Bình an, quà tặng của tình yêu

GPVO (9/11/2023) – Mang trong mình thân phận yếu đuối của con người, ai trong chúng ta đều khao khát được sống một cuộc đời an bình, hạnh phúc. Không ai mong muốn đau khổ cũng không ai ước muốn đau khổ đến với mình. Thế nhưng, đau khổ là điều không thể tránh khỏi của nhân sinh, chúng ta không mong muốn mà tự nó đến. Nói theo ngôn ngữ Kitô giáo thì đau khổ chính là “Thánh giá” Thiên Chúa gửi cho nhân loại, để qua đó, con người được kết hiệp với mầu nhiệm tử nạn của Chúa Kitô, hầu đạt được vinh quang là sự bình an của niềm vui Phục sinh.

Khởi đi từ nền tảng Thánh Kinh, từ tình yêu ban đầu của Thiên Chúa dành cho Nguyên tổ loài người là Ađam và Evà, con người đã được phúc sống trong tình yêu nguyên tuyền, không tỳ vết tội lỗi. Thế nhưng, vì kiêu ngạo, muốn sở hữu mà con người đã đánh mất “tình trạng bình an” mà Thiên Chúa ban cho (St 3, 1-24).  Nơi Vườn Địa Đàng, bóng dáng Thiên Chúa chính là luồng sinh khí ban bình an cho ông bà Nguyên tổ. Nơi đây, hai ông bà được làm chủ mọi cá biển chim trời và muôn loài sinh vật. Cũng chính nơi đây, Thiên Chúa đã mặc khải sự dịu dàng đích thực của Người và đề ra một con đường sống để con người theo đó mà làm chủ trái đất. Đó chính là sự làm chủ một cách hòa bình và dịu dàng như câu châm ngôn của người Do Thái: “Dưới cặp mắt của Đấng Tạo Hóa, sự bình an thì quan trọng như sự hiện hữu của vũ trụ”. Đây cũng chính là lời tiên trưng cho hành trình loan báo Tin mừng của Đức Giêsu khi Người nói rằng: “Phúc thay ai hiền lành thì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Do đó, Vườn Địa Đàng chính là nguồn gốc của sự hiền lành và bình an mà Thiên Chúa dành sẵn cho con người.

Khoảng 700 năm trước công nguyên, ngôn sứ Isaia cũng đã tiên báo về Người Tôi trung đau khổ, người ấy chính là Đức Giê-su – Hoàng tử Bình an của nhân loại. Quả vậy, từ khi Đức Maria thưa tiếng “Fiat”, nhân loại đã bước sang trang sử mới. Kể từ đây, họ như được chiếu sáng bởi Ánh hừng đông là Đức Maria để khai mở cho Mặt trời Công chính là Đức Giê-su. Chính nhờ Người là Hoàng tử Bình an, nhân loại đã “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4). Kể từ đó, biến cố Giáng sinh cách đây hơn 2000 năm đã trở nên biến cố bình an cho nhân loại, Đức Giê-su xuất hiện và các thiên thần ca hát, chúc tụng rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Chính trong hành trình dương thế của mình, cách riêng những năm tháng loan báo Tin mừng cứu độ, Đức Giêsu đã chứng tỏ dấu chỉ của sự bình an cho nhân loại khi Ngài chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ, …. Ngài yêu thương tất cả mọi người, nhất là người tội lỗi, kẻ nghèo hèn và đã thiết lập nhóm Mười Hai để họ cùng cộng tác với Ngài trong hành trình truyền giáo. Ngài đã đi khắp cùng mọi ngõ cùng của đất nước Do Thái để tìm kiếm và cứu chữa các con chiên lạc nhà Israel.

Hơn thế nữa, trong tâm tình thổn thức trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Và lời đầu tiên khi Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các môn đệ cũng là lời chúc bình an “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36). Qua đó, chúng ta thấy được sự hiện diện của Đức Giêsu đối với nhân loại từ khi Nhập Thể, Nhập Thế đến khi chịu tử nạn và Phục sinh là sự hiện diện của bình an. Đây chính là sứ mạng của Ngài khi nhận lời Chúa Cha để chấp nhận thân phận của một phàm nhân, Ngài đã trở nên nghèo khó, chấp nhận thập giá để cho con người được sống trong bình an đích thực, bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng.

Bước theo dấu chân Đức Giê-su trên đường khổ giá, các vị thánh thời danh cũng đã chứng tỏ dấu chứng của sự bình an nội tâm qua gương sáng là những nhân đức mà các ngài để lại cho trần gian. Có thể điểm qua một vài tâm hồn thánh thiện nổi bật trong hàng chư thánh Giáo hội đã tôn phong.

Điển hình là thánh Phanxicô Assisi – con người sống như thiên thần, không bao giờ ngừng tìm kiếm điều lành, giống như các thiên thần trên chiếc thang Giacop (St 28,12), hoặc là ngài đi lên tới Chúa hoặc là ngài xuống với người lân cận. Thật vậy, ngài đã học biết phân chia cách khôn ngoan khoảng thời gian được ban cho ngài để lập công phúc. Ngài dành một phần để làm việc mưu ích cho đồng loại và dành phần còn lại để tâm hồn yên tĩnh thăng tiến trong chiêm ngưỡng. Vì thế, khi đã dồn hết tâm sức để lo phần rỗi của tha nhân theo yêu cầu của hoàn cảnh nơi chốn, ngài rời bỏ đám đông náo nhiệt, đến những nơi thanh vắng, tìm kiếm những bí nhiệm của cô tịch. Ở đó, ngài rũ sạch bụi bặm có thể đã bám vào người trong thời gian sống giữa đám đông, cho bản thân được tự do tiếp xúc với Chúa. Hơn nữa, tâm hồn của ngài đã hoàn toàn chiếm đoạt được bình an nội tâm qua lời cầu nguyện được gọi là “Laudato si’, mi’ Signore” – “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Trong những lời của bài ca tuyệt vời này, thánh nhân đã nhắc nhớ chúng ta rằng ngôi nhà chung của chúng ta giống như một người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống và một người mẹ tuyệt vời là người mở cánh tay mình ra để ôm lấy chúng ta. “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người nuôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây”. Qua đây, chúng ta thấu hiểu được chính ngài đã đạt được sự bình an nội tâm sâu sắc nơi các tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên, để nhờ đó mà ca tụng tình thương và quyền năng tối cao của Người.

Một vị thánh có tầm ảnh hưởng lớn trong Giáo hội không thể không kể đến đó là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Một tâm hồn bình an còn được gọi là “Bông hoa nhỏ”, đã làm say đắm biết bao khối óc và con tim. Trái tim đơn sơ và trong sáng của chị bùng cháy với tình yêu sâu đậm dành cho Thiên Chúa, và tình yêu đó đã tràn vào cuộc sống của nhiều người. Hằng ngày, chị truyền cảm hứng cho những người biết chị và chị tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai đọc những câu chuyện cuộc đời của chị. Chị đã sống trong Chúa bằng sự chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù đau thương nhất bởi những hiểu lầm không minh chứng và cả sự đau đớn bởi căn bệnh lao phổi. Chị luôn vui tươi hiến dâng lên Chúa tất cả mọi biến cố của cuộc đời đang xảy ra cho mình, và hiến dâng chính mình như hiến lễ trong vui tươi và tràn ngập niềm hạnh phúc thiêng liêng sâu xa của cõi tâm hồn.

Sau cùng, chúng ta hãy điểm qua một vài quan điểm của một “vị đáng kính đã dành” cả cuộc đời của mình vì tình yêu say đắm đối với Thánh Giá Chúa Ki-tô, đó là Đức cha Pierre Lambert de la Motte – Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá. Trong kinh nghiệm của Đức cha Lambert, việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá đã khơi nguồn cảm hứng và làm phát sinh nơi ngài một tình yêu đặc biệt đối với Đấng Chịu Đóng Đinh: “Tôi đã có một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, tôi xin Người soi tỏ cho biết có thể làm cách nào để biểu lộ mối tình ấy” (Bài tự sự 1, 1-2). Quả thật, tình yêu đối với Chúa Giêsu trên Thánh Giá chiếm một vị trí quan trọng và tuyệt đối trong tâm hồn cũng như trọn cuộc sống của Đức cha Lambert. Theo ngài, tất cả mọi ước muốn của con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn. Đó quả là thú vui chân thật, thánh thiện và duy nhất của những tâm hồn hằng chiêm ngắm Đức Kitô trên Thánh giá và ước ao được sống kết hợp với Người cách đặc biệt.

Bởi thế, trong Tông huấn Vita Consecrata, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II xác nhận: “Việc chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi, là khởi điểm của mọi ân điển, tiên vàn là ơn Thánh Thần được trao ban, cũng như ơn sống đời thánh hiến” (VC 23).

Ý thức được điều đó, cùng bước đi trong hành trình theo Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã thương gọi và cho chúng ta được diễm phúc sống trong tình yêu bao la vô bờ bến trong tương quan cá vị với Người. Qua việc chiêm ngắm mầu nhiệm Thập giá cũng như những trải nghiệm trong đời sống hằng ngày, qua đó, chúng ta đã cảm nghiệm được sự bình an nội tâm sâu sắc. Với ơn Chúa, có lẽ chúng ta đã hiểu ra được căn tính của bình an phát xuất từ Thiên Chúa, cụ thể hơn đó là quà tặng của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho những tâm hồn muốn trở nên nghĩa thiết với Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy luôn nỗ lực không ngừng để tình yêu được lớn lên trong tâm hồn với hai chiều kích: Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

Trước hết, trong tình yêu đối với Thiên Chúa, đặt mình trước Thánh Thể, tâm hồn chúng ta hãy luôn hướng về Thánh giá để suy niệm về cuộc đời của Đức Giêsu, đặc biệt về cuộc khổ nạn Ngài đã phải chịu. Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu được rằng, chỉ có thể có được bình an khi tâm hồn thực sự ở lại trong Chúa với tinh thần vâng phục thánh ý để sống trong sự hiện diện của Ngài. Cũng như Chúa Giêsu đã vâng lời thánh ý Chúa Cha, chấp nhận xuống thế gian trong thân phận phàm nhân (Pl 2, 6-11), để cuộc đời của Ngài là sự bình an cho nhân loại thì một khi đã bước theo Đức Kitô, chúng ta cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài hầu có được bình an trong tâm hồn.

Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa ban cho chúng ta có được tình yêu đối với Người một cách chân thành và đầy tình con thảo. Hơn thế nữa, chúng ta cũng hãy nhận ra rằng, chỉ có bình an đích thực khi chính chúng ta biết phân định được con đường bước theo Đức Kitô – Sequela Christi chính là hành trình tìm kiếm Chúa mà không phải tìm kiếm chính mình hay tìm kiếm một thứ gì khác ngoài Chúa. Quả thực, như sách Huấn Ca viết: “Những ai từ sáng sớm đã kiếm tìm Người, sẽ được Người đoái thương” (Hc 32,14) và tác giả sách Ngôn sứ Isaia cũng đã viết: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên” (Is 55,6). Với niềm tin tưởng và cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta hãy luôn tha thiết cầu xin Người cho chúng ta được gặp Người trong từng giây phút của cuộc sống, qua các mối tương quan, qua công việc bổn phận và đặc biệt qua những giờ được ở lại bên Ngài.

Thứ đến, chính tình yêu đối với tha nhân, đặc biệt trong ơn gọi tận hiến, tình bằng hữu, anh chị em trong cộng đoàn sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được bình an nội tâm để có thể bước đi vững vàng trong hành trình theo Chúa. Ý thức được cộng đoàn chúng ta đang sống không phải do sự chọn lựa bởi cá nhân, cũng không phải có một sự sắp đặt tự nhiên, nhưng đó chính là thánh ý của Thiên Chúa, Ngài đã quy tụ tất cả chúng ta thành một cộng đoàn, một gia đình đầy tình yêu và bác ái. Có lẽ nếu không nói rằng, sự khác biệt về tuổi tác, tính tình, sở thích, khả năng… đã tạo nên những khó khăn trong đời sống chung thì chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều thấy rõ được điều đó. Bởi chính trong một gia đình ruột thịt thì cũng đã thể hiện rõ nét những sự khác biệt này. Chính vì vậy, hãy xem sự khác biệt đó như là một quà tặng Thiên Chúa đã ban để tạo nên sự đa dạng, phong phú, hầu giúp cho đời sống cộng đoàn được tăng thêm vẻ phong nhiêu trong tình yêu nhân loại. Hơn nữa, chúng ta cũng hãy xem những sự khác biệt đó như là điều kiện cần và đủ Chúa gửi đến cho chúng ta mỗi ngày trước là để mỗi người biết khiêm tốn nhìn lại bản thân còn nhiều bất toàn và yếu đuối, cần phải học hỏi nơi tha nhân những điều mà chúng ta chưa có, chưa làm được. Sau nữa là để chúng ta biết cảm thông với họ khi thấy họ còn phải mang những điều chưa tốt, chưa hoàn thiện, để trong tình bác ái, chúng ta biết khiêm tốn nâng đỡ nhau, cùng nhau sống tốt hơn, trưởng thành hơn trong đời dâng hiến. Nhờ vậy, tâm hồn chúng ta sẽ được trở nên bình an và hoàn toàn phó thác vào tình thương của Chúa, để nhờ ân sủng Chúa ban, chúng ta biết can đảm sống trung thành, thánh thiện hơn, để xứng đáng là người môn đệ đang theo sát gót Chúa Giêsu trên đường khổ giá – Sequela Christi.

Cuối cùng, để tái khẳng định giá trị của sự bình an đích thực, chúng ta hãy mượn lời của Mẹ Têrêsa Calcutta để như một châm ngôn sống và phục vụ trong ơn gọi làm môn đệ Chúa Kitô:

“Hoa quả của thinh lặng là cầu nguyện;

Hoa quả của cầu nguyện là đức tin;

Hoa quả của đức tin là tình yêu;

Hoa quả của tình yêu là phục vụ;

Hoa quả của phục vụ là bình an”.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có được bình an trong tâm hồn, để chúng con cũng biết đem bình an cho những người mà chúng con gặp gỡ, bởi chính bình an là vẻ đẹp và là quà tặng của tình yêu Chúa dành cho mỗi chúng con. Đồng thời, xin cho chúng con biết đón nhận những gì chúng con đang có, biết loại bỏ những sự tìm kiếm cá nhân, tìm kiếm bóng râm của tiện nghi, của danh vọng, … để chúng con chỉ biết chuyên lo tìm kiếm Chúa mà thôi. Xin cho chúng con biết coi sự khôn ngoan ở đời này chỉ là như cơn gió thoảng qua để biết khiêm tốn cậy dựa vào sự khôn ngoan của Chúa, nhờ đó cuộc đời chúng con được nên dấu chỉ của sự bình an Chúa, hầu mọi người nhận thấy Chúa đang hiện diện trong tâm hồn chúng con qua đời sống và sứ vụ tông đồ . Amen.                                                                                                                                                                                                Sequela Christi