Đại lễ Chúa Kitô-Vua Vũ Trụ và Mùa Vọng

GPVO (22/12/2021) – Bài suy niệm 2 này mang dáng dấp một bài nghiên cứu thần học hơi chi li dài dòng, muốn bổ sung cho bài suy niệm 1 ngắn gọn hơn, vì trong cả ba cuộc ĐẾN (hoặc “Giáng lâm”, “Adventus”, “Xuất hiện”) của Chúa Giêsu mà Phụng Vụ Mùa Vọng đề cập, thì Chúa luôn được Hội Thánh tôn thờ như vị VUA thực thi vương quyền trên từng tín hữu, trên tập thể Dân Chúa, trên cả loài người và vũ trụ bao la, trong tư cách “Đấng Cứu Chuộc = Redemptor” (hoặc “Đấng Giải Phóng = Liberator”) “Đấng Cứu Độ” (hoặc “Cứu Rỗi = Salvator”). Chúng ta sẽ thấy tác giả thư Do thái phân biệt rõ – nhưng không tách biệt hẳn — hai vai trò này của Chúa: trong cuộc XUẤT HIỆN đầu tiên là Đấng Cứu Chuộc và trong cuộc XUẤT HIỆN cuối cùng là “Đấng Cứu Độ” theo nghĩa tròn đầy nhất (x. Dt 9, 26. 28), nhưng Phụng Vụ Mùa Vọng vẫn nhận ra hai vai trò đó của Chúa trong cả ba cuộc ĐẾN như sẽ được giải thích dưới đây.

1. Trước tiên, cần ghi nhận rằng nhiều người thường hiểu Mùa Vọng như thời gian Dân Chúa được mời gọi hướng lòng về Đại Lễ Giáng Sinh, nhưng năm nay, thêm một lần nữa, là một lễ Giáng Sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Dù chia sẻ nỗi lo âu chung của đồng bào, đồng loại, chúng ta vẫn được phép VUI, một niềm VUI thiêng liêng đầy tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa là Cha, vì “yêu thế gian đến nỗi Người đã ban Con Một”(x. Ga 3, 16), để làm “Anh Cả của một đàn em đông đúc” là chúng ta, những người đang cần ơn cứu chuộc và cứu độ (x. Rm 8, 29). Mùa Vọng giúp mỗi người chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Quà Tặng thần linh đó, là chính Hài Nhi Giêsu mà Mẹ Maria cưu mang tại Nadarét do quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35; Mt 1, 18. 20), và sinh hạ trong Hang Chiên Cừu tại Bêlem giữa đêm đông lạnh lẽo trong cảnh “ngoại vi cô đơn”, vì “hai ông bà (Giuse và Maria) không tìm được chỗ trong nhà trọ”(x. Lc 2, 7) nghĩa là chẳng được ai tiếp nhận; nhưng cảnh “ngoại vi cô đơn” ấy lại đầy ắp ánh sáng và thánh ca du dương của các Thiên Thần đến loan báo Tin Mừng trọng đại cho các mục đồng, là đại diện tiêu biểu cho mọi người nghèo thuộc mọi thời đại: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (x. Lc 2, 8-14). Đó là nền tảng Phúc Âm của niềm VUI thiêng liêng mà mọi Kitô-hũu chân chính trải nghiệm, rất khác với các thứ niềm vui thế tục của những người biến lễ No-en liên kết với Tết dương lịch thành cơ hội mua sắm, tặng quà cho thân hữu, vui chơi, đi du lịch, và làm kinh tế…

2. Tuy nhiên, theo hướng nhìn của Mẹ Hội Thánh, Hài Nhi Giêsu “hiền lành và khiêm nhường”, giống như Thân Mẫu Maria và Dưỡng Phụ Giuse, mà chúng ta chuẩn bị bằng Phụng Vụ Mùa Vọng để đón tiếp long trọng và hân hoan trong Đại Lễ Giáng Sinh được nối dài sang Mùa Phụng Vụ Giáng Sinh, như là cách thiết thực tưởng niệm và hiện tại hóa cuộc ĐẾN đầu tiên của Người, và chính Người SẼ XUẤT HIỆN ở thời điểm kết thúc lịch sử cứu độ trong tư cách “Đấng Kitô Đức Chúa-Vua Vũ Trụ” theo nghĩa trọn vẹn nhất, — mặc dù Người vẫn hiện đang là Vua, nhưng trong cảnh tranh tối tranh sáng, vì còn rất nhiều người chưa nhìn nhận vương quyền của Người, thậm chí tìm cách loại trừ Người, – còn vào ngày TẬN THẾ, Người sẽ ĐẾN “trong vinh quang và oai hùng” để phán xét mọi người, nhưng luôn luôn “với trái tim hiền lành và khiêm nhường” và thân xác Phục Sinh của Người vẫn mang đầy đủ Năm Dấu Đinh Thập Giá (x. Ga 20, 25.27), được Giáo Hội mừng trọng thể trong ngày đại lễ đỉnh cao cuối cùng của Năm Phụng Vụ (vào Chúa Nhật 34 thường niên). Hai cuộc ĐẾN này của Chúa Cứu Chuộc và Cứu Độ được trình bày nổi bật trong Phụng Vụ Mùa Vọng, với điểm nhấn khá rõ nét dành cho cuộc Giáng Lâm của Vị Vua Thẩm Phán cánh chung trong hai tuần đầu Mùa Vọng, và tập trung nhiều hơn trong hai tuần sau vào cuộc ĐẾN thứ nhất trong quá khứ, nhưng vẫn ít nhiều xen kẽ vào nhau trong cả bốn tuần.

3. Hội Thánh bắt đầu bằng việc nhắc nhở chúng ta chuẩn bị tâm hồn, ngay trong hiện tại, cho cuộc ĐẾN thứ hai của Chúa trong tư cách VUA VŨ TRỤ mà không ai biết sẽ xảy ra lúc nào (do đó, ta cần tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ trong hy vọng và mong chờ). Sở dĩ Giáo Hội làm như thế là vì muốn khơi dậy trong Dân Chúa của thời Tân Ước tâm thế tương tự như thái độ mong chờ trong TIN, YÊU và HY VỌNG của Số Sót trung thành, được gọi là “mầm giống thánh thiện” (x. Is 4, 3; 6, 13) trong Dân Chúa của thời Cựu Ước, hướng về cuộc ĐẾN đầu tiên của ĐẤNG THIÊN SAI (MÊ-SI-A), như nhiều ngôn sứ đã tiên báo. Thực ra, các ngài cũng đã tiên báo một cách kín đáo về lần ĐẾN thứ hai của Đức MÊ-SI-A nữa (một ví dụ tiêu biểu: trích đoạn từ sách Ngôn sứ Ma-la-khi (Ml 3, 1-5), theo cách chú giải của thánh Cy-ri-lô, Giám mục thành Giê-ru-sa-lem, trong Bài đọc 2 của Giờ Kinh Sách, Chúa nhật I Mùa Vọng: Hai cuộc giáng lâm của Đức Kitô), mà tác giả Thư Do Thái đã xác nhận rõ ràng rằng: “Chúa Kitô đã xuất hiện lần thứ nhất để xóa bỏ tội lỗi (tức cứu chuộc) muôn người…, và sẽ xuất hiện lần thứ hai… để cứu độ những ai trông đợi Người” (x. Dt 9, 26. 28). — Như vậy Thư Do Thái hiểu “ơn cứu độ” theo một nghĩa sâu và rộng hơn “ơn cứu chuộc”, vì việc xóa bỏ tội lỗi là khởi đầu cần thiết của ơn cứu độ, và được ơn cứu độ kiện toàn theo cách giải thích của thánh Phaolô như sau: “… chúng ta còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (x. Rm 8, 23). “Thân xác được cứu chuộc” có nghĩa là thân xác đã chết nay được phục sinh để tái hợp với linh hồn. Chính con người toàn vẹn của tín hữu, gồm linh hồn đã được thánh hóa/công chính hóa cách hoàn hảo bởi tin vào Chúa Giêsu, nay tái hợp với thân xác của mình được chính Chúa Giêsu cho sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 6, 39-40) tức là trong lần ĐẾN thứ hai của Người, sẽ được hưởng ơn cứu độ theo nghĩa tròn đầy nhất, đó là cả xác và hồn được sống vĩnh hằng trong vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh và trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh – tương tự như Đức Trinh Nữ Maria với đặc ân được Thiên Chúa ban cho Xác Hồn Lên Trời” — Ta nên tập nói chính xác như thế cho đúng thứ tự “Xác Hồn” vốn mang ý nghĩa tinh tế, sâu sắc trong công thức định tín của ĐGH Piô XII năm 1954 và mọi văn bản Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội, và không nên tự ý đảo lại một cách tùy tiện thứ tự Xác Hồn” thànhHồn Xác”–. Theo lời khẳng định mạnh mẽ của Thánh Phaolô, chỉ vào lúc ấy chúng ta mới “được Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con (x. Rm 8, 23), nghĩa là trước đó ta chỉ hưởng một quyền làm con chưa trọn vẹn.

Cả hai cuộc ĐẾN của Chúa Giêsu đều được nhắc minh nhiên nhiều lần trong Phụng Vụ Mùa Vọng – không thể kể hết ở đây bao nhiêu lần! –. Chúng ta chỉ thấy rõ chính Mẹ Hội Thánh mời gọi tất cả con cái hãy sống lòng TIN+CẬY+MẾN với xác tín sâu sắc hướng về cả hai cuộc ĐẾN ấy của Chúa, tức là cuộc ĐẾN mang tính lịch sử và cuộc ĐẾN mang tính cánh chung. Nổi bật nhất cho cách hiểu này là Bài giáo huấn tiền thánh tẩy của thánh Cy-ri-lô, Giám mục thành Giê-ru-sa-lem (t.k. IV) đã nhắc tới trên đây, và Kinh Tiền Tụng I Mùa Vọng, cộng thêm lời cầu số 125 trong Nghi Thức Hiệp Lễ là nghi thức áp chót của toàn bộ Nghi Thức Thánh Lễ có giáo dân tham dự trong Sách Lễ Rô-ma (liền sau Kinh “Lạy Cha”): “… chúng con sẽ được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúcngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con”. Câu tô đậm này cho phép chúng ta liên kết thái độ “mong đợi cuộc ĐẾN mang tính cánh chung của Chúa Giêsu” với nhân đức CẬY, tức niềm HY VỌNG, và Chúa Giêsu xuất hiện trong cuộc ĐẾN cuối cùng trong tương lai với tư cách Đấng Cứu Độ theo cách hiểu của Thư Do Thái (Dt 9, 28).

4. Nhưng khẩn trương hơn cả là việc Phụng vụ Mùa Vọng dựa vào một bài giảng của thánh Bê-na-đô (t.k. XII) để kêu mời chúng ta hãy đón rước Chúa ĐẾN trong trái tim mình từng ngày trong hiện tại, mà vị Viện phụ thông thái của Dòng Xi-tô gọi là “lần ĐẾN thứ ba ở giữa hai lần kia và là đường đưa từ lần đầu tới lần cuối” (x. Bài giảng về “Ngôi Lời của Thiên Chúa sẽ ngự đến giữa chúng ta”, trong Bài đọc 2 của Giờ Kinh Sách, ngày thứ tư tuần I Mùa Vọng). Thánh nhân là người đầu tiên có sáng kiến gọi đó là “lần ĐẾN THỨ BA của Chúa” và nhấn mạnh rằng: cần tuân giữ Lời Thiên Chúa như bằng cớ chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa Kitô và như chìa khóa mở lòng chúng ta đón tiếp Người và Cha của Người ĐẾN với chúng ta (x. Ga 14, 23). Điều mà vị thánh đan sĩ được phong tiến sĩ Hội Thánh gọi là “lần ĐẾN thứ ba”, thì chúng ta được phép hiểu là “cuộc ĐẾN mang tính hiện sinh của Chúa Giêsu” trong tâm hồn và cuộc sống mỗi tín hữu “tại đây, lúc này”. Thánh Giám mục Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô (t.k. XVI) tiếp nối tư tưởng của thánh Bê-na-đô bằng cách nhấn mạnh thêm hai điều: Một là, trong Mùa Vọng “Giáo Hội khuyên mời chúng ta luôn nhớ đến tình yêu vô ngần Thiên Chúa Cha biểu lộ cho chúng ta khi sai Con Một giáng thế để cứu chúng ta (x. Ga 3, 17)”; vậy, hãy nhờ đức tin và các bí tích mà lãnh nhận ơn thánh” trọng đại nhất là chính “Con Một mà Chúa Cha ban tặng, vì yêu thương ta vô ngần” (x. Ga 3,16). Hai là, “Giáo Hội dùng các bài thánh vịnh và thánh ca, các lời kinh và nghi lễ do Chúa Thánh Thần linh hứng để dạy chúng ta biết đem lòng cảm tạ mà đón nhận hồng ân ấy” (x. Trích thư mục vụ về “Ý nghĩa Mùa Vọng”, trong Bài đọc 2 của Giờ Kinh Sách, ngày thứ Hai/ tuần I Mùa Vọng).

Như vậy, ngay trong phần đầu Mùa Vọng, Phụng Vụ nhấn mạnh đặc biệt ý nghĩa của việc đón tiếp cuộc ĐẾN mang tính hiện sinh của Chúa trong hiện tại như một sự chuẩn bị thiết thực cho việc nghênh đón Chúa ĐẾN vào thời cánh chung trong tương lai.

5. Đến đây, chúng tôi cảm thấy được thúc bách tổng hợp ý nghĩa hàm ẩn trong cả ba cuộc ĐẾN của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, Cứu Độ và Vua được Phụng Vụ Mùa Vọng đề cập, trong tương quan thiết yếu với ba Nhân Đức Đối Thần TIN+CẬY+MẾN nơi thâm sâu tâm hồn tín hữu, và mầu nhiệm THIÊN CHÚA BA NGÔI CHÍ THÁNH vừa là tác nhân thúc đẩy chúng ta chọn thái độ sống, vừa là đối tượng của lòng TIN, lòng CẬY, lòng MẾN của chúng ta. Ba nhân đức này quyện vào nhau nơi trái tim mỗi tín hữu, cũng như ba cuộc ĐẾN của Chúa Giêsu có liên hệ mật thiết với nhau trong lịch sử cứu độ của cả loài người, nhưng mỗi nhân đức vẫn ghi dấu nhấn đậm nét hơn trên mỗi một của các loại cuộc ĐẾN của Chúa. Cụ thể là: Thân-tâm mỗi tín hữu-hướng về cuộc ĐẾN mang tính lịch sử của Chúa Giêsu gồm mọi hành vi cũng như lời nói của Người, đã xảy ra trong quá khứ, ưu tiên bằng KÝ ỨC được kích hoạt bởi đức TIN của chúng ta trong hiện tại, không những để tưởng niệm trong niềm vui và lòng biết ơn, mà còn vì TIN rằng hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh hiện tại hóa các sự kiện quá khứ đó và làm toát ra tác dụng thánh hóa mỗi tín hữu;

– hướng về từng lần ĐẾN mang tính hiện sinh của Chúa Giêsu, chủ yếu bằng Ý CHÍ được linh hoạt bởi đức MẾN của chúng ta trong hiện tại, để đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho mình bằng tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại (x. 1Ga 4, 19-21). Cần nói rõ: không chỉ “hướng lòng về”, mà thực sự đón tiếp Đấng Cứu Chuộc ĐẾN trong trái tim và cuộc sống thực tế của mình, để gieo mầm ơn Cứu Độ với khả năng sẽ làm cho thân xác phàm hèn đã phải chấp nhận trở về với thân phận bụi đất [x. St 3, 19; Tv 89(90), 3] được phục sinh vinh hiển, để hưởng “trọn quyền làm con” của Cha trên trời, sau Chúa Giêsu là “Anh Cả giữa một đàn em đông đúc” (x. Rm 8, 29);

– và hướng về cuộc ĐẾN mang tính cánh chung của Chúa Giêsu trong tương lai, nổi bật bằng tâm thế kiên trì CHỜ ĐỢI trong hiện tại, được thúc đẩy bởi đức CẬY của chúng ta là niềm HY VỌNG siêu nhiên (x. Rm 8, 25). Lần này Chúa ĐẾN trong vị thế ĐẤNG CỨU ĐỘ theo cách hiểu độc đáo của thư Do Thái (Dt 9, 28) và VUA VŨ TRỤ ngự trên ngai vinh hiển phán xét và thưởng phạt người lành kẻ dữ như chính Chúa đã tiên báo cho mọi người biết (x. Mt 25, 31-46).

Đúng như thánh Phaolô đã viết: “Hiện nay đức TIN, đức CẬY, đức MẾN, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức MẾN” (1Cr 13, 13). – Dịch sát như cha Nguyễn Thế Thuấn, thì “đức MẾN lớn hơn cả”. — Nghĩa là “hiện nay”, ba nhân đức trụ cột ấy “đều tồn tại” một cách sinh động nhưng sinh động hơn cả, mạnh mẽ hơn cả, có ảnh hưởng lớn lao hơn cả chính là đức MẾN, dĩ nhiên không hề tách rời khỏi đức TIN và đức CẬY.

Và chính thái độ của mỗi người trong từng khoảnh khắc hiện tại có mở lòng đón nhận TÌNH YÊU và đáp trả TÌNH YÊU của Thiên Chúa bằng Tình Yêu của mình hay không, khi đón tiếp Chúa Giêsu trong từng lần ĐẾN mang tính hiện sinh của Người, mà theo cách nói của thánh Bê-na-đô là cuộc ĐẾN THỨ BA ở giữa hai cuộc ĐẾN kia, và xảy ra ở ngay giữa trái tim ta, sẽ xác định vận mệnh vĩnh cửu của mỗi người có thực sự được CỨU CHUỘC và CỨU ĐỘ hay không? Điều này cho thấy: quan trọng hơn cả chính là việc mỗi tín hữu đón tiếp Đấng Cứu Chuộc và Cứu Độ ĐẾN trong trái tim và cuộc sống của mình trong hiện tại bằng nhiều việc làm khác nhau: qua Lời Chúa được lắng nghe-suy niệm-và đem ra thực hành; qua các Bí tích – đặc biệt Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô-hữu” (x. GH số 11) – được cử hành đúng ý Hội Thánh; qua kinh nguyện chung và riêng do “Thần Khí Cầu Nguyện Và Sốt Mến Thánh Hảo” linh hứng; và qua những hành động bác ái mình làm cho tha nhân, đặc biệt cho người nghèo, mà Chúa hiểu là như làm cho chính Chúa vậy (x. Mt 25, 31-46). Thái độ sống thiết thực như thế hoàn toàn phù hợp với câu kết bài ca của thánh Phaolô về Đức MẾN (1Cr 13, 1-13).

6. Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng yếu tố nổi bật trong bầu khí Phụng Vụ Mùa Vọng – đặc biệt vào Chúa Nhật III mang tên “Chúa Nhật Hồng” — là NIỀM VUI siêu nhiên do Chúa Giêsu đem đến ban tặng loài người trong tư cách Đấng Cứu Chuộc, Đấng Cứu Độ và Vua Vũ Trụ. Nhưng điều gì mang lại NIỀM VUI siêu nhiên ấy? –Thưa là được THẤY Thiên Chúa, như mọi tín hữu chân chính trong Cựu Ước (x. Is 52, 8) và Tân Ước (x. Ga 14, 8) hằng khát mong. Tuy nhiên, Thiên Chúa của Kinh Thánh là “Thiên Chúa ẩn mình” (x. Is 45, 15), và chỉ tỏ mình cho những ai Người muốn cho thấy Người, theo cách thức do Người chọn. Trong thực tế, loài người có thể dùng khả năng của các giác quan và trí khôn quan sát công trình tạo dựng để hình dung, theo nghĩa là THẤY và BIẾT một cách nào đó, sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa đầy tài trí, quyền năng, lòng tốt và tình thương…; nhưng thánh Phaolo phàn nàn rằng: “tuy họ BIẾT Thiên Chúa như thế, họ vẫn không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo …”(x. Rm 1, 19-20). Riêng Dân ưu tuyển Ít-ra-en được ban thêm những lời mạc khải của Thiên Chúa qua các ngôn sứ và chế độ phụng tự trong Luật Môsê. Nghĩa là họ THẤY và BIẾT Thiên Chúa tương đối rõ hơn lương dân. Thế rồi, “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử…” (Gl 4, 4-5). Người phụ nữ đó là Đức Trinh Nữ MARIA-ĐẦY-ÂN-SỦNG, qua tiếng ECCE (Này tôi đây là Nữ Tỳ) và tiếng FIAT (tôi xin vâng) của mình (x. Lc 1, 38), đánh dấu biến cố bản lề của lịch sử cứu độ, là cuộc Giáng Lâm thứ nhất của Chúa Giêsu, với nội dung được mô tả trong bốn sách Phúc Âm, các sách này lại được những bản văn khác của Tân Ước giải thích nhằm giúp các tín hữu hiểu đúng, hiểu sâu “tất cả những việc Đức Giêsu đã làm và những điều Người đã dạy” (x. Cv 1, 1). Khát vọng da diết của các tín hữu thuộc mọi thời muốn THẤY Thiên Chúa chỉ được thỏa mãn thực sự nhờ Ngôi Lời Nhập Thể theo cách giải thích của Người, đó là: Vị Thiên Chúa vô hình và ẩn mình đã từng được các ngôn sứ giới thiệu, mà “chưa bao giờ có ai THẤY cả” (x. Ga 1, 18), nay người tín hữu của thời Tân Ước có thể BIẾT và THẤY Người một cách đặc biệt với một số điều kiện nhất định.

– Điều kiện thứ nhất mang tính tiên quyết gồm hai nội dung:  

+ Một là, TIN vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, “được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian” (x. Ga 10, 36), “để nói những lời của Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa ban Thần Khí vô ngần vô hạn”(x. Ga 3, 34); nghĩa là “được Thiên Chúa dùng Thần Khí đầy sức mạnh như Dầu thiêng mà xức để tấn phong làm Đấng Thiên Sai” (x. Cv 10, 38);

+ đồng thời, TIN điều Người quả quyết rõ ràng sau đây: “ TÔI VÀ CHA TÔI LÀ MỘT” (Ga 10, 30), do đó “AI THẤY TÔI LÀ THẤY CHA TÔI “ (Ga 12, 45; 14, 9); “AI BIẾT TÔI LÀ BIẾT CHA TÔI “ (Ga 14, 7). Diễn tả cách khác, Chúa Giêsu là “hình ảnh (hữu hình) trung thực của bản thể Thiên Chúa (vô hình), và “phản ánh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa” là Cha của Người (x. Dt 1, 3).

– Điều kiện thứ hai: “Phải có trái tim trong sạch, thì mới NHÌN THẤY Thiên Chúa” (Mt 5, 8).“Trong sạch” ở đây có nghĩa rất rộng và sâu.

“Nếu ai trong chúng ta dám nói: mình không có tội, người đó tự lừa dối mình! Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chinh” (1Ga 1, 8-9). “Chính Thiên Chúa đã thánh hiến và sai Con Một của mình vào thế gian” (Ga 10, 36) “làm của lễ đền bù tội lỗi chúng ta và tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2, 2). Vì thế, khi bắt đầu rao giảng công khai cho dân chúng, Chúa Giêsu mời gọi mọi người “hãy hoán cải và tin vào Phúc Âm” (Mc 1, 15). Hai nội dung cô đọng của chương trình sống này được Người triển khai thành Tám Mối Phúc Thật mở đầu Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5, 1-12). Theo đó, muốn THẤY Thiên Chúa thì phải NHÌN bằng con mắt của TRÁI TIM chứ không phải bằng con mắt THỂ XÁC, và thánh Phaolô giải thích rằng: “đôi mắt của trái tim các tín hữu cần được chính Thiên Chúa soi sáng và ban cho Thần Khí khôn ngoan để mạc khải cho họ biết Thiên Chúa” (x. Ep 1,17-18). Thánh Tông đồ không trực tiếp nhắc tới khía cạnh “trong sạch” – có thể được hiểu ngầm là kết quả do sinh hoạt của “Thần Khí khôn ngoan soi sáng và mạc khải cho các tín hữu biết Thiên Chúa”; và thay vì “THẤY Thiên Chúa”, ngài dùng cụm từ “BIẾT Thiên Chúa”. Thực ra, chính Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng: “Biết” và “Thấy” đồng nghĩa với nhau (x. Ga 14, 7: “Nếu anh em BIẾT Thầy, anh em cũng BIẾT Cha Thầy; ngay từ bây giờ, anh em BIẾT Người và đã THẤY Người”; và x. Ga 14, 9: “Ai THẤY Thầy là THẤY Chúa Cha”). Riêng thánh Phanxicô Assisi triển khai thêm tư tưởng của thánh Phaolô bằng cách gọi “đôi mắt của trái tim(“oculi cordis” trong thư Ê-phê-sô) là “những con mắt thiêng liêng” (oculi spirituali: x. Huấn ngôn 1, 20-21), mà thánh Bônaventura nhắc lại bằng cụm từ “oculum mentis, con mắt của linh hồn” (trong “Itinerarium mentis in Deum, Lộ trình của linh hồn lên cùng Thiên Chúa”, chương VI, số 2), vì chúng phải được “Lửa Thánh Linh thanh luyện, soi sáng, nung nấu và thúc đẩy người mang trái tim có đôi mắt như thế bước theo dấu chân Chúa Kitô, đến với Chúa Cha, để được cả Ba Ngôi Thiên Chúa sai đi ĐẾN với mọi người trên thế giới với nhiệm vụ dùng lời nói và việc làm mà làm chứng cho tiếng nói của Thiên Chúa” (x. Thư của thánh Phanxicô gửi Toàn Dòng OFM, câu 50-52 và 8-9).

Về lời tuyên bố của Chúa Giêsu “Ai thấy Tôi là thấy Cha Tôi” (Ga 12, 45; 14, 9), chúng ta cần chú ý thêm điều này nữa. Một cách minh nhiên, Phụng vụ Mùa Vọng mời gọi chúng ta đón tiếp Chúa Cứu Chuộc, Cứu Độ và Vua trong ba cuộc ĐẾN do Người chủ động. Nhưng lạ thay, trong cuộc ĐẾN thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm, chính Người đã lên tiếng mời gọi một số người ĐẾN với mình, ít nhất ba lần tiêu biểu sau đây:

– Lần thứ nhất, Người nói với hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “ĐẾN mà XEM” – nghĩa là “nhìn XEM” và “nhìn THẤY” nơi Người ở và cách Người sống, rồi hãy quyết định Ở LẠI VỚI NGƯỜI, nghĩa là trở thành môn đệ của Người hay không (x. Ga 1, 39)?

– Lần thứ hai, Người nói với anh thanh niên giàu có kia: Hãy chấp nhận lời khuyên của tôi: “Chia sẻ hết của cải cho người nghèo, rồi ĐẾN mà ĐI THEO TÔI” (x. Mc 10, 21). Chúa trìu mến nhìn anh ta, để cho anh ta suy nghĩ và tự do quyết định.

– Lần thứ ba, Người nói với mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy ĐẾN VỚI TÔI” — với ba việc cần làm ngay –: “để nghỉ ngơi bồi dưỡng”; “để mang lấy ách của tôi”– tức là “LỀ LUẬT CỦA TÔI”; và đặc biệt nhất, “để học gương tôi là mang trong mình một trái tim hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11, 28-30). Lời mời gọi thứ ba này cho chúng ta hiểu thêm rằng “sự trong sạch của trái tim” người tín hữu được đề cập ở mối phúc thứ sáu (x. Mt 5, 8) cũng bao gồm đức hiền lành ở mối phúc thứ hai (x. Mt 5, 4) và đức nghèo khó trong tinh thần ở mối phúc thứ nhất (x. Mt 5, 3) thường được xem là đồng nghĩa với đức khiêm nhường. Việc ứng dụng phương pháp phân tích và đối chiếu văn bản ở đây cho phép kết luận rằng: chính Chúa Giêsu đã thực hiện cách hoàn hảo những điều Người dạy bảo các môn đệ, đặc biệt trong bài Tám Mối Phúc Thật, để nêu gương cho họ.

– Để học gương Chúa Giêsu, tất nhiên phải NGHE lời Người nói, nhìn XEM và nhìn THẤY việc Người LÀM và cách Người SỐNG, nhất là TIN vào Người.

– Những điều vừa trình bày trên đây chứng tỏ rằng: “Trái tim trong sạch” như điều kiện cần có để có thể “THẤY THIÊN CHÚA” trong Tám Mối Phúc Thật mang một nghĩa sâu và rộng biết dường nào! Sự trong sạch của trái tim không chỉ giới hạn vào tình trạng “không phạm tội”, nhưng trái tim đó còn được tô điểm bằng nhiều nhân đức như: nghèo khó, hiền lành, mong chờ sự an ủi của Thiên Chúa khi mình phải sầu khổ đến rơi lệ, khao khát sự công chính, biết xót thương người, hiếu hòa và tích cực xây dựng sự bình an với tha nhân, sẵn lòng chấp nhận bị ngược đãi và bách hại (x. Mt 5, 3-11), nhất là chủ động đáp lại lời Chúa mời gọi chúng ta ĐẾN với Chúa để NGHE và NHÌN Chúa, để HỌC trở thành môn đệ Chúa và theo cách nói tóm gọn của thánh Phaolô, để từng bước “trở nên đồng hình đồng dạng” với Con Thiên Chúa, theo đúng ý Chúa Cha (x. Rm 8, 29).

– Chúa Giêsu đúc kết đề tài “THẤY THIÊN CHÚA” như sau: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai THẤY NGƯỜI CON và TIN VÀO NGƯỜI CON, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ SỐNG LẠI TRONG NGÀY SAU HẾT” (Ga 6, 40). Để được “sống muôn đời” một cách phù hợp với “trọn quyền làm con Thiên Chúa” thì thân xác người tín hữu phải được Chúa Giêsu-Đấng Cứu Độ cho sống lại trong cuộc Giáng Lâm cuối cùng (x. Dt 9, 28). Lời quả quyết quan trọng đó phải được hiểu dưới ánh sáng của tất cả những gì vừa trình bày trên đây về thân thế và sứ mạng/sự nghiệp của CON THIÊN CHÚA VÔ HÌNH đã trở thành CON NGƯỜI HỮU HÌNH, để cho bất cứ ai THẤY và TIN NGƯỜI CON HỮU HÌNH thì cũng THẤY và TIN THIÊN CHÚA là CHA VÔ HÌNH TRÊN TRỜI, bởi lẽ Người Con Nhập Thể Hữu Hình và Cha Vô Hình của Người “LÀ MỘT” (Ga 10, 30). Và Người Con Nhập Thể Hữu Hình ấy trở thành “CON ĐƯỜNG” chắc chắn bắt buộc mỗi tín hữu phải đi để ĐẾN VỚI Thiên Chúa là CHA trên TRỜI (Ga 14, 6) trong huyền nhiệm Tình Yêu khôn tả, là bầu khí trong đó Chúa Con THẤY và BIẾT Chúa Cha, một sự THẤY và BIẾT biểu hiện thành lời tâm nguyện:“ABBA, Cha Yêu ơi” (x. Mc 14, 36. 39) thế nào, thì người tín hữu sẽ được phục sinh và lên Trời cả Xác-Hồn cũng sẽ THẤY và BIẾT Chúa Cha một cách hoàn hảo, biểu hiện thành lời tâm nguyện:“ABBA, Cha Yêu ơi” do Chúa Thánh Linh gợi hứng (x. Gl 4, 6; Rm 8, 15) như vậy. Lời tâm nguyện “ABBA” ngắn gọn, đơn giản và mang sắc thái “trẻ thơ” ấy, lại không ngờ là một viên ngọc quý trong kho tàng kinh nghiệm “thần bí” của Hội Thánh, vì nó liên kết người tín hữu, ngay ở đời này, với Ba Ngôi Thiên Chúa trong huyền nhiệm Tình Yêu là “bản chất” của Chúa Cha (x. 1Ga 4, 8. 16), nguồn mạch mọi sự Thánh Thiện, Tốt Lành, Công Chính, tỏa lan trọn vẹn trong vĩnh cửu sang cho Con Một là Ngôi Lời qua đường “sinh thành” (x. Ga 1, 18) và sang cho Chúa Thánh Thần qua đường “nhiệm xuất” (x. Ga 15, 26) – do đó cả Ba Ngôi là đồng bản thể –, rồi tỏa lan, lúc khởi đầu thời gian bằng công trình tạo thành do Chúa Cha thực hiện với sự tiếp tay của Ngôi Lời và Thần Khí Hằng Hữu, sang cho vạn vật vô hình và hữu hình trên trời dưới đất ở mức độ hạn hẹp của thụ tạo (x. câu nói của thánh I-rê-nê, do sách GLHTCG trích dẫn tại số 292).

– Như vậy, THẤY và BIẾT THIÊN CHÚA trong thời Tân Ước là THẤY và TIN Chúa KITÔ như khởi đầu cho việc đón nhận ân huệ được THẤY và BIẾT THIÊN CHÚA BA NGÔI, mà Chúa Kitô đóng vai trò CON ĐƯỜNG dẫn vào (x, Ga 14, 6).

Phần trình bày chi li trên đây chứng tỏ rằng NIỀM VUI trong bầu khí Phụng Vụ Mùa Vọng là ân ban của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và vì NIỀM VUI đó gắn liền với sự NHÌN THẤY THIÊN CHÚA do tác động của cả BA NGÔI trên người tín hữu nhận được ba ân ban TIN+CẬY+MẾN, thế nên khả năng NHÌN THẤY THIÊN CHÚA cũng là ân ban của Ba Ngôi với điểm nhấn của từng Ngôi Vị trên mỗi giai đoạn của lịch sử cứu độ. Vì chính Ngôi Lời Nhập Thể đã trực tiếp mạc khải cho các Tông Đồ và thế hệ các Môn Đệ tiên khởi biết mầu nhiệm Một Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi (x. Mt 28, 19), và xác nhận rằng Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha (x. Ga 14, 10-11), và “Người được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian” (x. Ga 10, 36), “để nói những lời của Chúa Cha, vì được Chúa Cha ban Thần Khí vô ngần vô hạn”(x. Ga 3, 34), thế nên ai THẤY, BIẾT và MẾN Chúa Giêsu thì cũng THẤY, BIẾT và MẾN Chúa Cha và Chúa Thánh Linh đang cư ngụ và hoạt động trong Người.

Chúng tôi xin phép trích dẫn một cách trân trọng mấy lời sau đây của thánh Giáo Phụ I-rê-nê trước khi kết thúc bài suy niệm này:

“Loài người tự mình không thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng về phần mình, Thiên Chúa lại muốn được loài người nhìn thấy; còn cho ai, khi nào và như thế nào là tùy ý Người: vì Thiên Chúa có thể làm mọi sự.

– Xưa kia loài người được thấy Thiên Chúa nhờ Thánh Thần qua ơn ngôn sứ;

– Sau đó loài người được thấy Thiên Chúa nhờ Chúa Con qua ơn nghĩa tử;

– Còn trong Nước Trời, loài người sẽ được thấy Thiên Chúa qua tình phụ tử,

bởi vì:

– Thánh Thần chuẩn bị loài người cho Chúa Con,

– Chúa Con dẫn họ tới Chúa Cha,

– còn Chúa Cha ban cho họ sự sống vĩnh hằng không thể hư hoại, do việc mỗi người được nhìn thấy Thiên Chúa.”

(Trích tác phẩm của thánh I-rê-nê, Giám mục, Chống lạc giáo, Bài đọc 2, Giờ Kinh Sách ngày thứ tư, tuần 3 Mùa Vọng: “Khi Đức Ki-tô quang lâm, mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” ).

 Điều kỳ diệu là Niềm VUI siêu nhiên của Mùa Vọng toát ra từ con số 3 thánh thiêng (mà thánh Bonaventura rất thích khai thác ý nghĩa nhân học, linh đạo học và thần học của nó trong tác phẩm quan trọng “Lộ trình…” nêu trên), như vừa trình bày. Riêng Phung Vụ Mùa Chay nhấn mạnh nhiều hơn tinh thần khổ chế, việc tập luyện chiến đấu thiêng liêng, để chuẩn bị cử hành Mầu Nhiệm VƯỢT QUA của Chúa trong Tuần Thánh, với đỉnh cao là TAM NHẬT THÁNH và đại lễ PHỤC SINH. Chính mầu nhiệm VƯỢT QUA, nội dung của những ngày rất thánh đó, trở thành cốt lõi của mỗi Thánh Lễ trong tất cả mọi Mùa Phụng Vụ quanh năm. Thật vậy, Thánh Lễ là cuộc cử hành Bí tích Thánh Thể hằng ngày ở khắp mọi nơi, mang BA ý nghĩa: Tạ ơn+Tưởng niệm+Hiện diện (tức hiện tại hóa) (x. Sách GLHTCG số 1356-1382), và luôn hàm chứa lời nhắc nhở mọi tín hữu: hãy hướng lòng về BA cuộc ĐẾN của Chúa Giêsu.

Chính con số 3 thánh thiêng rất nổi bật này trong Phụng Vụ Mùa Vọng và lan tỏa sang tất cả các mùa khác của Năm Phụng Vụ cho phép kết luận: Linh đạo Kitô-giáo là Linh đạo mang sắc thái Mùa Vọng, và cuộc sống của mỗi Kitô-hữu cũng như của toàn thể Dân Thiên Chúa là một MÙA VỌNG liên tục theo nghĩa sâu sắc và toàn diện nhất của Trái Tim tín hữu được kích hoạt bởi BA nhân đức TIN+ MẾN+ CẬY hướng về BA cuộc ĐẾN mang tính Lịch sử+Hiện sinh+và Cánh chung của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc+Đấng Cứu Độ+và Vua Vũ Trụ, như CON ĐƯỜNG dẫn vào Mầu Nhiệm THIÊN CHÚA BA NGÔI CHÍ THÁNH, là NGUỒN GỐC và CÙNG ĐÍCH của MỌI THỤ TẠO.

                                                                     Chúa Nhật I Mùa Vọng, 28/11/2021, Năm C

 Bài suy niệm 2 của Lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm