Đức Phanxicô bắt đầu năm quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài

international.la-croix.com, Robert Mickens, Rôma, 2020-01-03

Cải cách giáo triều, bổ nhiệm các tân hồng y, các chuyến đi đến những nơi không ngờ tới, đó là các chương trình của giáo hoàng năm 2020

Khi rồi đây lịch sử triều giáo hoàng Đức Phanxicô, trong cương vị giám mục giáo phận Rôma được viết, rất có thể năm 2020 sẽ được xem là năm quan trọng nhất trong toàn bộ triều giáo hoàng của ngài.

Một số người tự hỏi không biết đây có phải là năm cuối cùng không.

Các quyết định gần đây của ngài như “cho nghỉ hưu” nhân vật thế lực của Giáo Hội Ý, Hồng y niên trưởng Hồng y đoàn Angelo Sodano và giao cho Hồng y Luis Antonio Tagle đứng đầu một trong các Bộ quyền lực nhất của Vatican, Bộ Truyền giáo được xem như các dấu hiệu cho thấy ngài đang chuẩn bị cho việc bầu chọn người kế vị ngôi Thánh Phêrô.

Giáo hoàng Dòng Tên 83 tuổi cũng sẽ công bố hai tài liệu chính yếu năm 2020 và có lẽ một vài tài liệu khác. Ngài sẽ tiếp tục đi khắp thế giới, đến những nơi mà các vị tiền nhiệm của ngài mong muốn đến nhưng không được nhập cảnh. Và cũng không nghi ngờ gì, ngài sẽ thêm người vào đội ngũ hồng y mà từ đó sẽ đưa ra vị tân giám mục cho giáo phận Rôma.

Vì thế dù chúng ta nhìn dưới khía cạnh nào thì năm mới này chắc chắn sẽ là năm then chốt. 

Thượng hội đồng mở đường cho cải cách

Đức Phanxicô sẽ công bố ít nhất hai tài liệu cực kỳ quan trọng ngay từ các tuần lễ đầu của năm 2020.

Văn bản đầu tiên sẽ là Tông huấn về Thượng Hội đồng vùng Amazon vào tháng 10 vừa qua. Ngài cũng đã cho thấy ngài sẽ chấp nhận một số thay đổi trong việc thi hành mục vụ mà những người tham dự Thượng Hội đồng đã đề xuất. Một trong các đề xuất này là việc phong chức linh mục “viri probati” cho những người đàn ông đức hạnh, đặc biệt là những người đã là phó tế vĩnh viễn. Một cách thức khác là thành lập một Ủy ban Giáo hoàng mới để nghiên cứu khả thể thiết lập chức phó tế và các hình thức mục vụ khác cho phụ nữ. Và điểm thứ ba là việc biên soạn tập hợp một nghi thức phụng vụ mới để kết hợp với các yếu tố văn hóa đặc biệt của các sắc dân bản địa vùng Amazon.

Tông huấn Hậu-Thượng Hội đồng này rất được mong chờ, sẽ mở ra các con đường cải cách mới. Vì thế không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của nó.

Như đã giải thích ở trên, cuộc họp Thượng Hội đồng từ ngày 6 đến 27 tháng 10 vừa qua tại Vatican đã đánh dấu bước ngoặt cho sự xuất hiện một Giáo Hội thực sự toàn cầu.

Giáo Hội vẫn đang đấu tranh để thoát khỏi các yếu tố còn sót lại của thời Tridentin, đặc biệt về giáo sĩ, vẫn còn là trở ngại cho việc thực hiện đầy đủ các giảng dạy và tầm nhìn của Công đồng Vatican II (1962-1965).

Các quan sát viên cho rằng, Tông huấn sắp tới sẽ có thể được công bố vào cuối tháng 1-2020.

Tông hiến Các con hãy rao giảng Tin Mừng,  Praedicate Evangelium

Tài liệu chính mà Đức Phanxicô sẽ công bố năm 2020 là hiến pháp về cấu trúc và vai trò cải cách của các văn phòng trọng tâm của Giáo Hội tại Vatican, được gọi là Giáo triều La Mã.

Bản dự thảo cuối cùng của hiến pháp có tên là Các con hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate Evangelium, hiện đang được tiến hành sau khi đưa vào các đề xuất của các hội đồng giám mục, các thần học gia và các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Văn bản cuối cùng có khả năng có các yếu tố chưa bao giờ có trong các dự án trước đây mà Hội đồng các Hồng y cố vấn (trước đây là C9, bây giờ là C6) đã biên soạn và tham khảo với các người có trách nhiệm trong giáo triều.

Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý cải cách giáo triều là một trong các dự án và mục đích chính của triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Ngài đã từ từ và kiên nhẫn điều hành tiến trình cải cách. Và một trong các bài tham luận quan trọng của ngài đọc trước các thành viên của giáo triều trước lễ Giáng Sinh, ngài đã tuyên bố:

“Khi thảo luận sự thay đổi chính yếu dựa trên lòng trung thành với Đức tin và với Truyền thống, hôm nay tôi muốn nói thêm một lần nữa về việc cải cách giáo triều và tái khẳng định cải cách này chưa bao giờ được xem là hành động như chưa có gì xảy ra trước nó.

“Trái lại, một nỗ lực đã được thực hiện để tăng cường các yếu tố tốt đẹp bắt nguồn từ lịch sử phức tạp của giáo triều.

“Cần phải tôn trọng lịch sử để xây dựng một tương lai có nguồn gốc vững chắc và do đó có thể thấy được kết quả sinh ích.

“Nhắc đến ký ức không phải là cắm neo trong việc bảo tồn nhưng là gợi lên sự sống, sức sống của một tiến trình đang diễn ra.

“Ký ức không phải là tĩnh, nhưng năng động. Theo bản chất của nó, nó bao hàm sự chuyển động. Truyền thống cũng không tĩnh, nó cũng năng động, như nhân vật vĩ đại Gustav Mahler, lặp lại ẩn dụ của Jean Jaurès: truyền thống là sự đảm bảo cho tương lai chứ không phải là đống tro tàn.”

Các quan sát viên Vatican cho rằng tông hiến Các con hãy rao giảng Tin Mừng sẽ được công bố vào ngày 22 tháng 2, ngày Lễ lập Tông Tòa thánh Phêrô. Nhưng dù ngày nào thì khi được công bố, bản hiến pháp mới của giáo triều sẽ là hành động quản trị quan trọng nhất cho đến nay trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. 

Đường lối lãnh đạo mới trong nước và ngoài nước

Đến kỳ hạn, hiến pháp mới sẽ được tuân theo với việc công bố một bộ đạo luật và các quy định mới cho việc điều hành hàng ngày của các văn phòng ở Vatican. Và nhất là nó sẽ được đánh dấu bằng một sự thay đổi lớn, chính yếu và rộng khắp.

Chín hồng y đang đứng đầu các bộ quan trọng hiện nay sắp đến tuổi hưu 75 và người thứ mười, vừa kết thúc nhiệm kỳ 5 năm sẽ đến tuổi hưu vào tháng 6. Dự kiến tất cả sẽ được thay thế một thời gian sau khi Tông hiến Các con hãy rao giảng Tin Mừng được công bố.

Đây là danh sách tên và các bộ mà các hồng y sẽ đến tuổi hưu: Marc Ouellet (Giám mục), Giuseppe Versaldi (Giáo dục), Beniamino Stella (Giáo sĩ), Luis Ladaria (Tín lý), Leonardo Sandri (Giáo hội Đông phương), Mauro Piacenza (Tối cao tông tòa), Gianfranco Ravasi (Văn hóa), Angelo Comastri (Quản nhiệm Đền thờ thánh Phêrô), Giuseppe Bertello (Chính quyền Vatican) và Robert Sarah (Phụng tự).

Đức Phanxicô cũng sẽ bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng ở các giáo phận lớn trên thế giới. Các tòa Tổng Giám mục Manila, Phi Luật Tân, Atlanta, Mỹ và Caracas, Venezuela hiện đang trống tòa.

Và các vị đã quá tuổi hưu, trong số này có 18 hồng y, vẫn tiếp tục điều khiển các vị trí quan trọng. Đó là Hồng y Christoph Schönborn, Giáo phận Vienna trong vài tuần tới sẽ đến tuổi, 9 hồng y khác sẽ đến tuổi 75 trong năm 2020.

Giáo hoàng sẽ xin một số tiếp tục làm việc thêm một năm nữa và sẽ thay thế một số khác. Đây là cơ hội để ngài thay đổi đường hướng lãnh đạo.

Các tân hồng y và quy tắc cho mật nghị sắp tới

Hiện có 124 hồng y dưới 80 tuổi và như thế họ đủ điều kiện để tham dự mật nghị. Đức Phaolô VI ấn định con số 120 hồng y cho mật nghị và đã được các vị tiền nhiệm Đức Phanxicô khẳng định, như thế hiện nay con số này trội hơn 4 hồng y.

Nếu không có ai qua đời trong số cử tri thì con số này sẽ không là 120 khi ngày 12 tháng 11 sắp tới, hồng y Donald Wuerl, Tổng Giám mục về hưu của Washington mừng sinh nhật 80 của ngài.

Trên thực tế, các hồng y cử tri khác chỉ bắt đầu “già” vào tháng 3 năm 2021 (thêm năm vị sẽ ở tuổi 80 vào tháng 11-2021), như thế có thể sẽ không có công nghị cho năm 2020. Nhưng trên thực tế, điều này cũng không chắc lắm.

Đức Phanxicô vẫn chưa công bố luật lệ và các quy tắc cập nhật phải theo khi ngai tông tòa trống và khi tân giáo hoàng được bầu. Sự cần thiết phải cập nhật dưới hình thức tông hiến là rất cấp bách vì hiện tại không có quy tắc hay nghi thức nào cho việc thoái vị của một giáo hoàng.

Ngoài ra, một số thay đổi nhất định trong cấu trúc và chức năng của Giáo triều La Mã cũng sẽ phải được đưa vào Tông hiến mới. Một trong số này có thể sẽ là Tông hiến về nhiếp chính, người quản trị Giáo Hội khi ngai tông tòa trống.

Giáo hoàng có quyền bổ nhiệm hồng y nhiếp chính, hiện nay hồng y Kevin Farrell đảm nhiệm chức vụ nhiếp chính. Nhưng trong dự án Tông hiến thì chức vụ nhiếp chính sẽ do một “văn phòng đảm trách bởi một hồng y điều phối viên của Hội đồng Kinh tế.” Và người ở chức vụ này là Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Giáo phận Munich, nước Đức, ngài có chân trong Hội đồng Cố vấn C6 của Giáo hoàng.

Đức Phanxicô cũng có quyền thay đổi con số các hồng y cử tri như các vị tiền nhiệm khác của ngài đã làm trong các thế kỷ qua, vì Hồng y đoàn hoàn toàn là do sáng kiến của con người. Câu hỏi là liệu Đức Phanxicô có làm hay không.

Ngay cả khi ngài không làm, thì cũng không có gì ngăn ngài vượt con số chỉ định như Đức Gioan Phaolô II đã làm trong một số trường hợp.

Bay trên bầu trời thân thiện cũng như không thân thiện

Đức Gioan Phaolô II được biết đến là người tông du nhiều, ngài đã đi trên 100 chuyến trên 129 nước khác nhau, trong 27 năm triều giáo hoàng của ngài. Còn Đức Phanxicô, ngài đã đi 32 chuyến tông du, thăm gần 50 nước trong gần 7 năm triều giáo hoàng. Năm 2015, ngài là giáo hoàng đầu tiên đến thăm Trung Phi, đất nước đang có chiến tranh, ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử cận đại đã đến thăm Bán đảo Ả Rập (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).

Có hai quốc gia khác Đức Phanxicô mong muốn đến thăm, mà Đức Gioan Phaolô II đã không thực hiện được. Đó là Trung Hoa và nước Nga. Năm 2020 có lẽ sẽ là năm mà cuối cùng một giáo hoàng La Mã sẽ có thể đến thăm những nơi hằng mơ ước này.

Một năm đáng ghi nhớ sắp tới

Đức Phanxicô bắt đầu một năm mới bằng cách xin lỗi vì đã thiếu kiên nhẫn. Có thể đây là một điềm lành.

Trước hết, vì điều này cho thấy Đức Phanxicô khiêm tốn đã công khai xin lỗi và nói mình lấy làm tiếc đã làm gương xấu. Nhưng điểm thứ hai cho thấy, qua sự bực mình không kềm được, cũng có một cảm giác bức bách khẩn cấp và cần nghỉ ngơi của Đức Phanxicô.

Đó có thể là một tin rất tốt cho những người nóng ruột chờ các cải cách cụ thể để phù hợp với sự thay đổi não trạng và luân lý mà Đức Phanxicô đã mang đến cho Giáo Hội một cách có hiệu quả.

Không ai có thể đọc được tương lai, nhưng năm 2020 có vẻ là một trong các năm quyết định nhất và quan trọng nhất cho lịch sử gần đây của Giáo Hội Công giáo La Mã.


Giuse Nguyễn Tùng Lâm
dịch