Đạo đức Giáo hội: chúng ta có nên chống giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Phanxicô không?

Phanxico.vn (6/10/2023) – Cách đây đúng ba mươi năm, thông điệp Chân lý Rạng ngời Veritatis Splendor của Đức Gioan Phaolô II ra đời, nhắc lại tính chất phổ quát và bắt buộc của luật luân lý của Giáo hội. Linh mục Alain Thomasset, nhà thần học luân lý (1), giải thích tầm quan trọng của thông điệp cũng như sự thay đổi trong quan điểm mà tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia mang lại năm 2016.

Đức Gioan-Phaolô II trong chuyến tông du Pháp năm 1980. AFP

La Croix: Vì sao phải đọc lại thông điệp Chân lý Rạng ngời ba mươi năm sau? Vì sao thông điệp này lại quan trọng?

Linh mục Alain Thomasset: thông điệp Chân lý Rạng ngời của Đức Gioan Phaolô II công bố ngày 5 tháng 10 năm 1993, là tài liệu quan trọng cho giáo huấn luân lý của Giáo hội. Trong bối cảnh mà ngay cả giữa các tín hữu kitô cũng đã có xu hướng mạnh mẽ hướng tới chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa chủ quan trong nền văn hóa chung quanh, Thông điệp này nhắc lại những chân lý căn bản của giáo lý công giáo và mang lại nền tảng cho đạo đức kitô giáo.

Trước tiên, thông điệp giải thích, đời sống luân lý là “đi theo Chúa Kitô”, ước muốn làm cho cuộc sống của mình phù hợp với cuộc sống của Chúa Kitô nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Các điều răn là để phục vụ cuộc sống và ước muốn này, phục vụ hạnh phúc của mỗi người, phục vụ tình yêu là trọng tâm của nó.

Ngài tái khẳng định sự tồn tại của những giới luật luân lý phổ quát và bất di bất dịch, dựa trên bản chất con người và phẩm giá con người, những điều này phải được phát huy và tôn trọng. Ngài cảnh báo mối nguy hiểm của chủ nghĩa tương đối sẽ phủ nhận những chuẩn mực phổ quát này, và chủ nghĩa chủ quan sẽ để mọi người tự quyết định điều gì theo họ là tốt. Nhưng, không được cô lập lương tâm. Có một tính khách quan của đời sống luân lý, hướng tới điều thiện và dựa trên việc đi tìm sự thật. Có những hành vi mất nhân tính và phải luôn tránh: giết người, nói dối, hiếp dâm, ngoại tình, v.v. Vì thế thông điệp Chân lý Rạng ngời bảo vệ khả năng có một luân lý chung cho nhân loại và phẩm giá của mỗi người, bất kể họ là ai.

Cuối cùng, ngài quay trở lại với thẩm quyền của Huấn quyền trong các vấn đề đạo đức, và tầm quan trọng của những cân nhắc này với công việc mục vụ của Giáo hội, trong một văn hóa và một xã hội nơi ý thức đạo đức đã bị yếu.

Thông điệp đòi hỏi khắt khe và tương đối kỹ thuật (ban đầu chỉ gởi cho các giám mục) nhằm trước hết là học thuyết. Việc tiếp nhận không hề dễ dàng: thông điệp bị chỉ trích vì sự sắc bén của một số khẳng định và vì sự im lặng trong việc thực hiện đạo đức một cách thực tế trong đời sống của tín hữu kitô.

Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô về niềm vui tình yêu trong gia đình, công bố năm 2016, đã soi sáng hay làm rung chuyển thông điệp này như thế nào? Vị trí Đức Phanxicô dành cho phân định và lương tâm có tương đối hóa tính chất phổ quát của các giới luật luân lý không?

Trong tông huấn Niềm vui Tình yêu Amoris Laetitia, với tư cách là mục tử nhân lành, Đức Phanxicô không phải không biết khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa của xã hội, ngài không quay trở lại với giáo lý. Ngài mong muốn loại trừ lối giải thích cứng nhắc về đạo đức gia đình, đã làm cho nhiều tín hữu kitô xa Giáo hội. Ngài quan tâm đến sự đa dạng và phức tạp trong hoàn cảnh thực tế của các cặp vợ chồng. Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã ly dị và tái hôn, những người mà sự đa dạng của các tình huống không còn có thể bị giới hạn vào những phạm trù quá đơn giản, dẫn đến việc loại trừ họ.

Quan điểm mang tính mục vụ hơn là giáo lý. Thông điệp tìm cách đến với mọi người trong những tình huống đặc biệt, khó xử và khó khăn mà cuộc sống làm cho họ phải đối diện với lương tâm của họ. Thông điệp nhắc lại tính khách quan của luật pháp và đặc điểm cấu trúc của nó, khẳng định sự phân định luân lý trong một tình huống là sự bổ sung thiết yếu cho việc tôn trọng các tiêu chuẩn và luật pháp.

Hơn nữa, Đức Phanxicô nhắc, đời sống luân lý không chỉ bao gồm hay chủ yếu là tuân theo lề luật bên ngoài. Đó là hành trình thiêng liêng, trong đó lương tâm có vai trò căn bản. Quy luật đạo đức, dù thiết yếu, cũng không bao giờ đủ để xác định tính đạo đức của một hành vi. Lương tâm, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, phải đưa ra phán đoán trong những hoàn cảnh cụ thể, trong đời sống cá nhân, điều mà luật pháp không thể đoán trước được. Giáo hội phải giúp đào tạo lương tâm chứ không phải thay thế lương tâm.

Dĩ nhiên việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội phải nhắc lại sức mạnh của những tiêu chuẩn đạo đức và giúp con người chân thật trước mặt Thiên Chúa, để dấn thân trên con đường thánh thiện. Nhưng Giáo hội cũng phải noi gương Chúa Kitô, phân định các tình huống và đồng hành với lòng thương xót và dịu dàng. Đời sống đạo đức là con đường có tiến bộ, có thất bại. Đức Phanxicô tái khẳng định tính ưu việt hàng đầu của đức ái.

Nếu thông điệp Chân lý Rạng ngời tìm cách tránh tình trạng lỏng lẻo thì tông huấn Niềm vui Tình yêu nhằm tránh sự nghiêm khắc về mặt pháp lý. Vì thế chúng ta phải đọc cả hai cùng với nhau. Đức Gioan-Phaolô II nhắc lại các nền tảng giáo lý, Đức Phanxicô giải thích việc áp dụng mục vụ cho chúng. Giáo lý và mục vụ không thể tách rời. Luật pháp phục vụ cuộc sống con người chứ không ngược lại.

Việc nói rằng chúng ta phải đọc hai thông điệp cùng nhau có mở ra những con đường suy tư mới cho thần học luân lý không?

Truyền thống của Giáo hội phát triển nhờ sự tái cân bằng liên tục. Như hồng y Christoph Schönborn đã nhắc nhở, giống như khi chúng ta đọc Vatican I dưới ánh sáng của Vatican II, chúng ta phải đọc Veritatis Splendor dưới ánh sáng của Amoris Laetitia và tính liên tục của nó. Điều này mở ra những quan điểm mới cho thần học luân lý.

Động lực do tông huấn Amoris Laetitia khởi xướng đi theo hướng tái cân bằng từ nền đạo đức quy phạm, tập trung hoàn toàn vào các bổn phận, hướng tới sự chú ý nhiều hơn đến lịch sử đời sống luân lý của con người và đến việc bén rễ trong đời sống thiêng liêng và giáo hội. Nó mở ra sự phát triển của một đạo đức về các nhân đức, những khuynh hướng tự do hướng chúng ta tới điều tốt lành và có được nhờ thực hành. Tập trung sự chú ý vào việc rèn luyện đạo đức, một thách thức thực sự ngày nay.

Nói rộng hơn, với sự xem xét kỹ lưỡng hơn về hoàn cảnh và ý định của con người, theo tôi, tông huấn Amoris Laetitia dường như có thể tạo ra một cuộc đổi mới thần học luân lý nhằm hợp nhất hơn nữa luân lý tình dục và luân lý xã hội.

Linh mục Dòng Tên Alain Thomasset, giáo sư thần học luân lý tại Trung tâm Sèvres – Phân khoa Dòng Tên Paris, tác giả sách: Một đạo đức uyển chuyển nhưng không phải không có la bàn. Trả lời những nghi ngờ của bốn hồng y về tông huấn Amoris Laetitia (Une morale souple mais non sans boussole. Répondre aux doutes des quatre cardinaux à propos d’Amoris Laetitia, cùng với linh mục Dòng Đa Minh Jean-Miguel Garrigue, nxb. Cerf, 2017) và Gia đình, đẹp đẽ và mong manh! Thực hiện tông huấn Amoris Laetitia trong Giáo hội (Familles, belles et fragiles! Mettre en œuvre l’exhortation Amoris Laetitia dans l’Église với Oranne de Mautort, nxb. Fidélité, 2020).

www.la-croix.com, Christel Juquois, 2023-10-05 (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch)