Giáo hoàng, hội Tam điểm và Turin

Phanxico.vn (18/11/2023) – Không thể vừa là người Công giáo vừa là người của hội Tam điểm. Quan điểm của Giáo hội công giáo về chủ đề này đã được biết đến, nhưng vừa được bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, Victor Manuel Fernandez tái khẳng định trong một tài liệu ngày 15 tháng 11, đã được Đức Phanxicô phê chuẩn. Vì sao phải quay lại chủ đề đã được quyết định rồi? Trước tiên chúng ta nên làm rõ vấn đề này, đó là để trả lời cho một giám mục Phi Luật Tân, phải đối diện với vấn đề giáo dân trong giáo phận của ngài tham gia vào một chi hội ngày càng tăng.

Ngài đặt câu hỏi với “người bảo vệ giáo lý” về thái độ tốt nhất phải có với những giáo dân này. Sau khi nhắc lại việc không thể vừa là người Công giáo vừa là người của chi hội, hồng y dựa vào tuyên bố năm 1983 của hồng y Ratzinger tiền nhiệm và dựa trên đường lối chính của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân đề xuất năm 2003, ngài đề nghị với các giám mục Phi Luật Tân nên “phổ biến ở tất cả các giáo xứ về vấn đề không tương thích giữa đức tin Công giáo và Tam điểm”. Một quan điểm rõ ràng và dứt khoát.

Tam điểm, “ngã tư của tất cả những dị giáo”

Trong thời đại bị đánh dấu bởi xu hướng đưa ra những lời nguyền rủa để làm mất uy tín, việc công bố phản ứng này có thể được hiểu là một cách cắt ngắn các tin đồn hiện nay của một số nhóm âm mưu thường xuyên cáo buộc Đức Phanxicô và những người thân cận ngài có cảm tình với hội tam điểm và với chủ nghĩa hiện đại. (bị Đức Piô lên án năm 1907 như ngã tư của mọi dị giáo), hai đường hướng đôi khi bị nhầm lẫn trong cùng một quá trình của một chủ nghĩa tiến bộ và không chính thống.

Đây là một quan điểm được tìm thấy trên mạng xã hội và trên một số blog, nơi cuộc tranh luận nổ ra xung quanh cây thánh giá trước ngực của giáo hoàng, trong đó một số người thấy đây là biểu tượng của hội tam điểm. Gần đây hơn, khi Thượng hội đồng họp, hồng y Gerhard Müller cựu bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố trên trang Lifesite, ngài tuyên bố đã đấu tranh với “chủ nghĩa giả hiện đại” trong 10 năm – thời gian của triều Đức Phanxicô.

Chúng ta hiểu rõ lý do vì sao, khi được hỏi về những chỉ trích của trang Crux với ngài, hồng y Victor Manuel Fernandez trả lời ngay sau khi được bổ nhiệm: “Tôi không phải là hội Tam điểm hay đồng minh của Trật tự Thế giới Mới, cũng không phải là gián điệp của Soros thâm nhập vào Giáo hội. Đó là những hoang tưởng thuần túy. Tôi cố gắng là người trung thực, thường xuyên đi xưng tội, yêu mến Giáo hội và giáo lý của Giáo hội, nhiều bài viết của tôi tập trung vào đời sống thiêng liêng và cầu nguyện. Tôi không thể hình dung cuộc sống của tôi không có Chúa. Những người chỉ trích tôi tốt hơn họ nên đi tìm kẻ thù của đức tin nơi khác.”

Turin, cái nôi của hội tam điểm

Về hội Tam điểm, Đức Phanxicô chưa bao giờ dè dặt lời nói của ngài. Ngài có những nhận xét mang tính cá nhân nhất trước những người đến từ Turin. Turin, thành phố ở Piedmont miền bắc nước Ý được xem là một trong những chiếc nôi của hội Tam điểm và thuyết huyền bí ở Ý, đến mức thành phố Turin vừa bị xếp vào trục “tam giác ma thuật trắng” cùng với  Lyon và Praha, vừa trục “ma thuật đen” cùng với London và San Francisco.

Thành phố ra đời của vua Victor Emmanuel II, Cavour và Garibaldi, anh hùng của nền độc lập Ý – Garibaldi là người đứng đầu Đại Phương Đông của Ý – và đã thành lập phong trào Risorgimento, khai sinh cho nước Ý hiện đại, dẫn đến sự sụp đổ của các Quốc gia giáo hoàng năm 1870, trong bầu khí phản giáo hội. Thành phố và thời đại mà Đức Phanxicô biết rõ, vì đó là nơi gia đình ngài xuất thân. Bà nội Rosa yêu quý của ngài đã gặp ông nội ở đó và sống phần lớn cuộc đời trước khi lên đường đi Châu Mỹ Latinh cùng với người con trai Mario José 20 tuổi, thân phụ của giáo hoàng sinh ở Torino năm 1908.

Một cuộc chiến thiêng liêng

Nhưng Turin, thủ đô của Piédmont cũng được xem là thủ đô của các “thánh” như Thánh Pier Giorgio Frassati. Trong chuyến thăm mục vụ đến Turin năm 2015, ngài đã nói với giới trẻ: “Trên mảnh đất này – cha đã nói điều này với Gia đình Salêdiêng – vào cuối thế kỷ 19, những điều kiện xấu nhất cho sự phát triển của giới trẻ đã tập trung ở đây. Đó là hội Tam điểm, ngay cả Giáo hội cũng không thể làm được gì, có những kẻ chống giáo sĩ, có những kẻ thờ Satan… Đó là một trong những thời kỳ khủng khiếp nhất và là một trong những nơi khủng khiếp nhất của lịch sử nước Ý. Nhưng các con, nếu các con muốn làm tốt căn nhà của mình, các con hãy xem có bao nhiêu thánh đã ra đời trong thời này! Vì sao? Vì họ  nhận ra, họ phải đi ngược lại bản chất của văn hóa này, lối sống này.”

Hoặc một lần nữa, khi ngài đến dòng Thánh Giuse, dòng giảng dạy và truyền giáo được Thánh Leonard Murialdo thành lập ngày 19 tháng 3 năm 1873, ngài nói: “Thánh Leonard đã thành lập Dòng vào thời điểm “ngọn lửa” của trung tâm hội Tam điểm ở Turin, ở Piédmont, nơi đã có rất nhiều thánh, rất nhiều thánh! Và chúng ta tự hỏi về thời gian này. Tại sao ngay tại trung tâm của hội Tam điểm lại có các “linh mục”, các thánh, rất  nhiều chứ không phải chỉ một mà rất nhiều.”

Ngoài ra Đức Phanxicô ghét những gì các nhóm khai mở đưa ra, họ chỉ ủng hộ việc thuộc về của cả hai, vừa Công giáo vừa Tam điểm. Ngài phân tích vấn đề này qua lăng kính đấu tranh thiêng liêng. Như một cám dỗ mà Giáo hội Công giáo phải giúp để chống lại, điều này được xác nhận qua khuyến nghị mục vụ trong ghi chú gần đây của bộ Giáo lý Đức tin, qua việc công bố này, khuyến nghị vượt ra ngoài khuôn khổ của giáo phận nhỏ phía nam Phi Luật Tân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch