẹp của đức tin và nét đẹp của người thánh hiến. Cái cảm giác mà bản thân có thể làm gì đó cho “nhiều con tim được vui trở lại” thật hạnh phúc và khó diễn tả. Chúng tôi thầm tạ ơn Chúa vì Người đã dìu dắt chúng tôi đi trên con đường từ khối óc, qua trái tim và đến đôi tay, để rồi “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay, nhất là của người nghèo và người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (Gaudium et spes,1).

Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Học viên K.VIII – Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII