Ba mươi đồng … một nụ hôn

GPVO (6/4/2023) – Hôn là một biểu hiện vô cùng riêng tư và rất thân mật. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao nụ hôn mang đến cảm giác độc đáo đến vậy và tại sao có quá nhiều sự cường điệu về nụ hôn? Cha mẹ hôn con cái là hành động yêu thương. Nam nữ hôn nhau là một minh chứng trao ban tình yêu của họ và Giuđa hôn Chúa có phải vì yêu cho đến cùng mà là nụ hôn vì…

Môn đồ Giuđa hôn thầy Giêsu chỉ vì phản bội. Được biết, đây là nhân vật chính được nhắc lui nhắc tới trong những thời điểm quan trọng kề cận bên Chúa trước cuộc thương khó sắp diễn ra. Ngẫm lại khung cảnh cuộc gặp gỡ của ông Giuđa với Chúa tại khe suối Kitrôn bên kia một thửa vườn (x. Ga 18, 1-2), một lần nữa, tôi được nhân thêm giây phút trầm tư nhìn sâu đời sống Giuđa cũng như duyệt lại trang cá nhân đời mình qua chuỗi ngày sống.

Chắc hẳn, nhắc đến cái tên Giuđa, ai cũng thuộc lòng và ghi nhớ, bởi vì sự xuất hiện thường xuyên của ông được Tin mừng Gioan, Maccô, Luca tường thuật khá nhiều ngay từ những ngày đầu Tuần thánh. Ông có nhiều tên gọi khác nhau mà ai cũng biết đến: kẻ bán Chúa, tên phản bội, kẻ giữ túi tiền hay nói theo cách của thời đại ngày hôm nay là người thủ quỹ.

Giuđa là một trong mười hai môn đệ thân tín của Đức Giê su, ông được trao trách nhiệm thủ quỹ cho nhóm (x. Mt 26, 14-26; Mc 14, 10-11; Lc 22, 3-6). Chính ông đã phản bội thầy mình để có thêm thu nhập với số tiền là “30 đồng bạc”. Giới cầm quyền Do Thái đã tiếp tay cho âm mưu này vì họ muốn bắt và giết Người. Hơn thế nữa, ông đã chỉ điểm thầy mình bằng một nụ hôn của phường ích kỉ. Nụ hôn này tiêu biểu cho những nụ hôn phỉnh bịp, dối gian…

Chúa Giêsu biết sự thật đớn đâu trên. Người nói với môn đệ lừa thầy phản bạn: “Kẻ chấm cùng đĩa với Thầy sẽ nộp Thầy” (Mt 26,23) để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,9). Dù đau khổ, tổn thương đến thế nào, Chúa vẫn yêu thương các môn đệ qua việc thiết lập bí tích tình yêu – Bí tích Thánh Thể.

Nơi các môn đệ, kẻ thì phản thầy, người thì chối Chúa, kẻ khác nữa lại bỏ chạy tán loạn khi Thầy bị bắt. Hình ảnh Giuđa nhắc nhở ta đừng trở thành kẻ phản bội nhưng học nơi Thầy Giêsu gương tín trung và lòng yêu thương. Qua mọi thời, Đức Giêsu luôn hứng chịu lấy sự vong ân của con người, sự bội nghĩa của nhân loại. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường đánh mất chính mình để tình nguyện làm kẻ nô lệ cho tiền bạc, danh vọng… Xin Chúa giúp chúng ta tỉnh thức trỗi dậy bằng sự trung tín và yêu thương vì chỉ khi yêu thương, chúng ta mới thực sự là môn đệ trung tín của Chúa Kitô.

Chúa cũng tiên báo trong nhóm môn đệ sẽ có một người sẽ nộp Thầy và Phêrô, Tông đồ trưởng, con người của sự nhiệt thành, bộc trực, xốc nổi cũng sẽ chối Thầy. Lời nói của Chúa làm chúng ta cảm nghiệm sâu xa nỗi khổ tâm, tủi nhục của Người trước các môn đệ đã được ưu ái chăm sóc, dạy dỗ. Hai hình ảnh đối nghịch càng làm nổi bật cảnh đau thương tái tê. Thầy thương trò cho đến cùng, trong khi đó, kẻ thì giả hình, âm mưu phản bội bán Thầy; người thì chối thầy nhưng lại tỏ ra nhiệt thành đến cùng. Chẳng ai hiểu Thầy, chẳng ai giúp Thầy. Có lẽ Chúa ở trong tâm trạng âm thầm, lẻ bóng đơn chiếc như Thánh vịnh đã báo trước: “Con mong chờ Người cảm thương, nhưng không có, mong chờ Người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống giấm chua…” (Tv 68, 21.22,31).

Một Giuđa phản bội và một Phêrô tự phụ chối Chúa làm cho lòng Chúa nhói ran, tâm can quặn thắt đến nhường nào. Đối với ông Phêrô thì sao? Ở điểm này, ông là con người hăng say trong công việc và rất tình cảm. Khi nghe Chúa báo trước cái chết, ông thề sẵn sàng chết với Người… Chính ông cũng là người nhanh nhẹn muốn tìm ra kẻ tội đồ nhưng cũng chính ông lại là kẻ chối thầy, bỏ trốn… như Lời Chúa đã cảnh báo. Tuy nhiên, điều đáng khâm phục mà ai cũng ngưỡng mộ về ông là khi được Chúa nhìn đến, tức thì ông đã nhìn ra cái sai và đã ra ngoài ăn năn, khóc lóc. Còn Giuđa, mặc dầu Chúa đã dùng lời nói và việc làm để loan báo, đánh thức lương tâm và tỏ tình thương đối với ông nhưng vì sống trong một xã hội kim tiền ô trọc, tính ham mê tiền của đã che lấp lòng trí, ông đã phản thầy mình. Ông coi mạng sống của kẻ khác, của Thầy Giêsu không bằng tiền. Với Giuda, tiền là tất cả. Bởi coi khinh mạng sống người khác và coi trọng đồng tiền, rốt cuộc đời ông “rách nát”, nói cách khác là “tiền mất, tình tan, sự nghiệp tàn”.

Từ đó, chúng ta thấy rằng sự yếu đuối là đặc tính của con người, của Giuđa, của Phêrô… nhưng cách hành xử của mỗi người khác nhau sau khi đã phạm tội. Giuđa đã tuyệt vọng đi thắt cổ chết. Còn ông Phêrô? Cái làm cho Chúa thương Phêrô không phải là sự hăng hái của ông nhưng có lẽ là sự thống hối của ông. Sau khi đã chối Thầy, Phêrô đã hối lỗi về sự hèn yếu của mình. Đối với con người hôm nay cũng vậy, Chúa không bao giờ chấp tội lỗi yếu đuối của chúng ta nhưng cái mà Chúa chờ đợi ở chúng ta là lòng thành sám hối. Dẫu biết thế nhưng sao lắm lúc con người không dám để Chúa chạm vào lòng hay xoa dịu vết thương. Ta mang một nỗi sợ hãi lớn. Phải chăng là chước ma quỷ bày ra…?

Khi suy ngẫm về vai trò của Giuđa trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta phần nào phản tỉnh về hậu quả tội lỗi đối với Chúa. Kiểm điểm lại bản thân từ khi có trí khôn đến giờ, có thể tôi không bán Chúa như Giuđa nhưng tôi bán Chúa qua lời nói, hành động với tha nhân, thiếu đi sự tế nhị, tôn trọng. Chính cái thờ ơ, lạnh nhạt qua giờ kinh, thánh lễ cũng là một hành động tôi đã bán Chúa. Tôi không giữ Chúa ở lại nhưng chỉ níu kéo lạc thú vui danh, các quyến rũ tham vọng và sở thích cá nhân. Tôi nuôi thù hận để rồi khi đã trở thành cục hận sân si, tôi vứt bỏ chúng. Tôi bắt người khác phải hứng chịu và tôi… thường tích trữ tính kiêu ngạo, lòng ích kỉ. Như thế là tôi đã bán Chúa đi mất rồi! Tôi chẳng khác gì Giuđa – một kẻ lừa thầy dối bạn. Tuy nhiên, hãy đừng tuyệt vọng vì những tội lỗi, nhưng hãy biết quay về để nói chuyện thân tình với Chúa, để được Chúa chạm vào. Đó cũng chính là bài học đắt giá cho mỗi người chúng ta, thay vì trao nụ hôn lừa bịp, gian dối, chúng ta hãy trao ban tình thương, quan tâm đến nhu cầu của tha nhân và luôn đặt niềm hy vọng vào lòng nhân ái của Thiên Chúa suốt cả Mùa Chay này.

Ước gì chúng ta sống không phải như:

“Giuđa nụ hôn muộn phiền
Bán thầy đổi lấy đồng tiền ba mươi”.

mà là:

Con trao chỉ điểm nụ hôn
“Mến Chúa yêu người”châm ngôn con tìm”.

Mary Nhậm Doanh